Kỳ 1 - Phòng chống tội phạm ma túy trên biển: Khi ngư dân là con nghiện

Tình trạng thuyền viên sử dụng ma túy trong những chuyến đi biển dài ngày đang làm đau đầu cả chủ tàu và các cơ quan chức năng do có tính chất phức tạp, khó ngăn chặn, tiềm tàng nguy cơ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thực trạng này hiện còn đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng ngư phủ, song song với nhu cầu về lao động trên các thuyền cá.

Nguồn lao động thiếu hụt, nhiều chủ tàu buộc phải thuê lao động đại trà. (Ảnh: VOV)

Nguồn lao động thiếu hụt, nhiều chủ tàu buộc phải thuê lao động đại trà. (Ảnh: VOV)

Chủ tàu bối rối khi thuyền viên là con nghiện

Lợi dụng lãnh hải rộng lớn của Việt Nam, các nguồn lợi khai thác thủy sản, tình trạng tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, và đặc biệt là buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua vùng biển Việt Nam có xu hướng phức tạp và ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của UBND TP Vũng Tàu cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn t ỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay thành phố có khoảng hơn 1.000 tàu cá công suất dưới 20CV đang hoạt động tại các vùng biển ven bờ. Trong đó có rất nhiều tàu cá thường đánh bắt xa bờ.

Thời gian gần đây, do nguồn lao động đi biển thiếu hụt, nhiều chủ tàu buộc phải thuê lao động đại trà từ nhiều địa phương khác, bất chấp việc không nắm rõ lai lịch của họ. Điều này dẫn đến tình trạng lao động nghiện ma túy dễ dàng được thuê mướn, khiến cho tình hình an ninh trật tự tại khu vực tập trung tàu cá neo đậu rất phức tạp, hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của chủ tàu bị ảnh hưởng.

Ngư dân sử dụng ma túy trên thuyền trên biển.

Trao đổi với ông Nguyễn Phúc Gặp, chủ một tàu cá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông cho biết tình trạng thuyền viên lén lút mang ma túy lên tàu sử dụng khi đi biển không còn là hiếm. Điều này không chỉ khiến các chủ tàu lo ngại, mà ngay cả các thuyền viên cũng bất an. Cá biệt có một số trường hợp thuyền viên phê thuốc, ngáo đá, quậy phá, điều khiển tàu ra khơi rồi nhảy xuống biển đã khiến các chủ tàu như ông Gặp đây cảm thất vô cùng lo ngại.

Một số chủ phương tiện sau chuyến biển trở về cũng trình báo với đơn vị về việc thuyền viên của họ lén lút mang ma túy lên tàu. Thậm chí, có trường hợp thuyền viên lên cơn nghiện, không làm việc được, buộc chủ tàu phải khống chế, gửi tàu khác đưa vào bờ, chấp nhận mất 5-10 triệu đồng tiền công đã ứng trước. Không chỉ vậy, càng ngày thủ đoạn của các con nghiện càng trở nên tinh vi.

Gian nan giữ gìn an ninh, trật tự trên biển

Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã trực tiếp cùng ăn ở, sinh hoạt và tham gia truy quét tội phạm cùng Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cũng như thực hiện công tác tuyên truyền và tác hại của ma túy đối với ngư dân để có thể nắm rõ tính chất và sự gian nan trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn trên biển.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.

Trong năm 2019, Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy số 3 đã kết hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, cùng nhiều đơn vị trinh sát và lực lượng công an địa phương, phát hiện, xử lý rất nhiều vụ thuyền viên tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên biển vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động hơn… tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn trên biển.

Tang vật một chuyên án truy quét ma túy.

Về mặt số liệu, trong năm 2019, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã đấu tranh triệt phá 199 vụ/310 đối tượng tội phạm về ma túy (khởi tố 90 vụ/112 đối tượng); tang vật thu giữ: 310 bánh và 201,1784g heroin, 31.435 viên và 33,681kg ma túy tổng hợp, 68,19g cần sa, 04 khẩu súng, 20 viên đạn, 11 xe ô tô, 06 xe máy, 226 điện thoại di động, 632.450.000đ.

Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, nhằm hoàn thành tốt công tác phòng chống tội phạm ma túy trên biển, trong 19 năm qua, đơn vị đã tổ chức quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh về công tác sẵn sàng chiến đấu; duy trì nghiêm hệ thống trực các cấp; chủ động phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; qua đó đạt được nhiều chiến công lớn trong công cuộc trấn áp tội phạm ma túy.

Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.

“Trong năm 2020, nhằm đấu tranh phòng chống hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong lực lượng lao động nghề cá trên biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 3 sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến chủ phương tiện và thuyền viên về tác hại của ma túy; quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện neo đậu tại các cảng cá và trước khi xuất bến đi biển; triển khai trinh sát tập trung theo dõi, làm rõ đường dây cung cấp ma túy cho các thuyền viên.

Đồng thời, khuyến khích chủ tàu, thuyền trưởng khi phát hiện thuyền viên mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, phải kịp thời cung cấp thông tin để lực lượng chức năng có biện pháp xử lý các đối tượng này nhằm răn đe, phòng ngừa- Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó chia sẻ.

Trung tá Vũ Thái Anh - Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy số 3 cho biết: “Là lực lượng tiên phong trong quá trình phòng chống tội phạm ma túy, Đoàn Đặc nhiệm luôn nỗ lực nắm bắt tình hình sử dụng ma túy của các lao động trên biển, đồng thời tích cực chuẩn bị các công tác trinh sát, nắm địa bàn, triển khai các chuyên án ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng buôn bán chất ma túy trái phép cho ngư dân; trên thực tế đã đạt được nhiều thành công bước đầu.

Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy, Đoàn Đặc nhiệm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để trao đổi tình hình, cung cấp thông tin phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ như bố trí trinh sát “nằm vùng” ở những địa bàn phức tạp về ma túy để nắm tình hình; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát, sàng lọc các đối tượng nghi vấn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy”.

Nhằm tìm hiểu và hỗ trợ công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy cũng như sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy trên biển, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã cùng Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy số 3 trực tiếp tham gia một số chuyên án truy quét tội phạm.

*Còn nữa.

Trần Hùng – Trung Nghĩa

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ky-1--phong-chong-toi-pham-ma-tuy-tren-bien-khi-ngu-dan-la-con-nghien-d119726.html