Kỳ 1: Những cuộc phá rào kỳ lạ

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ (3-11) cận kề cũng là lúc người ta nhắc nhiều tới những kết quả mà Tổng thống Donald Trump để lại kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng. 4 năm dưới bàn tay 'trị quốc' của ông Donald Trump là quãng thời gian nước Mỹ trải qua những biến động chưa từng có, đặc biệt về chính sách đối ngoại.

Canh bạc “sát ván”

Trưa 20-1-2017 (theo giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử Donald Trump bước tới tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington để tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong bài phát biểu ngày hôm đó, ông Donald Trump một lần nữa dành sự nhấn mạnh đặc biệt cho chính sách “Nước Mỹ trên hết”, từng giúp ông thu phục được trái tim của các cử tri Mỹ và làm nên cuộc lội ngược dòng ngoạn mục vào giờ chót trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhưng có lẽ đến tận lúc đó, nhiều người vẫn tự hỏi: Nước Mỹ trên hết là một nước Mỹ như thế nào?

Người dân Mỹ và cả thế giới chẳng phải chờ đợi lâu. Câu trả lời bắt đầu hé lộ khi ngày 1-6-2017, ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với lý do để bảo vệ nước Mỹ, khi ông cho rằng hiệp định này không công bằng bởi nó hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ. Những cơn địa chấn về đối ngoại khởi nguồn từ Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng chưa dừng lại ở đó. Những ngày tháng kế tiếp, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ tiếp tục khiến dư luận bàng hoàng, thậm chí khó hiểu với việc rút nước này khỏi các hiệp định, thỏa thuận quan trọng khác, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Có lẽ với cá nhân Tổng thống Donald Trump, việc “quay ngoắt” lại với hàng loạt thỏa thuận, hiệp định quốc tế quan trọng là những canh bạc lớn về chính sách đối ngoại mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ của mình.

 Ông Donald Trump nói chuyện tại Phòng Bầu dục qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tháng 1-2017. Ảnh: Getty Images

Ông Donald Trump nói chuyện tại Phòng Bầu dục qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tháng 1-2017. Ảnh: Getty Images

4 năm qua, người ta cũng nhìn thấy một nước Mỹ dưới bàn tay chèo lái của cựu doanh nhân bất động sản Donald Trump sẵn sàng chơi “sát ván” dù là với đồng minh hay đối thủ. Với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là những lời chất vấn và hành động để buộc các thành viên trong liên minh quân sự này phải tăng đóng góp chứ không chỉ mãi dựa vào túi tiền của Mỹ, với Trung Quốc là cuộc chiến thương mại dai dẳng mà ông Donald Trump luôn tự cho mình đang nắm thế “cửa trên”, và với các đồng minh ở châu Âu là những màn áp thuế nhằm giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ... Cùng với đó là quyết định "động trời" khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay cuộc không kích làm tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng, khiến dư luận Trung Đông dậy sóng và có lúc đã đứng trước bờ vực chiến tranh...

Trong con mắt của một số người không ưa ông Donald Trump, tất cả những quyết định nói trên cuối cùng chỉ làm lộ ra một thực tế, rằng vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ chỉ là một nhà ngoại giao “mới vào nghề”, với những quyết sách viển vông, liều lĩnh. Họ cũng cho rằng, những quyết định ấy không chỉ đưa nước Mỹ vào thế tự cô lập, trở nên xa lạ với các đồng minh và chấp nhận một vai trò khiêm tốn hơn trong các vấn đề thế giới. Nhưng rất nhiều người khác phải thừa nhận, chính sách đối ngoại đầy xung đột mà ông Donald Trump áp dụng trong nhiệm kỳ vừa qua đã đem lại những kết quả mà các tổng thống tiền nhiệm có nằm mơ cũng không cũng không thể với tới. Đó là một nước Mỹ với vai trò trung gian giúp Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với một loạt quốc gia chỉ trong vòng vài tháng, qua đó đem lại những bước tiến đáng kể cho hòa bình ở Trung Đông; đó là một nước Mỹ đang dần rút chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh ở Afghanistan sau cuộc chiến dai dẳng hơn 18 năm, tiêu tốn tới hơn 750 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người; đó là một nước Mỹ đang khiến các đồng minh trong NATO phải nhìn nhận nghiêm túc về chuyện góp tiền, góp của-điều mà hai tổng thống trước đây là George W. Bush và Barrack Obama đều chưa thể làm được.

Có lẽ mà vì thế, đến giờ vẫn còn những nhận định trái chiều về ông Donald Trump. Nhà báo Nic Robertson của CNN từng nói rằng, các chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump còn xa mới đưa ông trở thành “bậc thầy về thương thuyết” như ông đã tuyên bố. Trong khi đó, Ansgar Grow, một ký giả khác, lại cho rằng bằng thái độ quyết liệt và quyết đoán, ông Donald Trump chính là người “đưa mọi thứ vào chuyển động”, giúp nước Mỹ đạt được những thành công nghiêm túc về mặt đối ngoại.

Có một nước Mỹ được điều hành qua Twitter

Không quá khi nói rằng, trong lịch sử hình thành và phát triển của mạng xã hội Twitter, chưa từng có chính trị gia nào sử dụng mạng xã hội này lại gây được ảnh hưởng lớn như Tổng thống Donald Trump.

4 năm qua, Tổng thống Donald Trump thu hút sự chú ý không chỉ bởi phong thái lãnh đạo và những quyết định khác người, mà còn bởi cái cách ông đưa những quyết định ấy đến với người dân Mỹ cũng như thế giới. Không giống như những vị tổng thống Mỹ trước đây, vốn chỉ dùng mạng xã hội một cách thận trọng để thông báo, tạo niềm tin hay tìm kiếm sự ủng hộ cho các chính sách, quyết định cụ thể của mình, ông Donald Trump sử dụng Twitter để nói về mọi vấn đề, ở mọi nơi, mọi lúc. Khi thì ông đăng đàn để đưa ra những thông điệp đao to búa lớn, khi thì lại xuất hiện trên mạng xã hội này chỉ để chỉ trích một diễn viên, một cựu hoa hậu hay đăng những lời chúc mừng vu vơ. Theo Tạp chí Hill, chỉ riêng trong năm 2018, ông Donald Trump đã viết trên Twitter... 2.860 lần. Trên Twitter, người ta cũng nhận thấy một vị tổng thống Mỹ với hai tính khí khác nhau một trời một vực: Lúc điềm tĩnh và biết cảm thông, lúc thì phát ngôn bạt mạng và đầy ngẫu hứng.

Nhưng có một điều phải thừa nhận, đôi khi những dòng tweet vô thưởng vô phạt lại khiến đương kim Tổng thống Mỹ trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Bằng chứng là mỗi dòng tweet của ông Donald Trump đều có thể khiến giới truyền thông náo động, thị trường chứng khoán thay đổi chóng mặt và người dân Mỹ bàn tán không dứt... Thế nên, ai đó từng nói vui rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump đã biến Twitter trở thành Văn phòng Tổng thống và nước Mỹ hiện nay đang được điều hành qua mạng xã hội.

Nhìn chung, 4 năm qua là quãng thời gian mà nước Mỹ trải qua những cuộc “phá rào” chưa từng có trong tiền lệ, vượt qua mọi chuẩn mực thường thấy, khiến cường quốc số 1 thế giới trở nên đặc biệt và khác lạ so với chính mình.

(còn nữa)

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ky-1-nhung-cuoc-pha-rao-ky-la-642792