Kỳ 1: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Vì là nơi chuyên khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân nên ngoài yếu tố chuyên môn, các trang thiết bị hiện đại thì công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở y tế luôn được ngành Y tế và lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra với các cơ sở y tế vốn là nơi có tính chất đặc thù đảm bảo an toàn PCCC trong mọi tình huống?

Tại bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh thường xảy ra tình trạng quá tải về số lượng bệnh nhân nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Hiện nay, ở các bệnh viện, bên cạnh việc trang bị hệ thống, thiết bị PCCC đồng bộ, sẵn sàng cho công tác phòng chống khi có cháy nổ xảy ra, các bệnh viện còn thường xuyên tổ chức tập huấn để thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) một cách tích cực, chủ động.

Gia tăng các vụ hỏa hoạn

Theo Thiếu tá Trương Tuấn Vinh - Đội phó Đội cảnh sát PCCC và CNCH quận Cầu Giấy cho biết: Trong năm vừa qua, trên toàn thành phố Hà Nội xảy ra 182 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó có 99 vụ nguyên nhân do chập điện; 14 vụ do sơ suất khi sử dụng lửa; 5 vụ do rò rỉ gas; 1 vụ do hàn cắt…Thiệt hại từ các vụ cháy xảy ra hàng năm là rất lớn, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và nhiều người tử vong.

Trung úy Vương Văn Khôi - Giảng viên trường Đại học PCCC hướng dẫn cách đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy.

Trung úy Vương Văn Khôi - Giảng viên trường Đại học PCCC hướng dẫn cách đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy.

Đơn cử vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã xảy ra vụ cháy tại tầng 13, Khoa Hô hấp khiến nhiều bệnh nhân hoảng loạn. Cụ thể, tối ngày 4/4, đám cháy bùng phát từ tầng 13, khu nhà 15 tầng ở Bệnh viện.Vào thời điểm trên, khi phát hiện khói và mùi khét bốc lên từ tầng 13, lực lượng bảo vệ và nhân viên tòa nhà dùng bình cứu hỏa mini kịp thời khống chế hỏa hoạn, ngăn cháy lan. Cảnh sát PCCC cùng 5 xe cứu hỏa cũng được điều tới hiện trường.Trong khoảng một giờ, đám cháy cơ bản được dập tắt bằng bình cứu hỏa mini.Các bệnh nhân cũng yên tâm trở lại các phòng bệnh. Chia sẻ với báo chí sau sự cố này, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đám cháy xảy ra ở phòng chứa đồ vải tầng 13, Khoa Hô hấp, không ai bị thương, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

Mặc dù không thiệt hại nhiều về tài sản, nhưng vụ cháy tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều cơ sở y tế và bệnh viện trên địa bản Thành phố về công tác PCCC và CNCH. Bởi vậy, để bảo vệ an toàn cho tính mạng, tài sản tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ sở y tế khám chữa bệnh có lượng bệnh nhân nội trú đông cần đặc biệt chú trọng đến công tác PCCC.

Bởi theo các chiến sỹ cảnh sát PCCC & CNCH bệnh viện cũng là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Về đặc điểm kiến trúc xây dựng, thông thường để tận dụng tối đa diện tích bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh được xây dựng thường là nhà nhiều tầng và có thể có tầng hầm, trong đó được phân thành các khu riêng biệt. Bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh càng cao thì diện tích sàn sử dụng càng lớn, dẫn tới mật độ người tập trung đông; chủng loại và khối lượng chất cháy tập trung lớn.

Các cán bộ y tế Viện huyết học và Truyền máu Trung ương thực hiện công tác tập huấn PCCC.

Lối thoát nạn chính là theo cầu thang bộ, việc di chuyển khó khăn và chậm hơn so với di chuyển theo phương ngang làm kéo dài thời gian thoát nạn ra nơi an toàn. Khi có cháy toàn bộ các tầng trên và tầng bị cháy sẽ bị đe dọa bởi khói, lửa, hơi nóng, khí độc tỏa ra từ đám cháy. Bởi vì các thành phần này luôn có xu hướng bay lên trên dọc theo chiều cao công trình gây nguy hiểm cho người và làm cản trở quá trình thoát nạn từ trên xuống dưới. Việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH gặp nhiều khó khăn đặc biệt là ở các tầng trên cao, nhất là trong điều kiện hiện nay lực lượng cảnh sát PCCC chưa được trang bị nhiều xe thang hoặc nếu có thì chiều cao hoạt động của xe thang thấp hơn độ cao của công trình.

Tại các bệnh viện, do đặc thù số lượng người bệnh tập trung đông, cộng thêm tâm lý hoảng loạn cũng góp phần làm tăng mức độ khó khăn phức tạp trong việc thoát nạn, cứu nạn từ các tầng cao xuống mặt đất.Bên cạnh đó, bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh luôn có một khối lượng lớn chất cháy như các loại phim X quang, các hóa chất nguy hiểm, bình oxi, chăn, màn, quần áo và các tư trang của bệnh nhân… khi cháy sẽ tỏa ra nhiều khói độc.

Các bệnh viện tăng cường tập huấn PCCC

Theo lực lượng cảnh sát PCCC, các vụ cháy nổ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và thường diễn biến rất nhanh. Chính vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức nên trang bị kiến thức và phương tiện - để khi có sự cố không mong muốn xảy ra - thì có thể tự cứu mình, cứu người.Đặc biệt đối với bệnh viện, trang bị kỹ năng, thiết bị PCCC là hết sức cần thiết.

Để thực hiện tốt công tác PCCC và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác này cho cán bộ nhân viên và người lao động, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã tăng cường tập huấn PCCC và CNCH. Đặc biệt là những bệnh viện tuyến Trung ương, nơi tập trung đông bệnh nhân như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Trung ương… Gần đây nhất,Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với Trường Đại học Cảnh sát PCCC và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội tổ chức Tập huấn về công tác PCCC tại đơn vị.

Được biết, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là đơn vị có nhiều trang thiết bị, nhiều labo xét nghiệm, kho chứa đồ và đặc biệt là Viện luôn có trên 1.200 bệnh nhân nằm điều trị nội trú, chính vì vậy, Ban lãnh đạo Viện luôn quan tâm đến công tác PCCC. Hiểu được tầm quan trọng của công tác PCCC, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã trang bị hệ thống thiết bị PCCC đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, sẵn sàng cho công tác phòng chống khi có cháy nổ xảy ra, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn để thực hiện công tác phòng chống cháy nổ một cách tích cực, chủ động.

Việc tổ chức Tập huấn công tác PCCC là hoạt động thường niên, định kỳ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đây là cơ hội để các cán bộ, nhân viên của Viện nâng cao hiểu biết, bổ sung kiến thức PCCC và ý thức trách nhiệm đối với hoạt động PCCC tại đơn vị, qua đó chủ động trong công tác PCCC, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy nổ xảy ra.

Như vậy, việc chú trọng công tác PCCC đã giúp cán bộ, nhân viên trong Viện huyết học và Truyền máu Trung ương nói riêng và các bệnh viện nói chung nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm và kỹ năng trong hoạt động PCCC và CNCH. Qua đó, giúp các bệnh viện chủ động trong công tác PCCC, hạn chế nguy cơ tiềm ẩn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy nổ tại bệnh viện cũng như tại gia đình mình.

Minh Khuê

Kỳ 2- Phải kiếm soát tốt nguy cơ cháy nổ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-chay-no-90104.html