Kỳ 1: Vi phạm tràn lan

Gọn nhẹ, tiện lợi, tốc độ không thua kém xe máy, dễ dàng di chuyển trong nội đô lại không cần bằng lái… khiến xe đạp điện đang trở thành phương tiện ưa thích của học sinh, sinh viên. Điều đáng nói, đa số học sinh, sinh viên khi sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông đều không đội mũ bảo hiểm (MBH).

Đầu trần từ nhà ra phố

Sau giờ tan trường, khu vực gần các trường THPT ở Hà Nội nhộn nhịp học sinh ra về, từng tốp xe điện luồn lách vào dòng người tan tầm trong nội đô. Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tham gia giao thông mà không đội MBH. Không chỉ vậy, các em còn đi hàng 2 hàng 3, lạng lách, đánh võng, trêu đùa nhau, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Việc học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ đã được nhà trường và lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều em vẫn cố tình vi phạm, bất chấp những hiểm nguy rình rập

Theo một em học sinh trường THPT Lê Quý Đông (Cầu Giấy, Hà Nội): “Em đi xe đạp điện hơn 2 năm rồi, lúc mới em có đội MBH theo đúng quy định. Vì thấy nhiều bạn đi xe đạp điện không đội MBH, cảnh sát giao thông cũng không phạt nên dần dần em cũng không đội MBH cho đỡ vướng víu. Đi xe đạp điện có bị ngã cũng chỉ xây xát chút ít, hơn nữa bố mẹ em cũng không bắt đội MBH.”

Học sinh đi xe điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (Ảnh: L.T)

Không chỉ riêng bạn học sinh này mà có rất nhiều học sinh khác khi được hỏi đều thừa nhận ít khi sử dụng MBH khi điều khiển xe đạp điện và xem nhẹ những khả năng gây ra tai nạn giao thông.

Tình trạng học sinh không đội MBH khi đi xe điện không chỉ phổ biến ở khu vực nội đô mà còn ở nhiều khu vực ngoại thành, kể cả trên những cung đường dễ xảy ra tai nạn...

Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trung bình một tháng có trên 200 trường hợp học sinh vi phạm không đội MBH bị phát hiện. Để hạn chế tình trạng này, đã có rất nhiều trường học tổ chức tập huấn Luật An toàn giao thông, khuyến cáo học sinh đội MBH.

Có những trường quy định bắt buộc học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ đánh vào hạnh kiểm và thậm chí gần đây Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức các đợt trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhưng dường như tình hình vẫn không mấy khả quan.

Vấn đề quan trọng nằm ở ý thức của mỗi người, nếu như chính các em và người thân không xác định được sự cần thiết và tính quan trọng của MBH để bảo vệ tính mạng cho mình, đồng thời các cơ quan, đơn vị chức năng chỉ làm mang tính hình thức thì những chiếc mũ bảo hiểm được tặng chỉ để làm vật trưng bày.

Nhiều hệ lụy

Những năm gần đây, xe điện trở thành phương tiện phổ biến. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, xe đạp điện đã trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ. Một phần là do người điều khiển xe đạp điện không cần có bằng lái, không tốn tiền mua xăng, mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy.

Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội Lưu Xuân Bình nhận định, xe đạp điện được thiết kế mẫu mã tương tự như dòng xe máy tay ga; vận tốc tối đa đạt tới 50km/giờ. Lưu thông trên đường phố nội thành, nơi có mật đô phương tiện cao, xe đạp điện không thua kém xe máy là mấy.

Chính vì vậy, bên cạnh những ưu điểm như thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi... xe đạp điện lại đang bộc lộ chế nhất định khi lưu thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Thực tế khi lưu thông trong các đô thị lớn, dễ dàng bắt gặp những trường hợp học sinh đi xe đạp điện đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, rượt đuổi nhau trên đường với tốc độ gần như tối đa trong tình trạng không đội MBH dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Hầu hết, tai nạn xảy ra do các em thiếu quan sát, thiếu kỹ năng xử lý khi gặp phải sự cố bất ngờ trên đường.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an TP Hà Nội, tỉ lệ thiệt mạng do tai nạn giao thông của học sinh cấp THPT tại Hà Nội khoảng 7,39/100.000 học sinh, con số này cao hơn gấp nhiều lần so với một số nước ở Châu Á như: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mình mà việc điều khiển xe đạp điện không đội MBH của học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người tham gia giao thông khác.

Một vụ ô tô đâm vào xe đạp điện (Ảnh: Báo Giao thông)

Việc học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông đã và đang trở thành một vấn đề gây bức xúc cho xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ xuất phát từ tâm lý chủ quan của các em mà còn chính từ sự thiếu ý thức của các bậc phụ huynh đối với sự an toàn của chính con, cháu mình.

(Còn nữa)

Lê Thắm - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-vi-pham-tran-lan-80657.html