Kỳ 1: Những chuyện chưa từng kể về Ao thu - Ngõ trúc - Vườn Bùi

LTS: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nam Cao, Nguyễn Bính – bốn văn nhân nổi tiếng không chỉ của hai tỉnh Hà Nam – Nam Định, mà còn là niềm tự hào của những người yêu văn chương cả nước.

Con lạch trước “ao thu” được gọi là bút lông cạnh nghiên mực.

Bao thế hệ người Việt đã thấm sâu những dòng thơ Thu trác tuyệt của Nguyễn Khuyến. Nhưng từ trang sách ra đời thực thế nào? Ao thu, ngõ trúc, vườn Bùi còn không?

Đón thầy đồ, được văn nhân

Người thôn Vị Hạ, xã Trung Lương (Bình Lục, Hà Nam) rất đỗi tự hào vì có Nguyễn Khuyến. Ngoài đường Quốc lộ 21A đã có biển chỉ dẫn, nhưng tôi cứ hỏi thăm vào trong từ đường. Đứa bé tầm 7 tuổi tình nguyện dẫn lối, và em coi đó là việc thường ngày, vì ngày nào chẳng có người hỏi thăm đến “ao cụ Khuyến”.

Người làng Vị Hạ nói rằng, tổ tiên của nhà thơ Nguyễn Khuyến vốn là người gốc Hà Tĩnh. Cụ Nguyễn Liễn, thân sinh nhà thơ là thầy đồ ra đây dạy học. Năm 1843, lần đầu tiên dân làng Vị Hạ làm nhà đón cụ Liễn về dạy cho con em quê hương.

Học trò và dân làng cùng nhau bỏ tiền ra mua đất rồi góp công sức đổ nền, mua sắm gỗ - gạch - ngói dựng lên một ngôi nhà để cụ Liễn ngồi dậy học và cũng là nơi ở cho gia đình cụ. Sau một thời gian dài, gia đình cụ Liễn quay về quê ở Hà Tĩnh. Nhưng cuối cùng lại trở về sống hẳn ở Vị Hạ.

Qua con đường làng nhỏ lát gạch, nơi ngày xưa là “ngõ trúc quanh co”, chúng tôi dừng trước cổng gạch thấp nhỏ cổ kính, phía trên có ba chữ nho “Môn Tử Môn” (cửa ra vào của học trò). Qua cổng, bên trong khu từ đường chính là khung cảnh thơ mộng với ao thu, ngõ trúc, vườn Bùi.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến cho biết, đây là khu nhà tế đường theo kiểu chữ nhị. Đằng trước là nhà Đại lễ với bảy gian, đằng sau ba gian, cách nhau bằng một sân nhỏ.

Chính tại đây, nhà thơ đã sống 20 năm cuối đời và trút hơi thở cuối cùng.

Ngôi từ đường có kiến trúc và điêu khắc mang đậm phong cách cổ truyền của dân tộc. Gian giữa đặt bàn thờ “Tam nguyên Yên Đổ”. Bên cạnh lưu giữ một số kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ: 2 hòm sách, 2 ống quyển, 2 biển “Ân tứ vinh qui” vua ban cho quan nghè Nguyễn Khuyến, tấm ảnh chụp lúc sinh thời, câu đối của Tổng đốc Thái Bùi Ước mừng vào mùa thu 1872, bài thơ của Tiến sĩ Dương Khuê tặng năm 1871…

 Bụi trúc còn lại của “ngõ trúc quanh co”.

Bụi trúc còn lại của “ngõ trúc quanh co”.

Những chuyện lạ kỳ

Hiện nay, trong hậu cung vẫn còn lưu bộ triều phục của quan ngự sử Nguyễn Khuyến. Có bức tượng tạc hình Tam Nguyên Yên Đổ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh. Cây gậy ấy là quà tặng của con trai Nguyễn Khuyến là Nguyễn Hoan sau một lần trẩy kinh ứng thí.

Chuyện rằng, trên đường về qua mạn Thanh Hóa, Nguyễn Hoan đang ruổi bước về quê sau cả tháng trời lều chõng, ngang đường có một cụ già bước đến, bảo: “Nhìn ông, tôi biết ông có cha già. Xin tặng ông cây gậy này để dâng cha!”.

Người Vị Hạ nói rằng, ngôi từ đường còn giữ lại được như ngày nay là cả một kỳ tích. Năm 1947, cụ thân sinh của ông Tùng (tức cháu đời thứ 4 của nhà thơ Nguyễn Khuyến) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà. Giặc Pháp biết hậu duệ cụ Nguyễn tham gia cách mạng, tìm cách rót bom bắn phá. May thay, tay đồn trưởng bốt Cầu Sắt đã cấm lính của mình “không sờ vào hiện vật”.

Tay đồn trưởng nguyên văn thế này: “Đây là đền thờ một vị thánh nho, một danh nhân, muốn sống không được đụng đến”. Nhờ thế, dưới nền nhà, du kích đào một cái hầm bí mật để hoạt động.

Vào những năm 1950, tao đoạn loạn lạc, kẻ trộm vào lấy trộm đôi rồng nạm ngọc trong ngôi từ đường. Trộm được vật quý nhưng chẳng bán được cho ai. Đến khi sắp chết, người này mới bảo con cháu đem kỷ vật ấy trả lại con cháu cụ Nguyễn.

Lại chuyện khác, cách đây gần 20 năm có bà cụ 90 tuổi sai con cháu cáng đến tận vườn Bùi, đòi gặp ông Tùng cho bằng được. Bà đến mang trả một mẩu gỗ, nguyên là một câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà cụ đến xin xá tội vì trót dại lấy câu đối của cụ… đóng giường cưới cho con trai, cũng bởi thời ấy gỗ lạt hiếm như gạo châu, củi quế. Ông Tùng nhận mẩu gỗ, cất giữ trong số những kỷ vật hiếm hoi còn sót lại.

Ông Tùng kể nhiều về những hiện vật đang được thờ cúng, rằng cái lư có đôi rồng cách điệu từng bị đánh cắp, bán qua nhiều chủ, sau 35 năm được người ta tìm đến trả lại một cách kỳ lạ. Rồi cái hộp đựng mũ, hộp đựng sách sơn son thếp vàng.

Riêng cái sập thờ là mới làm sau này. Sập xưa cũng bị đánh cắp trong thời khó, sau mấy mươi năm lưu lạc, có người ngỏ ý trả lại nhưng gia đình không đồng ý nhận, bởi không thể đem thờ vật đã bị trộm cắp và ăn nằm trên đó.

Nhà Đại lễ hiện nay được xây dựng lại cách đây hơn chục năm, bề thế và rất đẹp bằng vốn của “Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa”. Chỉ tiếc rằng, bên trong hầu như trống trơn, không có hiện vật gì. Ao thu cũng được tôn tạo lại và cảnh quan vườn Bùi xưa từng bước được phục hồi.

Trước và sau nhà Đại lễ có ba cây nhãn cổ. Nghe nói ba cây nhãn này được nhà thơ trồng từ ngày đỗ đạt như là một sự nhắc nhở, như là niềm tự hào kín đáo về Tam nguyên Yên Đổ, là người đã ba lần đứng đầu bảng thi. Và đó cũng là một trong những chứng tích quý còn lại của khu di tích.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến hướng dẫn khách tham quan.

Thuyết phong thủy về Ao Thu

Chúng tôi được nghe ông Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu về khu Từ đường và một số bài thơ của Nguyễn Khuyến, biết thêm được nhiều điều mới mẻ. Khi dẫn chúng tôi ra Ao Thu, ông bảo bài “Thu vịnh” không phải tả cảnh ao thu mà là bài khóc than cho đất nước.

Ông giảng bài thơ theo ý ông và cho rằng các nhà phê bình văn chương chẳng hiểu gì về cụ của ông cả. Quả thật cách giảng giải thơ theo ý ông Tùng có cái rất mới, nhưng hơi khó hiểu.

Ông lý giải, cụ tổ đưa mọi thứ trong không gian sống của mình vào văn thơ rất trung thực vì lo cảnh tam sao thất bản sau này. Nào là “Bảy gian nhà nhỏ tháng ngày ung dung/ Tây nam có lạch nước trong” (Ngày hè ngẫu thành), “Trước cửa chừng hơn một mẫu ao” (Mua cá) cho đến “Chín sào tư thổ là nơi ở” (Xuân nhật nhị chư nhi)...

Nhưng tôi vẫn thấy có sự khiên cưỡng nào đấy. Ao trước đây rộng chín sào tư, nay chỉ còn lại sáu sào,ao thu từ một mẫu ba còn 6 sào thả sen bên trong nhưng trông vẫn đủ rộng để có thể nghĩ đó là hồ. Sang đông, sen tàn, trông thật buồn bã. Giá như đừng thả sen, khách có thể ngắm một mặt ao thoáng đãng và yên tĩnh.

Bên cạnh ao là một lạch nước nằm ngang trước sân như một đoạn sông nhỏ, ngăn lại hai đầu. Ông Tùng bảo đấy là ngọn bút, còn ao là nghiên mực. Từ ngôi nhà, khu vườn, bờ cây, ao thu... được Nguyễn Khuyến đưa vào thơ rất đỗi bình dị, tinh tế và sinh động.

Cái ao nằm trong tính toán phong thủy của Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến mệnh Hỏa nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà Nho. Ông Tùng cho biết, nhiều chuyên gia phong thủy phải lắc đầu thán phục tài phong thủy của thi hào Nguyễn Khuyến.

Ngõ trúc vào nhà Nguyễn Khuyến hầu như không còn nữa. Tôi loay hoay mãi mới tìm được một vài bụi trúc bên bờ ao để ghi lại tấm hình.

Ở một góc ao nhìn ra cổng, một tấm bia đá của “Quỹ văn hóa hữu nghị Thụy Điển – Việt Nam” được dựng lên khắc hai mặt bằng tiếng Việt, tiếng Anh và chữ Nôm bài “Thu điếu”, bia đặt trên một bệ bát giác giật tam cấp lát bằng gạch men màu mận chín.

Ghi nhận sự ngưỡng mộ của những người bạn ở tận trời Tây đối với nhà thơ dân tộc Việt Nam. Ghi nhận cách hành xử rất văn hóa của những người bạn phương xa đó. Nhưng giá như, cái bệ đừng lát gạch men màu mè mà xây bằng đá khối cùng màu bia thì có lẽ sẽ đẹp hơn.

Bên bờ ao thu giữa khu vườn xanh ngát, ngẫm ngợi bài thơ “Thu điếu” mà cứ thấy lảng vảng nỗi buồn. “Ôm cần” mà thế giới suy tư rất khác, khác hẳn với bức tranh mùa thu trác tuyệt vây quanh thi nhân. Ông Tùng bảo nhiều người hiểu nhầm về thơ cụ tổ. Ông cho rằng cái câu “cá đâu đớp động dưới chân bèo” không phải là cá ăn. “Thu điếu” không chỉ là câu cá mùa thu, mà là lời điếu văn của cụ khóc cho chính cụ, khóc cho dòng tộc, khóc quê hương, khóc đất nước bị giặc tàn phá.

“Khi Nguyễn Khuyến cáo quan về quê năm 1884, thủ lĩnh khởi nghĩa Hương Khê Phan Đình Phùng từng đến mời cụ tham gia nghĩa quân. Cụ trả lời “ông có cách của ông, tôi có cách của tôi”. Kể từ đó, giữa khu vườn bên trong cổng “Môn tử Môn”, cụ đã dạy chữ cho biết bao môn sinh về tình yêu thiên nhiên mà cũng chính là hun đúc tình yêu dân tộc”, ông Tùng giảng giải.

“Nhà cụ Nguyễn Khuyến có lưỡng long chầu nguyệt, có 9 bậc. Thường thì người ta để hình lưỡng long chầu nguyệt trên nóc nhà nhưng riêng cụ lại để dưới đất. Cụ giải thích với giới chức sắc là làm như vậy để tránh nắng hướng Đông và hướng Tây nhưng thực ra là “thâm ý” của cụ đối với triều đình nhà Nguyễn khi để mất nước”, ông Tùng cho hay.

Vườn Bùi là gì?

“Vườn Bùi chốn cũ/Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”, Nguyễn Khuyến đã viết như vậy vào năm 1884 khi sắp bước sang tuổi “tri thiên mệnh”. Cụ cáo bệnh, không nhận chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên.

Nhiều người thắc mắc vì sao lại gọi là vườn Bùi? Mấy ai để ý giữa những cây lưu niên như nhãn, na, vú sữa, ngâu, bưởi cùng cúc, đào, hồng, lan… có một cây vối già khẳng khiu nép ở góc vườn. Bậc túc nho Nguyễn Khuyễn vẫn thường uống thứ nước dân dã này. Nhưng còn một lý do sâu xa hơn thế. Quê gốc ở Treo Vọt (Can Lộc - Hà Tĩnh) di cư ra Yên Đổ. Người xứ Nghệ gọi cây vối là cây Bùi. Danh xưng vườn Bùi để con cháu không quên quê cũ.

Buổi trưa ở khu di tích, có một nhóm thầy cô giáo dưới Nam Định lên tham quan ao thu – ngõ trúc – vườn Bùi. Một thầy giáo dạy Văn thốt rằng: “Bao năm đọc thơ cũng không bằng một lần ngắm cảnh ngoài thơ. Quá yên tĩnh, giản dị”.

Ông Tùng đọc thơ cho nhóm thầy cô giáo nghe: “Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe/Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/Làn ao lóng lánh bóng trăng loe - cụ tôi không nói lợp cỏ. Cỏ là thảo, vua quan gọi dân là thảo dân. Cụ đang khiêm tốn ví mình về với dân và như thảo dân, chứ nhà cụ bằng gỗ lim không phải lợp cỏ. Nếu không về tìm hiểu thì bị nhầm lẫn hết”, ông Tùng nói.

Khung cảnh đơn sơ nhưng thơ mộng mang chút phong trần lẫn tiên cốt như chính con người và cuộc đời nhà thơ. Chúng tôi thơ thẩn trong cảnh sắc đìu hiu và yên tĩnh quá sức của một buổi trưa cuối năm ở miền quê Bắc Bộ, mới thấy rằng sự vĩ đại của một vĩ nhân không ở đâu xa - ở ngay chính mảnh đất quê nhà, chính trong lối sống với hàng xóm láng giềng và họ hàng thân thuộc.

Năm 1991, Di tích Từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2004, Dự án trùng tu tôn tạo lại khu từ đường đã dựng lại ba gian sau trên nền đất năm xưa với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và gia quyến đóng góp.

Việc gìn giữ khu di tích chính là bảo lưu những giá trị đậm dấu ấn của một danh nhân. Cách đây gần 20 năm, một đoàn khách nước ngoài đã giúp đỡ số tiền 3.000 USD để mua lại khu ao, vốn thuộc về di tích.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ky-1-nhung-chuyen-chua-tung-ke-ve-ao-thu-ngo-truc-vuon-bui-4058800-b.html