Kỳ 2: Đã đến lúc cần cởi mở hơn với cách sáng tác mới

'Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, ta phải là người tốt với những phẩm chất cao quý, địch phải là những kẻ xấu xa', có lẽ đó là những lối sáng tác đã ăn sâu vào quan điểm của nhiều thế hệ, mà cho đến hôm nay, nên chăng cần 'cởi trói' để văn học nghệ thuật được tự do với đôi cánh của riêng mình?

Nhà văn Y Ban đã đặt một câu hỏi đáng suy ngẫm: “Vụ mùa của văn chương là bao nhiêu năm? năm năm, mười năm, hay hai mươi năm?”, và chúng ta chờ đợi bao lâu để có những tên tuổi “làm thay đổi xu hướng sáng tác”.

Nhìn lại nền văn học Việt Nam trong những năm qua, Nhà văn Y Ban đưa ra hai trào lưu sáng tác chủ yếu. Thứ nhất là tiểu thuyết lịch sử và sự giải thiêng (hiểu theo nghĩa đơn là làm mất hay xóa bỏ tính thiêng liêng của một đối tượng nào đó). Xu hướng viết tác phẩm văn học để giải thiêng lịch sử bắt đầu từ những thập niên 80 của thế kỷ trước mà một trong những nhà văn để lại dấu ấn đậm đặc nhất là Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn viết về các danh nhân lịch sử như Phẩm tiết, Vàng son, Kiếm sắc…

Qua thế kỷ 21 các nhà văn mê đề tài lịch sử không dừng lại ở thể loại truyện ngắn mà chuyển qua viết những bộ tiểu thuyết đồ sộ. Nguyễn Xuân Khánh với “Hồ Quý Ly” và “Đội gạo lên chùa”. Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết đồ sộ đến gần 7000 trang viết, “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý”. Hay một số tác phẩm như “Minh sư” của Thái Bá Lợi, “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang. “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ…

Những tác phẩm kể trên đều đã nhận được các giải thưởng văn học và được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận độc giả.

Tác phẩm “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân sau khi đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức thì ngay sau đó đã bị dư luận chỉ trích vì những trang sách mô tả tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chỉ là những kẻ võ biền, ít học; Nguyễn Trãi bị đẩy vào thế cô đơn không biết tâm sự cùng ai phải trải lòng với tướng bại trận nhà Minh…

“Chim ưng và chàng đan sọt” của tác giả Bùi Việt Sỹ đoạt giải B (không có giải A) trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 cũng do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức và giải Sách hay Quốc gia thì liền bị dư luận chỉ trích vì sự miêu tả cảnh ái ân trần trụi giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của con trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn..

Xu hướng thứ hai là xu hướng viết hồi ký chiến tranh. Cuốn đầu tiên để lại dấu ấn khá mạnh về xu hướng này là “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca, xuất bản năm 2015; tiếp theo là “Lính Tây Nam” của tác giả Trung Sỹ; “Lính Hà” của Nguyễn Ngọc Tiến; “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn; “Lính bay” của Đoàn Phú Thái; “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến…

Đặc điểm chung của các tác giả này là họ đã từng là lính, những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Họ trực tiếp cầm súng đánh địch nên những trang viết của họ thấm đẫm cảm xúc. Họ không phải là nhà văn, họ đã sống và chiến đấu như thế nào thì thật thà kể lại trong hồi ức. Chính sự giản dị, thật thà và đầy ắp tư liệu đó đã hấp dẫn người đọc.

Tác giả Vũ Công Chiến kể lại trong “Hồi ức lính” cuộc đào ngũ tập thể đã được lên kế hoạch từ trước, hoặc sự bồng bột của tuổi trẻ khi lính cùng đồng loạt thò súng qua cửa sổ tàu để xả đạn trên cánh đồng vắng trong tác phẩm “Lính Tây Nam” của Trung Sỹ. “Sự thật thà” đó đã lý giải vì sao sau hơn 40 năm người lính mới dám viết về những hồi ức chiến tranh. Phải có một độ lùi thời gian nhất định thì sự thật mới được phơi bày. Không có một ai được sinh ra trên đời này để làm một người lính tham gia vào cuộc chiến tranh. Chỉ có chiến tranh buộc họ phải vào lính.

Từ góc nhìn của nhà văn Y Ban, có thể liên tưởng tới một vài tác phẩm điện ảnh lịch sử Âu – Mỹ. Bộ phim “Hiệp sĩ đầu tiên” là một tác phẩm điện ảnh trữ tình về huyền thoại xứ Camelot - Công nương Guinevere giằng xé giữa lòng trung thành với chồng và tình yêu ngày càng lớn với đối thủ của ngài. Hay “Vua Arthur: Truyền thuyết về thanh kiếm” cũng là phiên bản lịch sử kinh điển của Vua Arthur, một trong những vị vua nổi tiếng nhất của tiểu thuyết điện ảnh. Đối với đề tài chiến tranh, có thể kể đến “Bản danh sách của Schindler”, bộ phim được đánh giá cao về đề tài chiến tranh, ám ảnh người xem khi khắc họa rõ rệt, chân thật thời kỳ đen tối, thảm khốc trong những năm tháng thuộc thế chiến thứ II. “Giải cứu binh nhì Ryan” cũng đi sâu vào cuộc đời cũng như nghề nghiệp của người lính bắn tỉa, đồng thời, phim đưa người xem trở về với cuộc chiến Omaha đầy rẫy sự chết chóc với những giây phút bất tử của người lính, nhưng cũng mô tả chân thực sự sợ hãi chiến tranh và sự hèn nhát thẳm sâu trong mỗi con người trước cái chết.

“Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, ta phải là người tốt với những phẩm chất cao quý, địch phải là những kẻ xấu xa”, có lẽ đó là những lối sáng tác đã ăn sâu vào quan điểm của nhiều thế hệ, mà cho đến hôm nay, nên chăng cần “cởi trói” để văn học nghệ thuật được tự do với đôi cánh của mình. Đã đến lúc cần cởi mở hơn với cách sáng tác mới, chấp nhận các thông điệp nhân văn đan xen với thẩm mĩ giải trí, thay vì lên án, đánh giá, so sánh theo quan niệm “hoài cổ”, để các tác giả có thể không còn phải đắn đo khi đặt bút viết lên một tác phẩm hay một kịch bản mới.

Bảo Thoa

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-da-den-luc-can-coi-mo-hon-voi-cach-sang-tac-moi-115794.html