Kỳ 2: Định cư, nhưng chưa an cư

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng các cụm, tuyến dân cư (CTDC).

Mặc dù được đánh giá đã góp phần giảm thiệt hại, song các CTDC này lại chưa phát huy được vai trò trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất. Từ đó người dân quay về chỗ cũ, bất chấp nguy hiểm đã khiến ngành chức năng đau đầu tìm giải pháp.

Người dân "xóm chạy lở" Nguyễn Văn Tiếp phải sống trong trường học cũ chờ tái định cư.

Người dân "xóm chạy lở" Nguyễn Văn Tiếp phải sống trong trường học cũ chờ tái định cư.

MÒN MỎI CHỜ NƠI Ở MỚI

Sống trong cảnh phập phồng, họ mong muốn được di dời đến nơi ở mới ổn định nhưng đến nay giấc mơ ấy vẫn chưa thực hiện được.

Vợ chồng nuôi heo và sau nhiều năm tích góp cất được căn nhà hơn 70 triệu đồng cạnh kênh Nguyễn Văn Tiếp (ấp 1, xã Phong Mỹ, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Tuy nhiên sau 2 trận sạt lở, căn nhà bị sụp xuống sông một nửa khiến gia đình hơn 10 người phải dọn qua trường học cũ ở để bảo toàn mạng sống. Đến nay đã gần 4 tháng nhưng gia đình 3 thế hệ vẫn chưa được bố trí tái định cư.

Ông Trương Thành Công (68 tuổi) kể: Hơn 4 tháng trước, ông thấy tấm bê-tông trước nhà bị nghiêng lún bất thường nên phóng xuống sông xem và xác định sẽ sạt lở. Lúc đó, gia đình ông cùng hơn chục hộ khác đã cùng nhau đóng cừ gia cố.

Nhưng sau đó 10 ngày, trận sạt lở đầu tiên xảy đến khiến giao thông bị chia cắt. Lần này, mỗi gia đình tiếp tục bỏ thêm 2 triệu đồng để mua vật liệu về gia cố nhưng vẫn không thể chống đỡ nổi. Nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên địa phương vận động di dời khẩn cấp.

“Hôm trước, ở xã nói qua trường học sẽ được hỗ trợ điện - nước nhưng đến nay vẫn bị góp tiền đều đều. Mỗi tháng tính ra tiền điện là 500 ngàn, còn nước 100 ngàn đồng, trong khi chuyển nhà lên cũng không được hỗ trợ đồng nào hết. Đến nay việc bố trí tái định cư không nghe nói gì. Chúng tôi được bố trí ở đâu cũng được, nhưng không phải trả tiền quá cao vì ai cũng thuộc diện khó khăn, không còn sức khỏe để làm ra tiền” – ông Công bức xúc nói.

Những ngày này, về cù lao Long Phú Thuận (đoạn xã Long Thuận, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) sẽ dễ nhận thấy cảnh tan hoang của vùng đất giữa sông Tiền, khiến ai nấy cũng không khỏi nao lòng. Nhiều tuyến đường giao thông bị cắt đứt, nhiều đoạn sông bị ngoạm sâu vào bờ phơi ra những lớp đất đá, rồi những căn nhà bỏ trống vì chủ nhân dắt nhau tháo chạy. Đến nay địa phương này còn hàng chục gia đình cần tái định cư.

Theo quan sát, dọc ấp Long Thạnh nhiều căn nhà trơ trọi, không còn cửa nẻo, dưới chân đất bị đục khoét như vừa bị dội bom. Chạy về gần phía cuối cồn, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng khi tuyến đường giao thông bị chia cắt. Để đi lại người dân đã làm con đường dã chiến luồn lách giữa những căn nhà. Bao vây cồn là hàng chục xáng cạp, sà lan đang lấy cát.

Đang ở nhờ nhà người quen để chờ nền tái định cư, bà Nguyễn Thị Phước (50 tuổi) than: “Lên đây ở tạm, tôi phải nhặt từng tấm ván ghép lại để có chỗ che nắng, che mưa. Hy vọng địa phương sớm bố trí tái định cư cho chúng tôi để có cuộc sống ổn định hơn”.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, có hơn 1.600 hộ dân được di dời vì sạt lở. Hiện địa phương này có khoảng 300 hộ sống trong vành đai sạt lở, cần bố trí tái định cư.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực sông Tiền và sông Hậu) đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở với chiều dài hơn 15,8km, nhà dân cần di dời là 1.299 hộ. Đến nay đã di dời 10 hộ, còn lại 1.289 hộ cần sớm di dời, tập trung ở H.Thanh Bình và Cao Lãnh.

Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếu cứu nạn TP.Cần Thơ, riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn xuất hiện 20 điểm sạt lở, làm 28 căn nhà bị thiệt hại, với số tiền trên 12,7 tỷ đồng. Hiện trên toàn thành phố có 171 điểm có nguy cơ sạt lở, tổng số nhà cần phải di dời là 3.198 căn.

Một khu tái định cư ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bỏ hoang.

KHU TÁI ĐỊNH CƯ BỎ HOANG

Sạt lở liên tiếp xảy ra, phần lớn người dân đều chen chúc nhau sống qua ngày ở nhà người thân, che chắn tạm bợ trên nền đất của bà con hoặc trú tạm tại các trường học. Một nghịch lý đang diễn ra là tại nhiều KDC ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… lại bỏ hoang vì không có người ở.

Dạo một vòng các CTDC huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà cấp bốn xây tường kiên cố hoặc đổ cột bê-tông, lợp tole chạy dài cả cây số trong tình trạng… vườn không nhà trống!

Bên ngoài cỏ dại mọc um tùm, tường nhà rêu phủ kín, nứt nẻ, trơ khung chẳng khác nào “nhà ma”. Ghé vào KDC có hơn 30 căn nhà bị bỏ hoang ở ấp Long Sơn (xã Thông Bình, H.Tân Hồng), chúng tôi thấy nhiều hộ dân đã tận dụng làm chỗ nuôi gà, chứa vật tư, nông cụ. Bà Lê Thị Bé bức xúc: “Thay vì những ngôi nhà này cấp cho những hộ có nhu cầu chứ bỏ hoang như vậy hết sức lãng phí”.

Theo nhiều gia đình sống tại các KDC, những năm gần đây, sạt lở bủa vây người dân đồng bằng, lũ nhỏ khiến nguồn lợi thủy sản theo đó cũng dần cạn kiệt, làm cho sinh kế của biết bao gia đình khó hơn bao giờ hết. Từ đó, nhiều người phải đi tìm vùng đất hứa, bỏ lại những CTDC nằm trơ trọi, đìu hiu. Không chỉ hoang vắng như “khu nhà ma” mà một số khu này còn tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, phát sinh các vấn đề an ninh, trật tự.

Ông Lê Hữu Phú - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp lý giải: “Người dân sống ở tuyến dân cư thường có thu nhập thấp, trong độ tuổi lao động nên họ chọn đi thành phố. Từ đó rất nhiều nhà cửa bỏ hoang, còn lại người già và trẻ nhỏ”.

Theo ông Phú, nhiều CTDC hiện chỉ có đường đi, thiếu hệ thống nước máy… Do vậy địa phương đang xin chủ trương để hỗ trợ các CTDC hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng.

Bà Tua và bà Kết ngồi trong nhà mới cất với nỗi buồn thất nghiệp và nợ bủa vây.

THẤT NGHIỆP, NỢ NẦN BỦA VÂY

Dân sống tại CTDC phần lớn thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất. Để “bám rễ” trên vùng đất mới họ phải tự tạo sinh kế bằng nhiều cách, nhưng trước nhiều thách thức và nguồn thu nhập thấp khiến cho đời sống của họ trở nên hắt hiu.

Những ngày cuối tháng 7-2019, chúng tôi trở lại các khu dân cư ở xã Phú Lợi (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) thấy nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp, nợ nần. Có thâm niên hàng chục năm đánh bắt thủy sản, nhưng từ khi chuyển đến KDC buộc phải bỏ nghề.

Ông Lê Văn Sáu (51 tuổi) buồn bã nói: “Lên đây nhiều cái bất tiện nên một số hộ đã về lại nơi cũ hoặc bỏ đi thành phố mưu sinh. Khi ở nhà sát mé sông nông dân còn nhờ nắm rau, chăn nuôi gà, vịt cải thiện đời sống; còn bây giờ lên đây đất đai chật chội chỉ đủ để cất nhà, không có khoảnh vườn trồng trọt, lại cấm chăn nuôi đến nỗi cái gì cũng phải mua thì rất khó sống”.

Gia đình ông Sáu chuyển về khu tái định cư ở 10 năm nay. Tuy nhiên do làm thuê, làm mướn chỉ đủ tiền mua gạo nên tiền nợ cái khung nhà vợ chồng ông và rất nhiều người trong xóm chẳng trả xong. “Nhà quá nghèo nên đứa con gái học hết lớp 9 đành nghỉ để lên thành phố làm công nhân 5 năm nay” - ông Sáu cho biết thêm.

Đường vào khu dân cư Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang sình lầy lội do đầu tư nửa vời.

Tìm về KDC Mỹ Hòa (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang) chúng tôi thấy hơn 30 ngôi nhà tường mới được xây cất. Hỏi người đi đường họ cho biết đó là nhà của những hộ dân ở xóm chạy lở Vàm Nao.

Ngồi bệt dưới nền nhà, bà Bùi Thị Kết (62 tuổi) kể, sau vụ sạt lở gia đình được bố trí tái định cư và cất nhà ở đến nay gần 1 năm. Để cất được căn nhà có diện tích 5m2 và dài 16m gia đình bà Kết phải bỏ ra số tiền 340 triệu đồng.

“Tiền gom góp của mấy chục năm, hốt hụi và con dâu đi mượn sổ đỏ của cha ruột vay thêm 70 triệu đồng mới đủ đó chú! Hiện gia đình còn thiếu nợ 50 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi hơn 1 triệu đồng. Mới đầu xã họp dân kêu về đây ở đi 10 ngày sau sẽ cấp sổ đỏ và cho vay 20 triệu đồng, nhưng đến giờ chưa thấy gì. Cuộc sống chúng tôi giờ khó khăn hơn bao giờ hết” – bà Kết vừa buồn vừa bức xúc nói.

Nhà cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tua (55 tuổi) cho biết: “Chúng tôi lên đây cất nhà ở như cá mắc cạn, đến nay gia đình còn nợ mấy chục triệu mà chưa trả được, bởi thất nghiệp. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nguyên khu này gần 30 hộ đều trong cảnh tương tự. Tôi nghĩ một thời gian nữa thôi sẽ không ít hộ lại bỏ đi Bình Dương”.

Được biết, khu KDC Mỹ Hòa có diện tích 2,8 héc-ta, có 200 nền và tổng kinh phí đầu tư hơn 33 tỷ đồng. Số hộ dân sạt lở ở Vàm Nao bố trí vào đây là 90 hộ nhưng nay chỉ mới 30 hộ.

Theo quan sát, đường vào khu dân cư này hết sức lầy lội do chưa được rải đá, xe chở đất làm nguyên liệu cho lò gạch ra vào nhộp nhịp.

“Trời mưa là chúng tôi mắc kẹt không ra ngoài được. Đường trơn trượt nên chồng bà Kết té trầy đầu gối, bà Hạnh sưng mình và một bà nữa bong gân tay. Chúng tôi hết sức lo lắng vì ngày tựu trường sắp tới, tụi nhỏ không biết đi học sẽ ra sao” - nhiều hộ dân ở KDC Mỹ Hòa phản ánh và bức xúc.

Ông Lê Hữu Phú - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp:

Một số hộ dân vùng sạt lở khi địa phương bố trí vào khu dân cư họ từ chối, còn một số người đồng ý nhận nền, cất nhà nhưng sau đó quay về chỗ cũ che trại ven sông vì họ cho rằng không sống được. Địa phương đang triển khai thí điểm 4 cụm dân cư: Trung tâm xã Tân Nghĩa, Trung tâm xã Gáo Giồng (H.Cao Lãnh), Cả Sở, Tân Công Chí (H.Tân Hồng) nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và gắn với các nguồn sinh kế.

Còn tiếp...

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-2-dinh-cu-nhung-chua-an-cu_78565.html