Kỳ 1: Tàu chiến Trung Quốc sẵn sàng thách đố Mỹ ở Biển Đông?

Hải quân Trung Quốc chưa thể vươn mạnh ra thế giới, nhưng đang thách thức quyền lực tối thượng của hải quân Mỹ ở Biển Đông tranh chấp và vùng biển quanh Đài Loan, theo báo New York Times ngày 29.8.

Lính PLA tuần tra trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - Ảnh: Reuters

Đó là một vùng biển lớn thuộc Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ chưa hề bị thách thức kể từ sau những trận thủy chiến hồi Thế chiến 2, và nay lại là vùng tranh chấp, với tàu chiến và máy bay Trung Quốc luôn đụng mặt tàu chiến và máy bay của Mỹ và đồng minh.

Lời hứa gió bay

Hiện Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng tàu chiến hải quân Trung Quốc (PLAN) và máy bay vẫn hoạt động mạnh ở các vùng biển gần Nhật Bản, Đài Loan, các đảo, bãi cạn và bãi san hô đã bị xây và quân sự hóa trên Biển Đông.

Hồi tháng 5, khi hai tàu chiến Mỹ (khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam) áp sát các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm, tàu chiến PLAN liền thách thức và Bắc Kinh gọi đó là “hành động khiêu khích”.

Hồi tháng 4, Trung Quốc hành xử tương tự, khi 3 tàu chiến Úc đi qua Biển Đông.

Năm 2015, khi đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhưng sau đó, các quan chức Trung Quốc xác nhận đã dàn tên lửa ở đó, với lý do “cần thiết” vì Mỹ “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc”.

Hồi tháng 6, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thăm Bắc Kinh, ông Tập thẳng thừng cảnh báo rằng “Trung Quốc sẽ không nhường một tấc đất nào của Trung Quốc”.

Trung Quốc tung “sát thủ tàu sân bay” đến Biển Đông

Theo các quan chức và các nhà phân tích soi kỹ sự phát triển quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh không cần một lực lượng có thể đánh thắng Mỹ lập tức, mà chỉ cần một lực lượng có thể chiếm hai khu vực trên.

Trong khi mỗi binh chủng Trung Quốc đều thua Mỹ về hỏa lực và kinh nghiệm, họ đã phát triển khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) gồm sử dụng radar, vệ tinh và tên lửa để hóa giải ưu thế tối thượng của lực lượng tấn công tàu sân bay Mỹ.

Bắc Kinh gọi A2/AD là “chống can thiệp”, và trung tâm chiến lược này là một kho tên lửa đạn đạo tốc độ cao nhằm tấn công tàu địch. Hai kiểu tên lửa Đông Phong (DF-21 và DF-26) được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, vì chúng có khả năng đe dọa các tàu mạnh nhất của hải quân Mỹ, ngay từ trước khi các tàu này có thể đến gần Trung Quốc.

Quả DF-26 từng được trình làng ở một cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh năm 2015, và được thử nghiệm ở biển Bột Hải hồi năm 2017. Nó được cho là có tầm bắn có thể hù dọa tàu chiến và căn cứ Mỹ ở đảo Guam, theo báo cáo mới nhất về quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc ngày 17.8.

Tên lửa đạn đạo chống hạm được phô trương - Ảnh: New York Times

Các tên lửa này hầu như không thể bị phát hiện-ngăn chặn, được chĩa vào bất kỳ mục tiêu di động nào, nhờ hệ thống vệ tinh và radar hiện đại.

Hồi tháng 4, Trung Quốc tuyên bố đã đưa DF-26 vào hoạt động. Đài truyền hình phát hình ảnh các bệ phóng mang 22 quả (dù không rõ hiện bao nhiêu quả được triển khai) và một lữ đoàn sử dụng DF-26 đóng ở tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc).

Các tên lửa này là một thách thức đặc biệt đối với các chỉ huy Mỹ, vì hóa giải chúng đòi hỏi Mỹ phải tấn công sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, điều sẽ gây căng thẳng lớn.

Các “sát thủ tàu sân bay” được bổ sung bằng việc hải quân (PLAN) dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B mới đến Biển Đông, đặt vùng biển giữa Việt Nam và Philippines này vào tầm bắn, theo Times.

Hồi tháng 5, không quân Trung Quốc (PLAAF) cũng từng cho máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể mang đầu đạn hạt nhân lần đầu tiên tập cất-hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Đó là nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Tờ Daily Beast nêu chiến đấu cơ Trung Quốc từng hạ cánh ở đây, nhưng lần này là chiếc H-6K và tờ báo Mỹ gọi là “B-52 của Trung Quốc”.

Theo Times, từ đảo Phú Lâm, máy bay H-6K có thể tấn công toàn khu vực Đông Nam Á.

Hồi tháng 3, Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM) xác nhận “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Biển Đông với tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn với Mỹ”.

Ông mô tả Trung Quốc là “một đối thủ ngang tầm” với Mỹ, khôngvề vũ khí, nhưng nhờ các khả năng như tên lửa chống hạm và chiến tranh tàu ngầm, và kết luận: “Không có gì bảo đảm Mỹ sẽ thắng Trung Quốc trong một cuộc chiến tương lai”.

Nhà phân tích Lyle Morris của tổ chức nghiên cứu quốc phòng RAND nói việc Trung Quốc dàn tên lửa ở Trường Sa và Hoàng Sa “sẽ thay đổi đáng kể hoạt động của quân sự Mỹ” trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông còn nói phản ứng tốt nhất của Mỹ, là “tìm ra các giải pháp sáng tạo mới” để triển khai tàu chiến Mỹ mà không lọt vào tầm bắn của tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Đá Chữ Thập trên Biển Đông bị Trung Quốc quân sự hóa - Ảnh: Getty Images

Từ 3 tăng lên 80 tàu ngầm

Theo Times, nguyên nhân Trung Quốc khiến chú trọng sức mạnh hải quân và chiến thuật A2/AD, dưới mắt nhiều người Trung Quốc là do sự nhục nhã hồi năm 1995-1996.

Giai đoạn đó, khi Đài Loan chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, Trung Quốc liền phóng một loạt tên lửa xuống gần đảo này, khiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton liền cử hai tàu sân bay đến sẵn sàng bảo vệ Đài Loan.

Nhà phân tích hải quân Trần Quốc Cường gần đây viết trên báo Hải quân (Trung Quốc): “Chúng ta từng tránh biển, xem nó như một cái ao, cái hào nhỏ của Trung Quốc. Thế nên chúng ta không chỉ mất hết lợi thế trên biển, mà lãnh thổ chúng ta cũng trở thành mồi của các thế lực đế quốc”.

Từ đó, khả năng của hải quân Trung Quốc tăng lên. Năm 1995, PLAN chỉ có 3 tàu ngầm, nay có gần 60 chiếc và dự tính sẽ có gần 80 chiếc, theo báo cáo tháng 8 của Văn phòng nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ.

Còn tiếp...

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/ky-1-tau-chien-trung-quoc-san-sang-thach-do-my-o-bien-dong-95843.html