Kỳ 1: Nhu cầu thiết thực

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (viết tắt cách mạng 4.0) bùng nổ sẽ mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam. Từ những mong muốn thiết thực của đại bộ phận người lao động, Chính phủ và các cấp Công đoàn đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp công nhân thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Một trong những thách thức của cuộc cách mạng 4.0 là xu hướng máy móc dần thay thế con người trong nhiều phần việc, đe dọa vị trí việc làm của không ít lao động giản đơn, chưa qua đào tạo bài bản. Do đó, nhiều công nhân lao động bày tỏ mong muốn được Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp hỗ trợ để nâng cao tay nghề, được đào tạo để làm chủ máy móc, khoa học kỹ thuật nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Nhiều CNLĐ mong muốn được đào tạo để làm chủ máy móc

Thực tế cho thấy, không ít công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp - chế xuất là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Khi vào làm việc tại công ty, công nhân chỉ được đào tạo nghề trong một thời gian ngắn để phụ trách một khâu trong toàn bộ dây chuyền sản xuất. Chính vì thế, khi máy móc, công nghệ thay đổi, công nhân sẽ khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu của công việc và sẽ tự đào thải chính mình.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, máy móc sẽ dần thay thế con người trong nhiều phần việc, nếu không có tay nghề, không làm chủ được máy móc, khoa học kỹ thuật thì nguy cơ bị đào thải sẽ rất cao. Do đó, trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0, nhiều công nhân bày tỏ mong muốn được Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp hỗ trợ để nâng cao tay nghề, được đào tạo để làm chủ máy móc, khoa học kỹ thuật nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Chia sẻ tại phiên đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để tận dụng được những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu lao động.

Vì hiện nay, 38% lực lượng lao động của Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển thì chỉ có một vài phần trăm. Nếu chuyển lao động sang làm dệt may thì năng suất cũng đã cao hơn làm nông nghiệp, chưa nói trong công nghiệp thì làm phần mềm cao hơn nhiều so với dệt may.

Sau đó mới tính đến là làm cùng một việc thì phải làm bằng công nghệ nào; rồi vấn đề làm cùng một việc, cùng công nghệ thì năng lực của người lao động như thế nào, trình độ ra sao và cuối cùng là công tác quản lý, quản trị…

Do đó, để chuyển dịch lao động nông nghiệp, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút thêm các nhà đầu tư, xây thêm nhiều nhà máy, mở rộng thị trường… Chúng ta chỉ làm được điều này nếu giữ được môi trường ổn định, hòa bình. Tiếp đến là đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Là một công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, Nguyễn Văn Hải (quê Nghệ An)cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi ra Hà Nội để xin làm công nhân cho một công ty tại KCN Phú Nghĩa, khi nộp hồ sơ, công ty không yêu cầu bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc. Khi vào công ty làm việc, tôi được hướng dẫn công việc cụ thể là vận chuyển hàng hóa trong kho và dán nhãn cho các sản phẩm.

Trong suốt thời gian làm việc, công việc của tôi là một kỹ năng được lặp đi lặp lại trong dây chuyền sản xuất, ngoài ra tôi không được hướng dẫn làm một công việc nào khác. Thời gian đầu làm việc tại công ty, nhận thấy công việc tương đối đơn giản mà mức lương cũng tạm ổn nên tôi xác định sẽ gắn bó với công việc này.

Nhưng qua theo dõi các phương tiện truyền thông, tôi thấy đưa tin nhiều về cuộc cách mạng 4.0, rằng máy móc sẽ dần thay thế con người trong nhiều phần việc, nhất là những phần việc như tôi đang làm tại công ty. Do đó, người lao động cần nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và để không bị đào thải.”

“Biết thế nhưng do gánh nặng của cuộc sống mưu sinh, không có nhiều thời gian và tài chính để đầu tư đi học, nâng cao tay nghề, làm chủ công nghệ nên tôi vẫn còn chần chừ. Tôi mong rằng Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ công nhân để nâng cao tay nghề, hơn nữa là được đào tạo để làm chủ máy móc, khoa học kỹ thuật. Qua đó, công nhân có thể tận dụng hết khả năng của mình để tăng năng suất lao động, đặc biệt là chủ động trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 để không bị đào thải” – anh Hải bày tỏ mong muốn.

Cùng chung hoàn cảnh và mong muốn như anh Hải, nhiều công nhân chia sẻ với chúng tôi rằng họ tin chắc chắn Chính phủ và tổ chức Công đoàn sẽ có giải pháp để giúp người lao động thích ứng được với cuộc cách mạng 4.0. Và không ít công nhân đã chủ động lựa chọn giải pháp vừa đi làm vừa tranh thủ học lấy những nghề giản đơn để có chiếc “cần câu cơm” trong khi nhờ vào sự hỗ trợ bên ngoài.

Anh Nguyễn Văn Đoan, quê Thái Bình, đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại KCN Quang Minh nói rằng: “Qua các phương tiện truyền thông tôi biết được cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ và những lao động giản đơn như tôi rất có thể sẽ bị máy móc hiện đại thay thế. Nhưng vì chưa có điều kiện để đi học nên hơn một năm nay tôi đã vừa làm vừa tranh thủ học nghề sửa chữa điện lạnh.

Sau hơn một năm học nghề, tôi cảm thấy mình đã tự tin với công việc sửa chữa điện lạnh và như vậy tôi đã có thêm một “cần câu cơm” khi cần thiết. Tuy nhiên, khi Chính phủ triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao trình độ, tôi vẫn mong muốn sẽ được đào tạo để có thể chủ động trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Nhận thức rõ những tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với lực lượng lao động giản đơn, chưa qua đào tạo bài bản, anh Nguyễn Văn Viết, công nhân đang làm việc tại KCN Sài Đồng chia sẻ, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ, do đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc thì chỉ có cách là học tập, nâng cao tay nghề nhưng điều kiện thực tế chưa cho phép công nhân có thể chủ động học tập để làm chủ khoa học kỹ thuật.

Tôi mong muốn các cấp công đoàn có chính sách thiết thực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Bản thân công nhân lao động chúng tôi trong quá trình làm việc cũng sẽ luôn ý thức và tự giác rèn luyện kỹ năng, tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc và tăng năng suất lao động.

Thực tế cho thấy, trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0, nhiều công nhân bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và làm chủ khoa học, kỹ thuật. Thiết nghĩ, trước nhu cầu thiết thực đó, Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp sẽ có nhiều giải pháp để giúp công nhân chủ động thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 và đặc biệt là tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Mai Quý (Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nhu-cau-thiet-thuc-80915.html