Kỳ 1: Nhức nhối tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều

Thời điểm này đang là những tháng cao điểm mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Hà Nội các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Hệ lụy nhãn tiền là hành lang thoát lũ, an toàn đê bị xâm phạm và ảnh hưởng. Đáng nói, Hà Nội đã ra chỉ đạo, xử lý những sai phạm trên nhưng đến nay vi phạm này vẫn tái diễn, thậm chí còn xuất hiện thêm trường hợp vi phạm mới.

Không giấy phép và chiếm dụng đất công

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng lấn chiếm hành lang đê, lòng sông, mặt đê để làm bến, bãi tập kết kết vật liệu xây dựng (VLXD) xuất hiện chủ yếu dọc các tuyến đê của sông Hồng, sông Đà. Các bãi tập kết này tập trung tại một số quận, huyện, thị xã như: Thường Tín, Sơn Tây, Bắc Từ Liêm… Đáng nói, một số chủ bãi tập kết còn tiến hành san lấp, đắp bờ, lấn chiếm lòng sông.

Bãi tập kết cát lấn chiếm lòng sông tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín (ảnh: Bảo Bình)

Điển hình như tại địa phận của huyện Thường Tín. Theo quan sát, ven tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa bàn xã Thống Nhất có 7 bãi tập kết VLXD. Tất cả các bãi tập kết VLXD này đều không được cấp phép.

Dọc theo triền đê Hữu sông Hồng, các bãi tập kết nối san sát nhau, hàng chục đống cát được tập kết cao như những quả núi. Các phương tiện như máy xúc, ôtô có trọng tải lớn… tấp nập ra vào. Tiếng động cơ máy xúc, xe tải ầm ầm cùng với đó là bụi, khói bao trùm cả khu vực khiến ai đi qua địa điểm này cũng phải lắc đầu, bịt kín để tránh cái bụi từ các xe tải di chuyển trên đường.

Bãi tập kết VLXD trái phép trên địa bàn xã Thống Nhất (ảnh: Bảo Bình)

Theo tìm hiểu, trong các bãi tập kết VLXD tại xã Thống Nhất, bãi tập kết của Công ty cổ phần thương mại sản xuất Hoàng Gia là lớn nhất, với quy mô diện tích gần 100.000m2.

Lượng cát tập kết tại đây lên tới hàng nghìn khối. Nguy hại nhất là các đoàn xe ra vào bãi tập kết này thường xuyên chở quá tải, che chắn không đúng quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của kết cấu đường trên mặt đê, cũng như gây bụi cho người dân. Dù vậy, không hiểu vì lý do gì mà đến nay, cơ sở này vẫn chưa bị di dời và trả lại hành lang an toàn cho đê.

Một bãi tập kết VLXD ngang nhiên đào bới bãi đất ven sông tại xã Thống Nhất (ảnh: Bảo Bình)

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, tình trạng vi phạm diễn ra cũng rất phức tạp và chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ghi nhận, đoạn đê Hữu sông Hồng từ K28 đến K30 thuộc địa bàn phường Phú Thịnh hiện tồn tại nhiều điểm tập kết cát, kinh doanh VLXD không phép “ung dung” hoạt động.

Được biết, tổng diện tích của các chủ cơ sở này lấn chiếm hành lang sông để làm bãi tập kết xây dựng tại đây lên tới gần 100.000m2. Trong đó, bãi tập kết của gia đình ông Nguyễn Văn Hải có diện tích lớn nhất khoảng trên 13.000m2. Tại bãi tập kết này, máy xúc, băng chuyền được trang bị đầy đủ nhằm phục vụ trung chuyển hàng nghìn m3 cát, đá, sỏi.

Trên địa bàn phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, theo quan sát, dọc đường đê Liên Mạc bắt đầu từ cầu Tân Nhuệ đến khu vực trụ sở UBND phường Liên Mạc, có tới hơn 7 đơn vị đang sử dụng bãi ven sông làm nơi tập kết và trung chuyển VLXD. Theo dọc tuyến đường đê này, có thể dễ dàng quan sát thấy những ụ cát lấp ló sau những rặng cây. Những điểm tập kết này nằm ngay sát bờ sông, cách mặt đê khoảng hơn 100m.

Tìm hiểu được biết, tại phường Liên Mạc có 2 cơ sở tập kết với quy mô lớn có đặt biển hiệu như Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp và khai thác Cảng. Ngoài ra còn có trên 5 cơ sở khác mà không thấy biển hiệu.

Còn tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, bãi tập kết vật liệu của Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Nội, do ông Trần Văn Bộ là chủ đã tồn tại hàng chục năm nay. Bãi tập kết VLXD của ông Bộ được người dân nơi đây đánh giá là quy mô lớn nhất phường, với trên dưới 5000m3 cát được tập kết ở đây.

Nhiều hệ lụy

Theo thống kê, số vụ sạt lở đê, kè ở Hà Nội tăng dần theo từng năm, cùng với đó là mức độ nghiêm trọng ngày càng đẩy mạnh hơn. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 15 vụ, năm 2016 xảy ra 47 vụ. Đặc biệt vào năm 2017, Hà Nội xảy ra sự cố đê Bùi 2 bị sạt trượt trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Sự cố trên đã khiến nhiều thôn, xã trên địa bàn bị cô lập trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 1.000 hộ dân.

Theo thông tin từ Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh 5 sự cố đê điều. Cụ thể, sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng (huyện Ba Vì); cống Cẩm Đình, mái kè Cẩm Đình, cơ kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ). Đáng chú ý, các sự cố trên khá phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Để xảy ra các sự cố sạt lở đê điều, ngoài nguyên nhân khách quan là do yêu tố thiên nhiên, còn một phần là do những nguyên nhân chủ quan. Dễ thấy nhất là tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ đất thải, phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền ở bãi sông trong hành lang thoát lũ…

Đây là những vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát lũ cho khu vực, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ, bãi sông, làm mất an toàn công trình đê điều.

Cùng với đó, tình trạng xe vượt quá giới hạn tải trọng cho phép lưu thông trên đê làm cho mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, gia tăng nguy cơ gây nên sự cố công trình đê điều, mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đê.

(còn nữa)

Bảo Bình

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nhuc-nhoi-tinh-trang-lan-chiem-hanh-lang-de-dieu-77134.html