Kỳ 1: Sập bẫy 'tín dụng đen'

Lợi dụng những khó khăn của công nhân về điều kiện kinh tế, các tổ chức 'tín dụng đen' đã dùng mọi cách để bủa vây công nhân. Khi công nhân sa bẫy 'tín dụng đen', phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ tăng nhanh chóng mặt, không đủ khả năng chi trả đã khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh rất đỗi khó khăn.

Từ việc dễ dàng tiếp cận “tín dụng đen”…

Tìm đến các khu nhà trọ dành cho công nhân, không khó để bắt gặp những cửa hiệu cầm đồ hay những tờ rơi quảng cáo hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, cho vay tiền thủ tục nhanh, gọn, không mất phí dịch vụ, không cần thế chấp, bảo mật thông tin… được dán nham nhở trên các bờ tường, cột điện.

“Tín dụng đen”đã len lỏi vào những xóm trọ công nhân. Ảnh minh họa

Chỉ cần công nhân liên hệ là sẽ được phục vụ đến tận chân răng. Bằng hình thức này, các tổ chức “tín dụng đen” hay những người cho vay nặng lãi sẽ dễ dàng tiếp cận những công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, từ đó biến công nhân trở thành con nợ không lối thoát với lãi suất “cắt cổ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều hiệu cầm đồ, công nhân có thể dễ dàng cầm cố điện thoại, xe máy, máy tính… với lãi suất dao động từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/ngày/triệu nhưng không được vay quá 10 triệu đồng. Với trường hợp vay không thế chấp thì lãi suất sẽ cao hơn, dao động từ 5.000 đồng - 7.000đồng/1 triệu đồng/ngày.

Vừa qua, Công an TP Hà Nội đã có Văn bản số 3200/CAHN-PV11 gửi thủ trưởng các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã, về việc chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11 ban hành năm 2016, để chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể về phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính.

Theo đó, trưởng phòng cảnh sát hình sự, trưởng công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, rà soát toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn; rà soát, thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thế chấp, cho vay tài chính...

Trưởng công an các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể tổ chức đồng loạt ra quân xóa quảng cáo rao vặt, thông báo số điện thoại cho vay tài chính. Thông tin công khai các cơ sở kinh doanh hoạt động không phép đến toàn người dân trên địa bàn để hỗ trợ giám sát, phòng ngừa, thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan công an thông qua đường dây nóng.

Khi cho vay, các chủ hiệu cầm đồ sẽ yêu cầu người vay cung cấp những thông tin cần thiết như địa chỉ quê quán, nơi làm việc…, sau đó xác minh và sẽ chủ động liên lạc lại để cho vay. Đó được coi là hình thức để những kẻ cho vay “nắm thóp” con mồi của mình.

Ngoài ra, chỉ cần cầm thẻ ATM hoặc có người quen bảo lãnh, công nhân sẽ vay được khoản tiền mình đang cần. Hiện nay, nhiều công ty trả lương cho công nhân qua thẻ ATM, nắm bắt được điều đó, các tổ chức “tín dụng đen” đề nghị công nhân cắm thẻ ATM và cung cấp mã pin để được vay tiền, đến ngày công ty chuyển lương, tiền sẽ bị rút hết để tính vào tiền gốc và tiền lãi suất theo thỏa thuận.

Có những tổ chức “tín dụng đen” còn sẵn sàng cho công nhân vay tiền mà không cần phải thế chấp gì, chỉ cần có người quen bảo lãnh thì vay bao nhiêu cũng được, đến kỳ nhận lương chỉ cần trả lãi còn tiền gốc có thể trả bất cứ lúc nào.

Bằng hình thức này, các tổ chức “tín dụng đen” sẽ dễ dàng tiếp cận được những công nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn mà không có gì để cầm cố, đặt cọc. Những tưởng, qua hình thức này, công nhân sẽ ít bị lộ thông tin cá nhân nhưng trên thực tế, bằng nhiều cách, mọi thông tin của “con mồi” đều được kẻ cho vay nắm rõ và khi “con mồi” có biểu hiện trốn nợ sẽ lập tức bị xử lý.

… đến những hệ lụy khôn lường

Thực tế cho thấy, do còn hạn chế về kiến thức pháp luật, đồng thời, do nguồn thu nhập eo hẹp, làm được đồng nào xào đồng nấy, không có khoản tiết kiệm riêng nên những lúc cần tiền để trang trải cho công việc, cuộc sống, không ít công nhân đã tìm đến các tổ chức “tín dụng đen”.

Chỉ dựa vào những lời quảng cáo và những hứa hẹn không có cơ sở mà công nhân sẵn sàng cung cấp mọi thông tin, chấp nhận mức lãi suất trên trời để vay được khoản tiền mong muốn trong chớp mắt. Để rồi, sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ tăng nhanh chóng mặt, không đủ khả năng chi trả đã khiến nhiều công nhân rơi vào hoàn cảnh “sống dở, chết dở”.

Tiếp xúc với nhiều công nhân, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện buồn của những công nhân đã sa bẫy “tín dụng đen” để rồi phải trả một cái giá quá đắt. Có những người vay “tín dụng đen” không trả được nợ bị “khủng bố” cả về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến công việc và nguồn thu nhập, khiến cho cuộc sống ngày càng bế tắc.

Tìm đến một xóm trọ công nhân gần KCN Quang Minh vào một buổi chiều u ám, chúng tôi được nghe anh Nguyễn Văn C… (quê Lào Cai) chia sẻ về câu chuyện buồn của anh khi dại dột sa bẫy “tín dụng đen”. Anh nói, những ngày đầu mới từ quê xuống Hà Nội làm công nhân tại KCN Quang Minh, do muốn mua một chiếc xe máy để đi lại cho tiện nhưng vừa chân ướt chân ráo xuống Hà Nội, đi làm chưa đầy tháng nên chưa nhận được lương.

Cùng lúc đó, anh đọc được thông tin dán trên bờ tường với nội dung cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn nên đã liên hệ theo số điện thoại ghi trên tờ rơi và quyết định vay 30 triệu với lãi suất 20%/tháng. Mặc dù, mỗi tháng đến ngày nhận lương, anh đều trả tiền lãi đều đặn nhưng chỉ hơn 1 năm, số tiền nợ gốc ban đầu đã nhân lên gần gấp đôi.

Anh C… liên tục bị “khủng bố” về mặt tinh thần khiến cho tâm lý luôn trong tình trạng bất an, sức khỏe suy sụp, năng suất lao động giảm kéo theo nguồn thu nhập từ công việc chính của anh cũng giảm đáng kể. Nhận thấy không thể tiếp tục tình trạng này, anh C… đã nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, gia đình để trả dứt điểm số nợ với mong muốn được yên thân. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, anh C… lại cảm thấy rùng mình và cũng tự trách mình vì thiếu hiểu biết về “tín dụng đen” nên đã dễ dàng sa bẫy những kẻ xấu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Đức chủ một khu trọ dành cho công nhân trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh) cho biết, từ khi cho thuê trọ đến nay, ông đã phải chứng kiến không ít lần công nhân thuê trọ vì điều kiện kinh tế khó khăn và do hoàn cảnh xô đẩy nên đã sa bẫy “tín dụng đen” và bị các đối tượng cho vay đến tận phòng trọ để “khủng bố”. Những trường hợp như thế ông đều gọi cho công an địa phương can thiệp.

Đối với những công nhân thuê trọ, ông đều coi như những người trong gia đình vì vậy ông luôn khuyên mọi người tránh xa những tệ nạn xã hội, tránh xa các tổ chức “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi… cố gắng cân đối chi tiêu để đảm bảo ổn định cuộc sống, công việc và thu nhập, tiết kiệm một khoản để phòng thân trong những trường hợp khẩn cấp.

Ông Đức cũng gửi gắm mong muốn đến các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp nơi công nhân đang trực tiếp làm việc có biện pháp tuyên truyền cho công nhân nhận thức rõ về bản chất và hệ lụy khi sa bẫy “tín dụng đen”, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tài chính cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn để họ thực sự ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-sap-bay-tin-dung-den-80281.html