Kỳ 1: Vai trò chủ đạo và động lực quan trọng của nền kinh tế

Nghị quyết Đại hội XIII vừa công bố đã xác định nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng XHCN.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa công bố đã xác định tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng XHCN trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa công bố đã xác định tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng XHCN trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết đặt ra vấn đề này là hoàn toàn xác đáng bởi mối quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng XHCN đã là nền tảng cho sự ra đời và hoạt động của nền kinh tế nhiều thành phần Việt Nam từ khi công cuộc Đổi Mới được khởi xướng cho đến nay.

Kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI), kinh tế tư bản nhà nước là một đặc sắc trong đổi mới tư duy của Việt Nam, tạo thành một cơ cấu tương tác với nhau cùng phát triển.

Trái tim của mỗi thành phần chính là hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong đó và trong toàn nền kinh tế. Tiến trình 35 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới đã có những điều chỉnh quan trọng làm cho tính đặc sắc trên đây ngày càng phù hợp hơn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Kinh tế nhiều thành phần đã tỏ rõ là lực lượng mạnh gấp nhiều lần so với lực lượng chỉ có thành phần kinh tế nhà nước và tập thể trước Đổi Mới.

Các khu đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Tùng

Nhờ đó, từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam đã đạt trình độ trung bình trong xếp hạng của thế giới. Tuy nhiên, những gì đã đạt được hoàn toàn chưa tương xứng với những đặc sắc của nền kinh tế này do xử lý chưa được đầy đủ và triệt để mối quan hệ giữa qui luật thị trường và định hướng XHCN.

Kinh tế nhà nước và vai trò chủ đạo

Kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần nhưng đã kéo dài gấp đôi ba lần hạn định về sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp xưa cũ của mình, đến nay vẫn chưa xong. Việc sắp xếp này đã được hoạch định với phương thức đa dạng để linh hoạt lựa chọn trong quá trình thực hiện như cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, cho phá sản doanh nghiệp.

Nhưng trên thực tế, việc lựa chọn hầu như chỉ tập trung vào phương thức cổ phần hóa. Sự đơn điệu này chẳng những gây tắc nghẽn tiến trình đã định, mà còn phát sinh tiêu cực trong không ít trường hợp báo chí đã phản ánh.

Do kéo dài và có nhiều sai lệch trong sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nên thành phần kinh tế nhà nước đã không làm tròn được vai trò chủ đạo đã được giao. Trong đó không thể không kể tới nhiều việc kinh tế tư nhân chưa làm hoặc không làm được, nhưng kinh tế nhà nước cũng không vào cuộc, tạo ra những khiếm khuyết trong cơ cấu phát triển cao của nền kinh tế. Rõ ràng, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới phải sớm kết thúc quá trình sắp xếp lại để thực hiện bỏ “kiểu cũ”, chuyển hẳn sang “kiểu mới” như đã làm trong thành phần kinh tế tập thể những năm qua để giảm thiểu những khiếm khuyết không đáng có trong cơ cấu của một nền kinh tế đang cần phát triển lên trình độ cao vượt bậc so với lâu nay.

Văn kiện tại Đại hội XIII khẳng định: Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Về vấn đề này, cần xử lý biện chứng mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian tới, tránh lối mòn dẫn đến ngõ cụt như đã từng diễn ra.

Có chuyên gia từng phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thì giúp GDP tăng thêm 1-2 điểm phần trăm. Nhận xét này rất đáng được quan tâm.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khu vực doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 5 năm vừa qua chưa hoàn thành mục tiêu “nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Ví dụ, hiệu suất sử dụng vốn (chỉ số quay vòng vốn) của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn từ năm 2016 đến nay thấp hơn giai đoạn 2011-2015 và cũng thấp hơn mức bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (Bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 đạt 0,7 lần trong khi doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 0,5 lần; bình quân cả nước giai đoạn từ năm 2016 đến nay đạt 0,7 lần, doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức 0,4 lần). Nói cách khác, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện và còn thấp hơn mức bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh dó, dù đầu tư nhiều, tài sản tăng, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhà nước còn thấp là yếu tố làm hiệu suất sinh lời trên tài sản của doanh nghiệp nhà nước giảm so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của doanh nghiệp nhà nước bình quân giai đoạn từ năm 2016 đến nay đạt 2,3% trong khi mức trung bình cả nước đạt 2,7%.

Trước tình hình đó, văn kiện tại Đại hội XIII khẳng định: Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước.

“Động lực quan trọng” của nền kinh tế

Kinh tế tư nhân trong nước tuy luôn giữ tỷ trọng lớn nhất trong GDP Việt Nam (giao động trong khoảng 35-39%), nhưng doanh nghiệp tư nhân lại chỉ chiếm trên 8% tổng GDP của thành phần này. Đây là một nghịch cảnh bởi trong thành phần kinh tế tư nhân chỉ có gần 2% số doanh nghiệp có qui mô lớn, trên 2% có qui mô vừa, còn lại đều là các loại hình nhỏ và phần lớn là siêu nhỏ. Điều đặc biệt là trong nhiều thập kỷ qua, các loại hình nhỏ và siêu nhỏ đều không thể phát triển lên qui mô lớn.

Hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình dù muốn được hưởng những chế độ dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng vẫn không vượt qua được cuộc bỏ phiếu của Quốc hội trong dịp sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp gần đây bởi cho rằng hộ kinh tế gia đình nếu điều chỉnh theo doanh nghiệp thì “lợi” của họ chưa biết thế nào, nhưng bị “hành” nhiều hơn sẽ là điều chắc chắn. Rõ ràng rằng kinh tế tư nhân trong nước đã nhận được sự đổi mới khá triệt để về tư duy phát triển, nhưng tư duy đó vẫn nhiều phần còn chưa có chỗ đứng trong tư duy lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Văn kiện XIII đã xác lập một vị trí tốt hơn cho khu vực kinh tế này: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ đường lối, chủ trương của Đảng để đi tới kiến tạo của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trong nước đang còn những khoảng cách, nếu không được rút ngắn lại trong thời gian tới thì động lực tạo ra cho nền kinh tế nhiều thành phần vẫn chỉ ở mức nhỏ và siêu nhỏ, đúng như trái tim của thành phần này, những đơn vị thành viên.

Văn kiện XIII đã xác lập một vị trí tốt hơn cho khu vực kinh tế này: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tháng 10/2020 cho biết, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 2,9 triệu tỷ đồng, công ty cổ phần có vốn góp nhà nước là hơn 777 nghìn tỷ đồng. Số vốn này là nhỏ hơn rất nhiều so với tổng tài sản của doanh nghiệp dân doanh khoảng 26,5 triệu tỷ đồng.

Rõ ràng, với tài sản trên khu vực doanh nghiệp dân doanh đã lớn mạnh mang tính chi phối nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, không ít doanh nghiệp tư nhân không chịu lớn và sợ lớn vì nhiều vấn đề vượt tầm quản trị, những rắc rối phát sinh trong môi trường còn nhiều rủi ro. Không ít doanh nghiệp dân doanh sau một thời gian trưởng thành, thì dần thu hẹp quy mô, bị nước ngoài thâu tóm, hoặc bị bán đi. Vì sao lại như vậy?

Bài 2: Đánh thức tiềm lực còn ngủ quên

TS Đinh Đức Sinh

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/vai-tro-chu-dao-va-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-n-474564.html