Kỳ 1: Ra đời: từ Alfa đến Đội A và cuối cũng lại là Alfa

Được Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) chính thức thành lập vào cuối tháng 7/1974, đến nay đội đặc nhiệm 'Alfa' tồn tại hơn 40 năm và hiện nay nằm dưới quyền quản lý của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Đây được xem là một trong những đội đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới cả về trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, 'Alfa' luôn được bảo mật kỹ càng và ẩn mình sau tấm 'rèm che' nên chiến công, thành tích của họ bị thêu dệt và trở thành nhiều câu chuyện giống như huyền thoại. Loạt bài: Bí mật đội đặc nhiệm 'Alfa' giúp độc giả hiểu rõ hơn về lực lượng tinh nhuệ nhất nước Nga hiện nay.

Phù hiệu, logo lực lượng đặc nhiệm Alfa của Liên Xô. Ảnh: artfile.ru.

Phù hiệu, logo lực lượng đặc nhiệm Alfa của Liên Xô. Ảnh: artfile.ru.

Ngày 29/7/1974, Iuri Andropov, Giám đốc cơ quan an ninh KGB đã ký sắc lệnh thành lập đơn vị chống khủng bố đầu tiên của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, lúc đầu thành lập, đội này vẫn chưa có tên chính thức. Mãi sau khi chọn được đội trưởng thì mới được đặt tên là Đội “A”. Từ sau vụ chính biến xảy ra vào tháng 8-1991, báo chí bắt đầu biết đến Đội “A” và gọi là đội “Alfa”. Hiện nay, Đội “Alfa” đặt dưới quyền quản lý của Cục “A” Trung tâm đặc nhiệm Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB).

Phiên bản của GSG-9?

Vào những năm đầu của thập niên 70, thế kỷ XX, chủ nghĩa khủng bố bùng phát mạnh ở các nước châu Âu, Mỹ, Bắc Phi, Trung Đông... và trở thành vấn đề thời sự căng thẳng. Có người gọi nó là “Ôn dịch chính trị của thế kỷ XX” - căn bệnh trầm kha đã mở rộng mục tiêu tấn công đến cả những dân thường vô tội. Điều này đã khiến chính phủ các nước rất coi trọng nhiệm vụ chống khủng bố. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, gần như trên thế giới chưa có một quốc gia nào xây dựng được đội quân chuyên nghiệp chống khủng bố. Có chăng đó chỉ là những đội đặc nhiệm phản ứng nhanh với các tình huống an ninh, quốc phòng nhỏ lẻ xảy ra.

Trước tình hình đó, KGB đã thai nghén thành lập đội chống khủng bố. Việc này đã được Mikhail Boltunov kể lại trong cuốn “ALFA - Đội đặc nhiệm siêu mật Nga” như sau: Trong buổi gặp Trung tướng Alecxei Dmitrievich Bestrastnov, Cục trưởng Cục VII của KGB, Yuri Vladimirovich Andropov, Chủ tịch KGB thời điểm đó đã gợi ý: Một đơn vị đặc biệt. Một đội “commando” kiểu Xô Viết. Rồi Andropov chỉ đạo, tạm thời đội ấy chỉ có một nhiệm vụ: Chống khủng bố, cướp máy bay, giết con tin, tấn công cướp bóc.

Andropov phân tích, khi có vụ “nóng” xảy ra KGB thường triệu tập các chiến sĩ-cán bộ tác chiến giỏi nhất, kể cả các vận động viên và các xạ thủ. Nhưng Andropov lo lắng vì những người này không biết cách tiếp cận một chiếc máy bay và lọt vào trong để giải cứu được con tin, tiêu diệt bọn khủng bố. Liên Xô chưa có đội quân nào như vậy, ngay cả ở mức nghiệp dư, bán chuyên nghiệp.

Từ sau chính biến tháng 8-1991 xảy ra, nhà nước Liên Xô không còn nữa thì lúc bấy giờ báo chí mới gọi đội "A" là đội “Alfa”.

Tại cuộc nói chuyện này, Yuri Vladimirovich Andropov, Chủ tịch KGB thẳng thắn bộc lộ ý định rằng: “Chúng ta thì cần một đội ngũ chuyên nghiệp cao cấp. Tôi muốn nói cao cấp nhất…”. Tiếp đó, Vladimirovich Andropov đến bàn làm việc của mình và lấy, đưa cho Trung tướng Alecxei Dmitrievich Bestrastnov một cuốn tạp chí do cán bộ ở Tổng cục I chuyển tới. Trang bìa của tạp chí là tấm ảnh lớn gồm những chàng trai cao to lực lưỡng như vệ sĩ mặc quân phục ngụy trang loang lổ và ngồi trên đầu thùng một chiếc Mercedes đen, chân vắt chữ ngũ.

Vladimirovich Andropov nói rằng, đây là đơn vị tinh nhuệ GSG-9 của Tây Đức. Họ chuyên giải quyết những vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, bắt cóc con tin, ăn cướp, trấn lột. Tóm lại là một đội “commando” được huấn luyện tốt. Rồi Vladimirovich Andropov chỉ thị: Trước mắt sẽ thành lập một nhóm, phát triển các đội “commandos” của Liên Xô.

Xúc tiến thành lập Đội “A”

Những ngày sau đó, Bestrastnov bắt tay vào thực hiện mệnh lệnh của Chủ tịch KGB. Ông tìm được một ít tài liệu, đọc và tính toán. Tiếp đến, sau khi kiểm tra phát hiện việc thực thi thành lập đội “commandos” giống như GSG-9 của Tây Đức vẫn “dậm chân tại chỗ” thì Chủ tịch KGB Vladimirovich Andropov đã quyết định cử Thiếu tá Robert Petrovich Ivon tạm thời làm trưởng nhóm. Bestrastnov chọn Bubenin, một anh hùng biên phòng trên đảo Daman làm đội trưởng.

Tiếp đến, khi biên chế của đội đã được duyệt, việc tuyển chọn người cũng được bắt đầu. Bestrastnov báo cáo điều đó cho chủ tịch KGB. Andropov rất hài lòng. Ông tin tưởng đội đặc nhiệm ra đời sẽ bảo vệ nhân dân trước bệnh dịch hạch đáng sợ của thế kỷ XX là chủ nghĩa khủng bố. Ngày hôm đó, sau khi báo cáo với Andropov, chuẩn bị ra về Bestrastnov đặt vấn đề: Đặt tên gì cho đội vậy?

-Tên à?-Andropov hỏi lại-Gọi gì không quan trọng. Quan trọng ở chỗ nó sẽ hoạt động như thế nào, cái đội đặc nhiệm của chúng ta ấy. Cứ đặt tên cho nó là đội “A”. Thế là từ đây, cái tên đó đã đi vào lịch sử KGB-đội đặc nhiệm siêu mật chống khủng bố “A”. Chỉ cho đến khi vụ chính biến tháng 8-1991 xảy ra, nhà nước Liên Xô không còn nữa thì lúc bấy giờ báo chí mới gọi nó là đội “Alfa”.

Lệnh thành lập đội đặc nhiệm đã được kí duyệt, Ban chỉ huy được chỉ định. Công việc chủ yếu cần làm trước mắt là tuyển người. Đây là công việc khó khăn vì không thể áp dụng phương pháp tuyển chọn người truyền thống mà KGB vẫn làm. Đội là đơn vị đặc biệt độc nhất nên cách tuyển người cũng phải khác biệt và độc đáo. Hơn nữa, lệnh của Andropov cho phép chọn người trong biên chế của toàn bộ Ủy ban an ninh, nhưng với điều kiện bắt buộc là, chiến sĩ của đội đặc nhiệm phải có hộ khẩu Moxcva.

Bestrastnov muốn tập hợp trong đội những người giỏi nhất trong số hàng vạn nhân viên KGB thời đó. Nên các chiến sĩ gia nhập đơn vị đặc nhiệm là những vận động viên được huấn luyện thể lực tốt, có trình độ nghiệp vụ cao. Hầu hết các sĩ quan không những chỉ chiến đấu giỏi, mà còn có trình độ đại học, thông thạo một vài ngoại ngữ, đồng thời có phần nào còn là các nhà chính trị. Đa số sĩ quan, hạ sĩ quan trong đội có học vấn đại học hoặc trung cấp về chuyên môn. Ví dụ Valeri Emưsev gia nhập đơn vị sau khi đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghiệp vụ KGB và có bằng luật. Anatoli Xavelev tốt nghiệp trường Trung cấp Kỹ thuật Hàng không và Đại học Sư phạm.

KGB rất quan tâm hơn đến các bài kiểm tra thể lực của đội viên. Do vậy, thành phần đội đặc nhiệm "A” chủ yếu gồm các vận động viên cấp 1, kiện tướng thể thao, các nhà vô địch từ các Cục thuộc KGB Moxcva, thậm chí cả các nhà vô địch quốc gia. Chẳng hạn kiện tướng thể thao Gleb Tolxticov, nhân viên đội đặc nhiệm "A" từng đoạt ngôi vô địch quốc gia môn quyền Anh, thành viên đội tuyển thi đấu trong Thế Vận hội Olympic.

Lực lượng đặc nhiệm Alfa của Nga hiện nay (Ảnh artfile.ru.)

Huấn luyện đặc biệt

Ngay ở thời kỳ đầu thành lập, sau khi nghiên cứu, KGB đã tổ chức huấn luyện cho Đội “A” hết sức chu đáo và cũng rất đặc biệt. Tuy nhiên, có một thực tế hết sức nực cười là, Đội “A” không có trường bắn riêng, thường xuyên đi mượn, đi thuê của nơi khác. Đây là điều rất hiếm thấy ở các đội chống khủng bố trên thế giới.

Ngoài huấn luyện thể lực công phu, KGB huấn luyện cho các chiến sĩ các kỹ năng cần thiết. Họ biết dùng dây chão tụt từ nóc các tòa nhà, các công trình, hoặc từ máy bay xuống đất; có thể trèo người không, hoặc có mang vác, hoặc lắp và sử dụng các hệ thống cáp treo một mình đơn độc. Họ tập lái các loại xe thiết giáp, tập đổ bộ đường không, tập các chương trình huấn luyện chiến đấu của người nhái biệt kích hải quân. Họ có thể thực hiện các buổi thu phát điện báo bằng các phương tiện thông tin vô tuyến, liên lạc điện đài khi đang di chuyển trong xe, trong khi bắn, và trong khi đang chiến đấu. Các chiến sĩ Đội "A" là những chuyên gia về kĩ thuật hàng không. Họ phải biết cung cách đưa hàng lên máy bay, tổ lái thay phiên thế nào, tiếp nhiên liệu máy bay được thực hiện ra sao. Họ biết rõ các cửa có nắp đậy của máy bay nội địa hoặc máy bay nước ngoài, biết lên sơ đồ đột nhập vào khoang hành khách. Có chuyện là, một lần tại sân bay, chứng kiến đội "A" tập trên máy bay, Cục trưởng KGB khu vực Moxcva đã tranh luận và đánh cuộc với chỉ huy đội, nếu vị tướng nghe thấy hoặc qua cửa sổ máy bay nhìn thấy các chiến sĩ tiềm nhập máy bay thì đội "A" thua cuộc. Cuối cùng, khi đang ngồi trong khoang hành khách, ông ta bị Đội “A” khống chế mà không phát hiện ra họ đột nhập bằng cách nào.

Đội đặc nhiệm có trong tay mọi loại vũ khí bộ binh hiện đại. Trong các loại vũ khí này có các thiết bị gây tác động tâm lí và phương tiện ném, phóng, các kính ngắm quang học, kính ngắm ban đêm. Để mở khẩn cấp các cánh cửa, cửa nắp đậy, các ổ khóa, cắt dây thép gai, dây xích cần phải sử dụng đến những liều nổ gắn bên ngoài, các kìm cắt cộng lực không gây tiếng động. Việc kiểm soát tình hình bên trong căn phòng hay tòa nhà bị bọn tội phạm chiếm giữ được tiến hành bằng các thiết bị kĩ thuật tinh vi có độ nhạy cao. Thành viên của đội được trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân, áo giáp chống đạn được chế tạo sao cho nhẹ, an toàn nhưng vẫn giữ tiêu chuẩn bất biến là đảm bảo cho mọi người cử động vẫn dễ dàng.

Các nhân viên đội đặc nhiệm đã lên sơ đồ các tòa đại sứ quán và các cơ quan đại diện nước ngoài, nhà ở, nhà nghỉ biệt thự mà các nhà ngoại giao thuê mướn ở Moxcva, họ được cung cấp bản đồ các tòa nhà cao tầng, bản chỉ dẫn những điểm có thể thâm nhập vào tòa nhà, những nơi có thể tập kết lực lượng và thiết bị, số lượng người cư trú, hành vi quen thuộc của họ. Họ còn có cả bản đồ các khách sạn, các nhà ga đường sắt và sân bay.

Chẳng hạn, từ khoảng cách 100 mét, một tay thiện xạ của Đội “A" có thể bắn thủng đồng năm xu. Với những con dao phóng qua khung cửa sổ từ khoảng cách 30 mét, hay phát súng cực nhanh bắn bằng súng ngắn “Macarov”, "Steskin" và các loại khác ở mọi tư thế đứng, nằm, ngã, nằm sấp, nằm ngửa.

Thảo Huyền

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ky-1-ra-doi-tu-alfa-den-doi-a-va-cuoi-cung-lai-la-alfa-357766.html