Kỳ 1: Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Bến xe Miền Đông

Thanh tra TPHCM đã có kết luận thanh tra toàn diện Tổng công ty Cơ khí, Giao thông, Vận tải Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Samco). Trong đó, công ty thành viên của Samco là Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông đã mắc 'hàng loạt' sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Xe xuất bến nhưng không thu tiền dịch vụ?

Theo kết luận thanh tra, tại Công ty Bến xe Miền Đông, doanh thu hoạt động chính là doanh thu qua bến, doanh thu bốc xếp. Hai doanh thu chính này trong năm 2015 đạt hơn 112,6 tỷ đồng và năm 2016 đạt gần 120 tỷ đồng, chiếm từ 61,8% – 62,9% trên tổng doanh thu.

Công ty Bến xe Miền Đông thực hiện việc thu tiền qua bến đối với các loại xe tham gia vận chuyển hành khách theo giá của UBND TPHCM ban hành về giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô. Trong đó, Công ty Bến xe Miền Đông đã ký hợp đồng và thu tiền qua bến của Công ty TNHH Phương Trinh, đơn vị chuyên vận chuyển hành khách bằng xe buýt từ Bến xe Miền Đông đi Thủ Dầu Một (Bình Dương) khi chưa đầy đủ pháp lý thực hiện.

Cụ thể, Công ty Phương Trinh chưa có quyết định về lộ trình vận chuyển tuyến xe buýt nêu trên của Sở GTVT tỉnh Bình Dương và Sở GTVT TPHCM. Do đó, việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Công ty Bến xe Miền Đông và Công ty Phương Trinh theo số chuyến mà Công ty Phương Trinh đề xuất là chưa đầy đủ pháp lý để thực hiện.

Việc quản lý hoạt động xe ra vào bến tại Bến xe Miền Đông cũng có nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách nặng nề, bởi hàng chục ngàn lượt xe ra vào bến đã không được thu phí dịch vụ.

Thanh tra Tổng công ty Samco, phát hiện hàng loạt sai phạm tại Công ty Bến xe Miền Đông.

Thanh tra Tổng công ty Samco, phát hiện hàng loạt sai phạm tại Công ty Bến xe Miền Đông.

Cụ thể, Công ty Bến xe Miền Đông ký hợp đồng khai thác dịch vụ tại Bến xe Miền Đông với 199 đơn vị vận tải, với nhiều loại xe từ 16 – 50 chỗ ngồi. Các đơn vị vận tải đăng ký tuyến với Sở GTVT và khi ra vào bến phải nộp phí dịch vụ, mức phí dịch vụ theo quy định của UBND thành phố, tùy theo số ghế của mỗi xe và cự ly vận tải hành khách. Giá thấp nhất là 3.100 đồng/ghế, cao nhất là 8.400 đồng/ghế.

Lực lượng Thanh tra TPHCM đã chọn ngẫu nhiên 58 ngày trong các năm 2015, 2016, 2017 và nhận thấy số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ xuất bến. Chênh lệch số lượt xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến dao động từ 97 – 206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt.

Theo đơn giá thấp nhất là 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xe xuất bến là 49.600 đồng/lượt. Bình quân mỗi ngày có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ thì Bến xe Miền Đông đã để “thất thoát” hơn 8,6 triệu đồng/ngày.

Như vậy, trong 58 ngày kiểm tra ngẫu nhiên thì Bến xe Miền Đông đã để “lọt” khoảng 0,5 tỷ đồng. Nếu kiểm tra hết 1.095 ngày của 3 năm nói trên thì số tiền thất thoát có thể sẽ rất lớn.

Công ty Bến xe Miền Đông cho rằng, việc cho xe xuất bến về đơn vị nhằm đảm bảo các điều kiện xuất bến chờ chuyến kế tiếp nên công ty này không thu phí dịch vụ xe xuất bến. Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM nhận định, việc này là không có cơ sở vì thực tế công ty không chứng minh xe về đơn vị hay thực hiện chuyến đi.

Cho thuê mặt bằng trái phép

Theo kết luận thanh tra: Từ năm 2008 đến nay, Tổng công ty Samco đã ký các Biên bản thỏa thuận vay vốn, Hợp đồng vay vốn với Công ty Bến xe Miền Đông với tổng số tiền vay là 34 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn kinh doanh cho Tổng công ty. Công ty Bến xe Miền Đông cho doanh nghiệp khác vay là không đúng quy định theo thông tư của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Công ty Bến xe Miền Đông đang sử dụng diện tích đất hơn 62.000m2 làm bến xe, mặt bằng nhà đất được sử dụng làm văn phòng làm việc, quầy vé, siêu thị, quán ăn, nhà thuốc, trụ ATM…

Thế nhưng, kể từ năm 2005, khi chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, Công ty Bến xe Miền Đông cũng không thực hiện đăng ký sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường là không đúng quy định của Luật Đất đai. Doanh nghiệp này cũng không làm thủ tục để được miễn giảm tiền thuê đất là không đúng quy định.

Nhiều mặt bằng kinh doanh bên trong Bến xe Miền Đông đang được cho thuê trái phép.

Việc Công ty Bến xe Miền Đông cho các siêu thị, dịch vụ ăn uống, quầy vé thuê mặt bằng trong khu vực tòa nhà văn phòng là không đúng quy định. Thanh tra thành phố đã lập biên bản làm việc với Tổng công ty Samco và Công ty Bến xe Miền Đông.

Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hai doanh nghiệp nói trên nộp số tiền hơn 3,2 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra thành phố tại Kho bạc Nhà nước TPHCM vì cho thuê tòa nhà văn phòng không đúng quy định trong 3 năm 2015, 2016, 2017. Trong đó, Công ty Bến xe Miền Đông nộp hơn 2,4 tỷ đồng, Tổng công ty Samco nộp hơn 800 triệu đồng.

Việc định giá tài sản tại Công ty Bến xe Miền Đông do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á thực hiện cũng chưa chính xác và chưa đúng với giá trị thực tế. Cụ thể, giá trị còn lại của Phòng vé – Kế hoạch Điều độ là hơn 444 triệu đồng nhưng chỉ được Công ty Đông Á định giá là hơn 303 triệu đồng, thấp hơn 140 triệu đồng và nhiều hạng mục khác cũng được định giá thấp hơn thực tế hàng trăm triệu đồng.

Theo Thanh tra thành phố, nếu không kiểm tra thì tài sản thực tế của doanh nghiệp và tài sản thực tế của Nhà nước giảm, việc này gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.

Như vậy trách nhiệm của những người đứng đầu Tổng công ty Samco và Công ty Bến xe Miền Đông đã rõ. Hiện nay, ông Nguyễn Hồng Anh đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Samco, ông Trần Quốc Toản đang là Tổng giám đốc Samco.

Các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân vì để xảy ra hàng loạt sai phạm nêu trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung thanh tra Tổng công ty Samco./.

P.V

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/ky-1-phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-ben-xe-mien-dong-45340