Kỳ 1: Nhà sáng chế nông dân

Cuối năm, khi mùa xuân đã chạm ngõ yêu thương, người người đang hân hoan với chuyện lương, thưởng và 'tính toán lại sổ đời', định không viết gì nữa nhưng lúc nghĩ về chàng trai ấy, tôi lại không nỡ. Những ước mơ, khát vọng, dự định tương lai, những trăn trở, đau đáu về thất bại để đi đến thành công của người thanh niên mang tên Nguyễn Kim Long – cha đẻ của máy phân loại nông sản tự động theo kích thước, cân nặng, màu sắc tại thôn Pró Kinh Tế, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã làm cho tôi cứ thế trượt dài theo nỗi nhớ chênh vênh…

Nhà sáng chế… chưa học hết lớp 10

Một mùa Xuân bắt đầu trở giấc. Mùa này, cảnh quan ở vùng quê Đơn Dương như “bỏ bùa yêu” du khách. Khi mặt trời vừa rót sợi nắng xuống những vựa rau màu mỡ thì cũng là lúc không khí lao động tất bật khẩn trương nơi vùng quê trù phú đã bắt đầu. Hai bên đường, dã quỳ đua nở khiến cho miền quê đẹp và thanh bình đến lạ. Vì đã thân quen từ trước nên câu chuyện giữ chúng tôi với chàng trai Nguyễn Kim Long đã bớt đi phần xã giao mà đi thẳng vào vấn đề.

Máy phân loại nông sản do anh nông dân Nguyễn Kim Long chế tạo

Máy phân loại nông sản do anh nông dân Nguyễn Kim Long chế tạo

Những câu chuyện từ năm nảo năm nao, ngày xửa, ngày xưa, thiếu đầu hụt đuôi, có lúc rời rạc có lúc liền mạch, chẳng có phần tươm tất được kết nối thành chuỗi dữ liệu để làm tiền đề cho việc chế tạo máy phân loại nông sản tự động của Long. Ngược về quá khứ, Long cho biết, ngày ấy vì ngại học, ngại con chữ nên giữa năm lớp 10 trường làng thì Long đã gác lại giấc mơ thời áo trắng. Trong những lời bộc bạch của Long, chúng tôi cảm nhận được sự tiếc nuối về sự dở dang, đứt đoạn trên con đường học vấn của mình. Như chạm được mạch cảm xúc, tôi hỏi:

“Nghỉ học sớm nhưng có lẽ em chưa bao giờ ngừng học ở trường đời?

Không học ở trường thì ở đời phải nỗ lực gấp đôi anh ạ, Long đáp.

Những công việc mà em đã làm trước đây có giúp gì cho việc chế tạo máy bây giờ?

Công việc nào cũng ý nghĩa cả, kinh nghiệm từ thực tiễn là điều giúp em rất nhiều trong việc tính toán chi tiết, kỹ lưỡng từng bộ phận của máy phân loại nông sản này”… Cứ thế câu chuyện giữa tôi và Long liền mạch cảm xúc.

Bù lại sự dở dang học vấn ấy là những chuỗi ngày lăn lộn học ở trường đời của chàng trai 30 tuổi đến từ vùng rau Đơn Dương. 10 năm kể từ khi xa mái trường làng là chừng ấy thời gian Long làm đủ nghề để kiếm sống từ thợ điện, cơ khí cho đến sửa chữa điện tử. Những va đập của cuộc sống, trải nghiệm, kinh qua những món nghề học lõm đã giúp Long có thêm kiến thức cho việc sáng chế máy sau này.

Cuộc đời có muôn ngàn ngã rẻ, tưởng rằng sau thời gian bôn ba nơi Sài thành hoa lệ, Long đã gắn đời mình nơi đất lạ, xứ người thế nhưng, quê hương Pró thêm một lần nữa khiến Long bịn rịn bước chân. Năm 2018, sau những ngày tháng rong ruổi, Nguyễn Kim Long trở về quê sinh sống với nghề làm nông. Thời gian này, Long cùng bạn bè trong thôn đi thu mua cà chua đem về nhập cho các vựa rau, củ trên địa bàn huyện Đơn Dương. Thực tế công việc của bản thân đã giúp Long nhận thấy sự hạn chế của các loại máy lựa chọn cà chua mà nhiều nông hộ đang sử dụng tại địa phương. “Cà chua sau khi lựa chọn từ những chiếc máy của bà con vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Một nửa số lượng trái đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều những trái hư hỏng và mềm. Em nghĩ, mình phải cần cải tiến, chế tạo một loại máy hiệu quả hơn để phục vụ cho mình và người dân”. Nguyễn Kim Long kể lại câu chuyện của mình bằng chất giọng đầy tự tin và một cảm xúc rất riêng. Bên cạnh đó, là một nông dân thực thụ với tuổi thơ mắc cạn trên những cánh đồng rau hoa của huyện Đơn Dương, Kim Long đã nhận thấy được sự nhọc nhằn của người nông dân quê mình đặc biệt là quá trình phân loại, chọn lựa các mặt hàng nông sản. Từ những hiện thực đó đã khiến Long biến nỗi trăn trở của mình thành giấc mơ sáng chế.

Khát vọng trổ

Làm thế nào để cải tiến, sáng chế ra một chiếc máy lựa chọn cà chua, nông sản một cách hiệu quả, giảm bớt sức lao động cho người dân đó là những trăn trở, thổn thức và cũng là giấc mơ và khát vọng cứ xoáy sâu vào giấc ngủ hằng đêm của anh nông dân trẻ Nguyễn Kim Long. Ngày đi làm nông, đêm về lại nghĩ suy, cứ thế những ý tưởng cải tiến, chế tạo máy được nảy sinh từ thực tế công việc hằng ngày. Là một người có ý chí và khát khao, nhất quyết Long không phá giá giấc mơ của đời mình. Với quan niệm: Nếu hôm nay không đổ mồ hôi, công sức thì ngày mai chỉ có thất bại mà thôi”. Chính điều này đã thôi thúc Long biến ý tưởng rời rạc thành hành động cụ thể của mình. Thực tiễn công việc, xuất phát từ nhu cầu của người dân, từ những kiến thức học được, Nguyễn Kim Long bắt đầu triển khai ý tưởng của mình bằng việc cải tiến máy lựa chọn cà chua cho gia đình người bạn và một số nông hộ tại xã Pró.

Nguyễn Minh Long thuyết trình về đề án khởi nghiệp từ chiếc máy phân loại nông sản tại cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp, sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019.

Lúc đầu, cải tiến được đến 1cái, 2 cái, sau khi thấy hiệu quả thiết thực, Long mạnh dạn cải tiến thêm cho bà con địa phương với số lượng máy lên đến 10 cái. Từ thành công ban đầu, Kim Long quyết định chế tạo ra loại máy mới với nhiệm vụ đa năng hơn, không chỉ riêng sản phẩm cà chua mà cho nhiều mặt hàng nông sản. Nguyên lý hoạt động của máy phân loại nông sản là sử dụng một phần mềm để điều khiển và lấy các dữ liệu từ camera và các cảm biến đo lường các vật thể cần nhận diện và dữ liệu được gửi đến xử lý phân tích. Sau khi có kết quả dữ liệu sẽ được gửi về một thiết bị PLC (programmable logic controller) để điều khiển các động cơ thông qua một driver power inverters. Nông sản được đưa lên băng tải đến bể nước rửa sạch, tiếp tục được cuốn lên hệ thống lau và sấy khô nước. Từ đây, nông sản được đến bàn lựa loại bỏ quả sâu thối. Tiếp đến là hệ thống tách quả theo hàng. Hệ thống tách quả đơn theo ô, tại đây sẽ được các camera nhận diện và các cảm biến đo lường tính toán để sản phẩm đi ra đúng theo yêu cầu.

Anh Hồ Ngọc Phong Hải - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng trao giải Nhất cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2020 cho thí sinh Nguyễn Kim Long

Máy phân loại nông sản tự động theo kích thước, cân nặng, màu sắc ra đời đó không chỉ là kết tủa của niềm đam mê sáng tạo mà còn giúp cho người nông dân vơi đi nỗi nhọc nhằn trong lao động sản xuất. Hơn nữa, với sáng chế máy phân loại nông sản tự động theo kích thước, cân nặng, màu sắc này, tác giả Kim Long đã chiếm trọn tình cảm của Ban Giám khảo cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019. “ Ưu điểm của đề tài này là có tính thực tiễn cao. Việc lựa chọn nông sản đang là nhu cầu cần thiết của người nông dân hiện nay, loại máy này đã góp phần vào việc lựa chọn, phân loại nông sản một cách hiệu quả”. Anh Hồ Ngọc Phong Hải – nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, nguyên thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019 nhấn mạnh.

Thế là những chiếc máy phân loại nông sản mang thương hiệu made in Kim Long đã ra đời sau bao ngày thai nghén, mong đợi. Chàng trai đến từ xã Pró với tuổi thơ méo mó và những ký ức vụn vỡ đã hoàn thiện giấc mơ của mình mà không phải ai cũng làm được. Hiện thực được ước mơ, Kim Long góp phần giúp cho người dân địa phương tiệm cận được với những lợi ích rất thiết thực từ lao động sản xuất, đồng thời qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế và từng bước làm giàu chính đáng trên quê hương mình…

(Còn nữa)

Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-1-nha-sang-che-nong-dan-n22900.html