Kỳ 1 - Vĩnh Phúc: Đốn rừng thông trồng su su, một vụ phá rừng 'khôn khéo'?

Chỉ trong một thời gian ngắn gần 8ha rừng phòng hộ thuộc dự án 327 tại thị trấn Tam Đảo bỗng chốc biến thành những vườn su su xanh mướt. Vì sao?

Một vụ phá rừng khôn khéo?

Vì sao, gần 8ha rừng thuộc dự án rừng phòng hộ 327 (huyện Tam Đảo) biến mất một cách lạ thường và trở thành những vườn su su xanh mướt. Những cây thông được trồng cách đây hơn 10 năm đã biến mất đi đâu.

Hỏi ra mới biết, những vườn su su mà các hộ dân thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đang trồng nằm trên phần đất thuộc dự án rừng 327 nhưng bị đốn hạ và chết từ từ hơn 10 năm nay.

Người dân phản ánh về việc rừng 327 bị chặt phá (Clip: Đào Tấn)

Tòa soạn Pháp Luật Plus, nhận được đơn thư phản ánh của người dân thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) về việc: “Rừng dự án 327 bị một số hộ dân là người nhà cán bộ thị trấn Tam Đảo chặt phá, lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí họ còn làm nhà”.

Gần 8ha rừng 327 đã bị chặt phá để trồng su su (Ảnh: Đào Tấn)

Theo đó, năm 1996, vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo vườn quốc gia Tam Đảo và các huyện thị, thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327.

Năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo nhận với lâm trường Tam Đảo khảo sát và trồng 8ha rừng thông trong dự án 327. Sau đó, UBND thị trấn giao cho ông Trần Quang Thà - cán bộ khuyến nông lúc bấy giờ (nay là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo) đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường và chỉ đạo một số hộ dân thực hiện.

Các hộ dân tự ý chặt phá rừng, trong đó có người nhà cán bộ thị trấn Tam Đảo (Ảnh: Đào Tấn)

Người dân địa phương cho biết, sau khi đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường Tam Đảo, ông Thà chia thành bảy lô với tổng diện tích là 8ha cho 7 hộ dân là người nhà cán bộ, lãnh đạo thị trấn Tam Đảo.

Cụ thể như sau: bà Đinh Thị Lan, bà Đinh Thị Hoa, bà Đinh Thị Nhung và ông Đinh Văn Hợp là người nhà của ông Đinh Tuấn Khanh - hiện đang là xã đội trưởng (trước đây là cán bộ địa chính); ông Nguyễn Xuân Ngọc và ông Nguyễn Xuân Hướng là em của ông Nguyễn Quang Hải - nguyên Bí thư thị trấn Tam Đảo, nay là Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tam Đảo; ông Nguyễn Văn Hùng là em của bà Nguyễn Thị Thanh Hải – Chủ tịch Mặt trận thị trấn”, người dân nơi đây thông tin với PV.

Thế nhưng, việc giao và giữ rừng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, việc chặt hạ và phá rừng thong để trồng su su lien tiếp diễn ra những năm sau đó.

Cây chết từ từ...

Theo người dân phản ánh, từ năm 2004 – 2005, rừng dự án 327 bị các hộ nói trên chặt phá và lấn chiếm làm vườn trồng su su, thậm chí còn lấy đất bán cho người khác làm nhà ở. Trước cảnh tượng đó, người dân nơi đây xót xa cho sự mất mát tài nguyên rừng, dự án 327 bị "chảy máu" khi Nhà nước phải bỏ hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng ra để gây dựng những cánh rừng xanh bạt ngàn.

Cây thông bị đẽo vỏ dưới gốc và chết từ từ (clip: Đào Tấn)

Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, người dân đã nhiều lần đề nghị UBND, HĐND thị trấn điều tra làm rõ và có biện pháp ngăn chặn. Nhưng điều lạ thay, những lời đề nghị của người dân thì UBND thị trấn càng trả lời quanh co, thậm chí là "thoái thác trách nhiệm".

Chỉ tay vào những cây thông còn sót lại nằm lạc lõng giữa vườn su su của các hộ dân, ông Thành (người dân địa phương) cho biết: “Những vườn su su này trước đây đều là rừng 327, nhưng đã bị các hộ dân và người nhà cán bộ chặt hạ lấn chiếm để trồng su su. Có 2 hình thức để chặt cây, một là họ đốn hạ thông luôn đổ ập xuống đất, hai lạ họ đẽo hết vỏ gốc cây, thong mất vỏ bị chảy hết nhựa và chết từ từ. Khi cây đã chết thì họ chặt bỏ đi và trồng luôn su su lên đó”.

Trách nhiệm thuộc về ai? (Ảnh: Đào Tấn)

Qua những hình ảnh người dân cung cấp, PV nhận thấy việc phá rừng thông trong dự án 327 được tiến hành một cách khá tinh vi và khôn khéo. Theo người dân nơi đây, họ đã bóc bỏ thông và sau đó bôi vôi để khiến cây thông chết dần, chết mòn. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc.

Liên quan đến nội dung phản ánh của người dân, một lãnh đạo thị trấn Tam Đảo xác nhận: Việc người dân phản ánh tình trạng phá rừng thuộc dự án 327 là có, và đã báo cáo UBND huyện Tam Đảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về vụ việc.

Vì sao vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng không xử lý? Rừng 327 bị đốn hạ vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thong tin về vụ việc.

Đào Tấn - Vũ Quang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/vinh-phuc-don-rung-thong-trong-su-su-mot-vu-pha-rung-khon-kheo-d56389.html