Kỳ 1: Xuất bản từ chiến khu

Vào khoảng 2 giờ sáng 20-10-1950, các máy in Minec đạp chân thủ công nhả ra những số báo đầu tiên (số 1) của Báo Quân đội nhân dân. Tuần trước, toàn bộ dự thảo maket số báo nay đã được gửi lên Cục Tuyên huấn.

Chúng tôi ước tính khoảng một tuần là cấp trên duyệt xong. Một tuần trôi qua trong sự hồi hộp không biết sự sắp xếp bài vở trên các trang báo như vậy có được duyệt không. Quãng đường từ trung tâm “A-T-K” (tên gọi tắt của An toàn khu)-nơi tập trung các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về tới Nhà in Quân đội nhân dân, thông thường là non một ngày. Hồi đó, việc đi lại hầu hết là đi bộ. Có một từ mà bây giờ đã mất cùng với thời gian để mô tả nỗi ước ao của một chuyến đi bằng cơ giới, lính ta vẫn đùa với nhau:

- Đi ô tô căng hải hả? (căng hải là nói ngược hai cẳng).

Sắp xếp bản thảo lại một chút rồi tôi và anh Nguyễn Xuân Tước cùng đến lán trại của anh Mai Sơn, chỉ huy trưởng đơn vị báo cáo và xin lệnh in. Anh Mai Sơn vốn là sinh viên, do chiến tranh nên “bỏ bút nghiên” tham gia cách mạng, một người luôn hồ hởi, làm việc với anh rất thích. Vẫn lối nhìn sâu sắc của một trí thức, anh bảo chúng tôi:

- Một việc trọng đại của quân đội mình lại ra đời đúng vào mùa thu lịch sử!

Vậy là, kể từ ngày Cục Chính trị nâng lên thành Tổng cục Chính trị ngày 11-7-1950 và có chủ trương ra đời tờ báo, đến ngày 20-10, vừa tròn ba tháng mười ngày.

 Tác giả những ngày đầu làm báo Quân đội nhân dân ở ATK.

Tác giả những ngày đầu làm báo Quân đội nhân dân ở ATK.

Cầm tập bản thảo đi về phía phân xưởng in, chúng tôi không nói gì với nhau vì vẫn còn dư âm của buổi làm việc hứng thú với anh Sơn. Bây giờ mới để ý đến con đường, lá vàng rơi đã tạo thành một bức thảm dầy dưới chân, cảnh vật đã vào thu. Ý nghĩ bỗng nhiên trở thành chứng nhân lịch sử, khiến cả anh Tước và tôi đều cảm thấy vừa vui, vừa trách nhiệm nặng nề, nên đưa in xong, không ai muốn về lán trại của mình để ngủ. Chúng tôi đứng bên các máy in, tìm kiếm các chỗ in mờ để chỉnh sửa cho kịp thời. Đến khoảng 2 giờ sáng thì trang nhất và các trang trong đã in đủ vài số đầu. Lúc này chúng tôi mới yên tâm, mỗi người cầm một tờ về phòng làm việc. Căn phòng chỉ vừa tròn 4m2, ở giữa là bàn ghép bằng cây nứa phanh ra, phía hai mép bàn là hai hàng ghế dài cũng bằng nứa để mọi người vào ngồi chờ chúng tôi sửa. Nơi đây gọi là Phòng Điều chỉnh, nằm ở đầu hồi lán trại của nhà chữ để tiện sửa các bản in thử.

Đêm đó hai hàng ghế chật ních người ngồi, các anh Từ Bích Hoàng, Trần Cư, Mai Luân và vài anh nữa đều theo bản thảo về nhà in, có vẻ như muốn sớm nhất nhìn thấy tờ báo ra đời và bài của mình viết mặt mũi ra sao trên trang báo. Các anh cũng mỗi người cầm một tờ báo về Phòng Điều chỉnh. Lúc này, anh Mai Sơn dường như không ngủ được, cũng đến. Hầu như ai cũng hài lòng với bộ mặt của tờ báo. Anh Mai Sơn bảo tôi cho in thêm 300 tờ trên giấy tốt để biếu. Đợi đến trời sáng tỏ, anh Sơn cầm mấy tờ sang nhà anh Lưu Văn Lợi, là người được coi như Thư ký tòa soạn của báo. Nơi anh ở cách nhà in khoảng 200m trên đường vào bản nhưng phải đi qua một con lạch nhỏ, nước ngày thường lúc nào cũng ngập mắt cá chân. Cầm chắc anh Sơn sẽ trở lại ngay nên chúng tôi ngồi đợi.

Đến nay, cái đêm hôm ấy đã trôi qua 70 năm, giờ đã ở tuổi 90 mà tôi vẫn nhớ như in: Hai dãy ghế gần như chật ních, mỗi người mang một chiếc đèn dầu nhỏ đến góp (thường gọi là đèn Hoa Kỳ), ánh sáng nhợt nhạt chỉ soi mờ mờ tỏ tỏ khuôn mặt mọi người, ai nấy đều tỉnh ngủ dù đã thức trắng đêm, chăm chú nhìn vào tờ báo, lật đi lật lại, ngắm nghía. Trên đầu chúng tôi, vầng trăng non đầu tháng đã khuất sau đỉnh núi, chim chóc đã bắt đầu ríu rít và đàn khỉ trên cành cao cũng đang gọi nhau.

Báo Quân đội nhân dân ra được khoảng mươi số thì chúng tôi nhận được một công văn đến rất đúng lúc, ai cũng mừng vui. Các máy Minec vận chuyển từ Hà Nội ra chiến khu trong thời gian Trung đoàn Thủ Đô kìm chân quân đội viễn chinh Pháp nay đã ọp ẹp. In sách, nếu máy hỏng còn có thể chờ vài ngày để sửa chữa, chứ in báo mà phải sửa thì còn đâu tính thời sự của báo. Bởi vậy, cấp trên gửi công văn cho thay máy in, làm sao mà không mừng! Anh Mai Sơn giao cho tôi việc đi lấy máy. Viết đến đây tôi không thể không nhớ đến anh- một trí thức lãnh đạo vừa có đạo đức vừa có trình độ, như cách nói bây giờ là người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm. Dưới quyền anh, biết bao thanh niên rời quê nhà đi kháng chiến đã có nhiều tiến bộ và sau này có nhiều người trở thành lãnh đạo tốt. Riêng tôi, anh luôn luôn quan tâm đến việc rèn rũa để tôi trở thành đảng viên. Chỉ tiếc anh đã ra đi quá sớm. Anh được điều động sang giúp cách mạng Lào trong lúc bao người ở nhà in còn đang cần đến anh. Khi mắc bệnh lao, anh được trở về Việt Nam dưỡng bệnh. Vì nhớ ơn anh, học tập xong ở nước ngoài về, tôi cất công mãi mới tìm được anh trong một khu điều dưỡng ở cách thị xã Vĩnh Yên (nay là thành phố, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) mươi cây số về phía bắc, vài tháng trước khi anh mất.

Tôi phải đến Chiêm Hóa để nhận máy. Địa danh này cả tôi và anh Sơn đều xa lạ. Khi anh học Ban Tú tài thì không còn môn Địa dư (sau này đổi là Địa lý), còn tôi học ở Ban Thành chung thì chương trình lúc đó chỉ có một năm để học Địa dư trong nước mà trong nước lúc đó là cả ba nước Đông Dương. Chỉ biết rằng Chiêm Hóa ở về phía bắc của thị xã Tuyên Quang. Tôi lên đường từ hiểu biết mong manh đó. Anh Mai Sơn cử thêm Lợi, Trưởng ban chữ đi cùng vì người ở ban máy đang rất bận với các số báo và còn một lý do khác mà tôi sẽ nói sau. Lợi cũng chẳng biết gì hơn tôi về đường sá. Chúng tôi đến nhà bếp do đồng chí San làm quản lý để lĩnh gạo, cho vào ruột tượng (tức bao vải may dài) và mấy miếng thịt ướp muối để sáng sau lên đường ngay.

Thị xã Tuyên Quang không lạ đối với tôi. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi công tác ở Tổng đoàn Thanh niên do anh Đào Duy Kỳ phụ trách. Tuyên Quang cứ chiều chiều là tấp nập và tôi cũng ở đấy cho tới khi “Thủ đô kháng chiến” ấy rút lên châu Sơn Dương, khi đó thực sự còn là một vùng rừng rậm của Tuyên Quang.

Hôm sau, chúng tôi rời thị xã Tuyên Quang từ rất sớm vì từ đây đi tiếp, các nẻo đường hoàn toàn xa lạ với tôi. Đường vắng suốt một chặng dài. Lợi hỏi tôi:

- Có đi nhầm đường không?

Tôi cũng không biết trả lời sao, thầm nghĩ: Giả định lúc đó cả nước theo con số được phổ biến là 25 triệu người dân, chia cho hai miền, mỗi miền là 12,5 triệu người. Điều này giải thích tại sao chúng tôi đi gần như nửa ngày mà chỉ gặp một, hai toán người dân tộc thiểu số. Gần trưa nhìn thấy một vài ngôi nhà sàn ở phía bìa rừng, tôi bảo Lợi vào nấu cơm. Cơm xong, không dám nghỉ lại, chúng tôi lại lên đường ngay. Đi mãi, đi mãi đến gần chiều, chúng tôi mới gặp một nhóm người đi ngược chiều. Hỏi thăm đường đi Chiêm Hóa, một bà cụ lắc đầu: “Xa lắm, xa lắm!!!”.

Rừng chiều mang bóng tối lại rất nhanh. Chợt trước mắt chúng tôi, trên con đường lổn nhổn đất đá, xuất hiện một con hươu. Nó dừng lại dường như ngạc nhiên về con đường mà nó bỗng đặt chân tới. Nó nhìn chúng tôi, lúc này cũng ngạc nhiên nhìn nó. Tiếp theo, một chú hươu con nữa chạy ào tới cạnh mẹ, cũng đứng sững lại. Trong chớp mắt, cả hai mẹ con nhảy vọt vào rừng. Trong đầu tôi cũng chợt nảy ra một ý nghĩ làm tôi thấy sợ. Tôi giục Lợi đi nhanh. Tôi biết mặt tôi đang tái xanh nhờ vào ánh mắt của Lợi nhìn tôi. Trời thu không nóng mà tôi toát mồ hôi. Lợi hỏi tôi tại sao? Tôi không biết Lợi hỏi tôi tại sao giục đi nhanh hay tại sao tôi toát mồ hôi. Tôi đánh trống lảng vì không muốn làm lây sang Lợi nỗi sợ của tôi:

- Trời tối nhanh quá, không gặp bản thì ngủ rừng mất!

Hai chúng tôi cùng rảo bước đến khi nhìn thấy vài căn nhà sàn ở bìa rừng thì rẽ vào xin ngủ nhờ.

Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ thấy đôi vợ chồng và cô con gái đang chuẩn bị bữa chiều. Chúng tôi cũng đổ gạo ra, mượn nồi nấu cơm và nghe tiếng vịt quang quác dưới sân, tôi hỏi mua hai quả trứng vịt, nhưng ông chủ nhất định không chịu lấy tiền. Bữa cơm chiều đó là bữa cơm thịnh soạn nhất của chúng tôi kể từ ngày lên đường. Nỗi lo của tôi đã vơi thì bỗng nhiên từ xa vẳng lại đủ các loại tiếng gõ của gỗ, của chiêng, xen trong tiếng tù và rống lên inh ỏi. Chủ nhà bật dậy, cầm con dao đi rừng nhảy bổ ra cầu thang. Tôi hỏi cô gái có chuyện gì vậy? Một vài tiếng lõm bõm tôi nghe chưa rõ thì cô cũng cầm một con dao chạy đi. Thấy vậy, tôi và Lợi cũng chạy theo. Đến đầu cầu thang, tôi chợt nhớ nên quay lại bảo Lợi:

- Ở lại giữ lấy giấy tờ!

Tôi chạy đuổi theo cô gái đến rìa núi thì cả hai chúng tôi đều dừng lại. Nhìn xuống bãi đất trống dưới chân núi, một đàn trâu chừng ba chục con đang quây lại thành hình vòng tròn, các con đực ở vòng ngoài, mắt đỏ ngầu, cặp sừng lắc qua bên này lại lắc qua bên kia cứ như võ sĩ đang chờ đối phương ra đòn. Các con nghé thì tập trung ở giữa đứng im, rõ vẻ sợ sệt điều gì. Nỗi lo sợ đến toát mồ hôi của tôi lúc ban chiều là có cơ sở. Hai mẹ con con hươu không bỗng nhiên mà chạy bổ ra đường cái, đúng là nó đang chạy trốn. Vừa lúc tôi đang suy nghĩ thì cô gái con chủ nhà, thở dốc và nói trong run rẩy:

- Cọp bắt trâu !

Tiếng tù và, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng gõ lại vang lên. Nam giới của bản làng hầu như đã chạy đến đây đông đủ. Họ quây lại thành một vòng tròn phía ngoài đám trâu đực, hai tay nắm chặt cán dao như chờ đợi để vào trận chiến và những người cầm chiêng, trống, đồ gõ cũng tới đứng tiếp tục khuấy động.

Lát sau, tiếng chiêng, tiếng trống đã không còn thôi thúc, thì lúc này, nam giới mới lần lượt tìm trâu và nghé nhà dắt về. Trở về nhà sàn, Lợi đã nấu xong cơm. Ăn xong, tôi đang tìm chỗ mắc màn thì chủ nhà gọi:

- Chú bộ đội ơi, lại ăn miếng sắn lùi.

Củ sắn lùi lấy từ bếp ra tỏa mùi thơm, vỏ ngoài giòn như bánh mì nên bộ đội thường coi như bánh mì.

Tôi muốn đi nằm, nhưng nể lời chủ nhà đành phải đến bên bếp lửa, cũng hỏi thăm ông về mùa màng, thu nhập của bà con rồi tôi trở về màn.

Nằm mãi, tưởng cơn mệt sẽ làm tôi đi vào giấc ngủ dễ dàng. Nhưng không. Câu chuyện của chủ nhà khiến tôi trằn trọc, hết nghiêng sang bên trái lại nghiêng sang bên phải, hết vắt tay lên trán lại chắp hai tay đặt sau gáy mà không sao ngủ được.

Khoảng gần sáng, vừa thiếp đi được thì Lợi đã đánh thức tôi. Từ giã ông chủ nhà tốt bụng, tôi đưa biếu ông hai viên đá lửa, thứ của quý hiếm trong cuộc kháng chiến rất khó để mua được.

(còn nữa)

VŨ HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-1-xuat-ban-tu-chien-khu-640453