Kỳ 2 - Bạc Liêu: Bức xúc vụ tranh chấp đất, dân đề nghị giám đốc thẩm vì bản án nhiều sai sót

Theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Hồng Dân, Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu có nhiều điểm sai sót dẫn đến không thể thi hành án. Quá trình điều tra, xác minh, phóng viên phát hiện nhiều chứng cứ mới.

Phòng TN-MT khẳng định nguồn gốc đất của ông Ba

Cụ thể, Báo cáo số 58/BC-PTNMT ngày 05/9/2016 của Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) huyện Hồng Dân, báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung yêu cầu của ông Nguyễn Văn Que đòi lại phần đất trước đây gia đình ông cho Nhà nước mượn làm trường học cho biết, nguồn gốc đất tranh chấp với ông Phạm Văn Ba là do bà Phan Thị Kiển tự khai phá trước năm 1975.

Đến khoảng năm 1976 - 1977, bà Kiển mất, để lại phần đất cho bà Nguyễn Thị Thử (con bà Kiển) quản lý sử dụng. Sau đó, bà Thử bán lại phần đất trên cho ông Lưu Sung sử dụng, được khoảng 03 năm thì ông chuyển đi nơi khác và trả lại đất cho bà Thử.

“Bà Nguyễn Thị Thử tiếp tục bán phần đất cho ông Phạm Văn Ba (việc sang bán không có giấy tờ nhưng có bà Nguyễn Thị Đạt biết vì bà Đạt là người đã hỏi mượn lúa cho ông Phạm Văn Ba mua đất).

Ông Ba quản lý sử dụng đến năm 1981-1982 thì Chính quyền địa phương có đến nhà ông Phạm Văn Ba vận động ông cho mượn phần đất để làm trường học (lúc mượn đất không có giấy tờ nhưng có ông Nguyễn Văn Đại và ông Nguyễn Văn Đủ xác nhận là có thật) sử dụng đến năm 2010 thì đổi thành trụ sở ấp Ninh Chài và đến nay là Nhà văn hóa ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A” - báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hồng Dân nêu.

Báo cáo của Phòng TN-MT huyện cho biết, đất của ông Ba.

Cụ thể hơn, Báo cáo của phòng TN - MT cũng cho biết, ngoài phần đất ông Ba cho chính quyền địa phương mượn làm trường học, còn phần sau trường và phần từ lộ đến giáp kênh xáng thì ông Ba vẫn quản lý sử dụng.

“Khi Nhà nước có chủ trương làm lộ đất đỏ thì ông Phạm Văn Ba trực tiếp làm, khi chuyển từ lộ đất đỏ sang lộ bê tông ngang 2m ông Ba tự mua cát đá xi măng để làm” - báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hồng Dân nêu.

Về yêu cầu của ông Que, Báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hồng Dân cho rằng, ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh quá trình quản lý sử dụng đất.

Từ kết quả kiểm tra xác minh và chứng cứ đương sự cung cấp, Phòng TN-MT kết luận “việc ông Nguyễn Văn Que yêu cầu trả lại đất là không có cơ sở”.

Báo cáo trên của Phòng TN-MT cùng Báo cáo của Thanh tra huyện Hồng Dân (như đã đề cập trong bài viết trước) đều khẳng định năm 1978, ông Ba sang nhượng đất của bà Thử là sự thật; việc ông Ba cho chính quyền địa phương mượn đất cất trường học cũng là sự thật.

Vậy, phần đất ông Que khai cũng cho chính quyền địa phương mượn cất trường ở đâu?

Tòa phúc thẩm đã nhầm lẫn?

Theo hồ sơ phóng viên có được và từ những xác nhận của một số nhân chứng sống tại địa phương, trong đó có ông Nguyễn Văn Đủ (nguyên cán bộ ấp), bà Nguyễn Thị Sắt (cháu bà Thử), ông Lưu Sung (người từng sang đất của bà Thử), ông Nguyễn Thanh Giang (giáo viên tại xã Ninh Quới A) đều cho biết, phần đất bà Thử (mẹ ông Que) cho chính quyền mượn cất trường năm 1976 (tên trường Cây Me) hiện nay do ông Nguyễn Văn Hoại (em ruột ông Que quản lý). Phần đất này nằm giáp kênh xáng và giáp ranh phần đất tranh chấp.

Ông Nguyễn Văn Đủ nguyên cán bộ ấp và nhân chứng vụ việc khẳng định, đất ông Ba cho mượn làm trường, sau đó là Nhà văn hóa ấp Ninh Chài hiện nay.

Những nhân chứng trên khẳng định, trường Cây Me làm bằng cây lá, hoạt động mấy năm thì xuống cấp nên dời lên trên lộ. Lúc này, chính quyền địa phương đến gặp ông Ba hỏi mượn đất cất trường tiểu học, nay là Nhà văn hóa ấp Ninh Chài (như Báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hồng Dân đã nêu).

Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bạc Liêu đã có sự nhầm lẫn hoặc ngộ nhận khi xác định phần đất nhà nước mượn của ông Que cất trường học trước đây là phần đất do ông Hoại quản lý hiện nay? Và phần đất này đã được các nhân chứng khẳng định không phải phần đất giáp kênh xáng mà hiện nay ông Ba và Ông Que đang tranh chấp.

Bản án nhiều sai sót, đề nghị giám đốc thẩm

Như Pháp luật Plus đã thông tin, Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu đã khiến dư luận tại địa phương “dậy sóng”. Đặc biệt, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Dân cũng chỉ ra bản án phúc thẩm có nhiều sai sót.

Cụ thể, Công văn số 10/ĐN-CCTHADS ngày 27/4/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Dân gửi Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đề nghị giải thích bản án phúc thẩm số 15/2015/DSPT ngày 19/01/2015 của TAND tỉnh Bạc Liêu.

Văn bản trên nêu rõ: “Quá trình tổ chức thi hành án: Người phải thi hành án kiên quyết không thi hành án, cho rằng bản án xử oan, sai. Người dân giáp ranh đất không đồng tình với bản án và yêu cầu cơ quan Thi hành án kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại…”.

Đơn kiến nghị tập thể dân.

Đơn kiến nghị tập thể của dân về việc giám đốc thẩm bản án phúc thẩm.

Về những sai sót, văn bản của Chi cục Thi hành án Dân sự chỉ ra: Có sự chênh lệch về số liệu (diện tích đất tuyên ông Ba phải trả cho ông Que 34,5m2, trong khi qua đo đạc thực tế 80,7m2); Đất tranh chấp tại xã Ninh Quới A nhưng bản án ghi xã Ninh Quới; Phần lời khai của một số nhân chứng do ông Que cung cấp và được Tòa phúc thẩm xem xét, qua đối chiếu với biên bản xác minh của tòa án cấp sơ thẩm thì những nhân chứng trên đều thừa nhận bản tự khai ban đầu cung cấp không chính xác.

Phần xét thấy của bản án phúc thẩm có ghi “nhưng theo biên bản đo đạc, thẩm định tại chỗ lập ngày 18/6/2013 (BL 60), ngày 09/8/2013 (BL 72) thể hiện phần đất tranh chấp không có cây trồng hay vật kiến trúc của ông Ba”, tuy nhiên qua đối chiếu hai biên bản trên thì thể hiện hiện trạng trên đất tranh chấp có một số cây tạp không định giá, ngoài ra khi khảo sát thực tế ngày 07/7/2016 thì phần đất tranh chấp còn có 04 cây trâm bầu và dưới mé sông có khoảng 40m2 lá dừa nước; Bản án tuyên “buộc ông Phạm Văn Ba và bà Lê Thị Hà cùng có trách nhiệm giao trả đất cho ông Nguyễn Văn Que…”, trong khi đó bà Lê Thị Hà là vợ của ông Que. (?!)

Với những sai sót của bản án phúc thẩm, cùng nhiều ý kiến kiến nghị của người dân liên quan đến vụ việc, dư luận cho rằng đề nghị xem xét giám đốc thẩm lại bản án trên để đảm bảo quyền lợi người dân và sự công bằng của pháp luật là có căn cứ.

Không thể thi hành án, cần xem xét lại bản án

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thiện, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Dân cho biết: Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu đến nay không thể thi hành án được và đang xem xét kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại bản án vì có rất nhiều sai sót.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Kiến Dân

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ky-2--bac-lieu-buc-xuc-vu-tranh-chap-dat-dan-de-nghi-giam-doc-tham-vi-ban-an-nhieu-sai-sot-d57318.html