Kỳ 1: Nguy hại khôn lường

'Shisha', 'bóng cười', 'cỏ Mỹ' và các chất gây nghiện khác đang được tuồn vào nước ta dưới nhiều hính thức khác nhau. Điểm chung, các loại trên đều là những chất gây kích thích, gây nghiện góp phần gây ra những vụ án rất đỗi thương tâm thời gian qua. Bởi vậy, bịt những con đường nhập vào nước ta các loại chất kích thích trên là nhiệm vụ không chỉ của cơ quan chuyên môn mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Một số vụ việc phức tạp xảy ra gần đây có liên quan đến sử dụng “shisha”, “bóng cười”, “tem giấy, “cỏ Mỹ”,… tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hại khôn lường của các chất gây nghiện. Tại Bệnh viện Bạch Mai, luôn có bệnh nhân bị ngộ độc ma túy đến cấp cứu, thậm chí có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã tử vong.

Nhiều bạn trẻ vẫn sử dụng bóng cười.

Nhiều bạn trẻ vẫn sử dụng bóng cười.

Đầu độc giới trẻ

Thời gian gần đây, trong giới trẻ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tình trạng hít “bóng cười” trong những “cuộc vui” vẫn đang diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát. Theo các chuyên gia, bóng cười gây nghiện và có những tác hại không thua gì ma túy, song lại được quản lý hết sức lỏng lẻo.

“Bóng cười” thực chất là những quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.

“Bóng cười” du nhập vào Việt Nam khoảng gần chục năm trở lại đây, chủ yếu theo chân người nước ngoài và một số du học sinh. Ban đầu nó chủ yếu được bán tại các quán bar dành cho người nước ngoài và cho khách “Tây” sử dụng, dần dà nó đã thâm nhập vào giới trẻ Hà Nội nhanh một cách bất ngờ.

Với nhiều dân chơi có máu mặt, mỗi buổi “offline” gặp gỡ bạn bè, hay hội nhóm, đặc biệt là các dịp sinh nhật,... đều phải có đủ “tam thức”, đó là “shisha”–“bóng cười” và ma túy. “Shisha” chỉ là món “khai vị” nhẹ nhàng, còn dùng ma túy thì hơi nặng “đô” và sợ bị “vồ”. Do vậy, “bóng cười” đã dần lên ngôi trở thành “món ăn” chính trong mỗi bữa tiệc của giới trẻ.

Những buổi tối cuối tuần, nếu có mặt tại một số cung đường thuộc khu phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, người ta có thể dễ dàng gặp những tụ điểm trực tiếp bơm “bóng cười” và bán vô tư trên hè phố. Trong các quán bar, khách “Tây”, khách ta vừa uống rượu, vừa hút bóng cười cũng rất thoải mái. Giá bán mỗi quả bóng trong quán bar khu vực trung tâm dao động từ 50 ngàn tới 200 ngàn đồng/quả.

Tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất thì “bóng cười” không phải là ma túy hay tiền chất. Thế nhưng, theo các chuyên gia, trong “bóng cười”, “cỏ Mỹ” đều có chất tác dụng mạnh trên thần kinh, tâm thần nhưng do chưa đưa vào danh mục cấm khiến một bộ phận giới trẻ vẫn ngộ nhận rằng đây không phải là ma túy nên đua nhau sử dụng và dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Nguy hại đến sức khỏe và tính mạng

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng ma túy. Đáng chú ý là việc sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O – loại khí độc gây ngạt khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu và giảm khả năng sinh sản hoặc sử dụng một lần nhưng quá nhiều dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.

“Các bệnh nhân này chủ yếu là thanh niên, sử dụng “bóng cười” trong thời gian dài, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê bì, liệt chân tay và thậm chí cơ hô hấp có biểu hiện bị ảnh hưởng. Để điều trị cho các trường hợp này, chúng tôi phải tiêm thuốc giải độc nhưng với điều kiện khi về bệnh nhân phải ngừng sử dụng, nếu tiếp tục thì không có tác dụng”, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Người sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O tạo cảm giác “phê”, thậm chí lơ mơ, sững sờ, bản chất chính là có biểu hiện ngộ độc cấp tính nhưng một lát sau lại tỉnh. Khi một người sử dụng “bóng cười” trong tình trạng như vậy rất dễ bị vướng vào các vấn đề phức tạp tiếp theo, như bị trộm cắp, nữ giới bị lạm dụng, ngã hoặc gây tai nạn nếu đang lái xe mà vừa lái xe vừa hít “bóng cười”.

Nhiều người chủ quan cho rằng sử dụng sẽ không bị “nghiện”. Tuy nhiên, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải điều trị nhiều trường hợp ngộ độc khí N2O mạn tính trên cơ thể như tổn thương dây thần kinh, tổn thương tủy sống, tổn thương não. Điển hình là bệnh nhân nam 26 tuổi ở quận Tây Hồ, Hà Nội do lạm dụng hít “bóng cười” trong thời gian dài đã bị rối loạn cảm giác và vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay, đi lại không vững.Qua khám sàng lọc và xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống.

Về cơ chế tác dụng trên cơ thể, khí N2O có chung với chất ma túy heroin về các vị trí đích tác dụng trên hệ thần kinh, tâm thần. Ở tất cả các bệnh nhân lạm dụng “bóng cười” trong quá trình sử dụng đều tăng dần liều lượng để đạt cảm giác “phê”. Ban đầu người dùng mỗi lần có thể dùng một vài quả bóng, sau tăng dần, phần lớn về sau mỗi lần sử dụng đến hết cả bình khí nén.

Các đặc điểm này thực sự nguy hiểm và giống với các loại ma túy khác. “Như chúng ta thấy, “bóng cười” đang được sử dụng tự do và rộng rãi ở nhiều thành phố. Tôi nghi ngại những người sử dụng nhiều lần “bóng cười” đã và đang bị tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là trên tủy sống và dây thần kinh, vấn đề là người sử dụng không quan tâm và chỉ tới viện khám khi bệnh đã biểu hiện ra bên ngoài, tức là muộn”, BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, bệnh nhân đến viện trong các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và lao động, thậm chí có cháu còn đang là học sinh Trung học phổ thông. Do có quá nhiều loại ma túy ở Việt Nam hiện nay nên các hậu quả cũng rất khác nhau và phức tạp. Dưới góc độ y tế, ma túy gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe. Bởi, các ma túy hiện nay nói chung đều là các chất độc cực mạnh với thần kinh, tâm thần, tim mạch và nhiều cơ quan khác nên người dùng hầu hết bị ngộ độc (khi người dùng bị “phê” thực ra là đang bị các tác dụng có hại hay nói cách khác là ngộ độc) và dễ dàng tử vong.

Nguyên nhân tử vong do ma túy là loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, co giật, hôn mê, xuất huyết não, thiếu máu não, suy hô hấp, tăng thân nhiệt và biến chứng suy đa tạng. Khi dùng nhiều lần sẽ để lại nhiều hậu quả trên thần kinh (tổn thương não, di chứng của xuất huyết não, thiếu máu não), tim mạch (suy tim, bệnh cơ tim, hẹp mạch vành nhiều vị trí), tâm thần (trầm cảm, các dạng rối loạn tâm thần),…

Như vậy, ma túy gây bệnh và tử vong ở nhiều người trẻ, đồng thời cũng biến người trẻ sử dụng ma túy trở nên “già sớm”, không khác các cụ già bị đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp hay sa sút trí tuệ.

Các chất ma túy mới quá đa dạng, nhiều chất, thay đổi liên tục nên các xét nghiệm chẩn đoán không chạy theo kịp. “Cỏ Mỹ” là tên lóng chỉ một dạng ma túy chế tạo ra ở dạng gói chứa các mảnh cành lá cây vụn hoặc sợi thái được tẩm các chất ma túy. Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng “cỏ Mỹ” vào viện trong tình trạng rất khác nhau, kích thích, vật vã, hoang tưởng, ảo giác, huyết áp tăng,...

Hiện có hàng trăm hoạt chất được tẩm vào “cỏ Mỹ” và thay đổi liên tục, mỗi chất gây nên một bệnh ngộ độc khác nhau nên người bác sỹ khi cấp cứu một bệnh nhân ngộ độc “cỏ Mỹ” nhưng thực ra lại đang đứng trước khả năng bệnh nhân mắc hàng trăm thứ bệnh khác nhau, trong khi các xét nghiệm nhanh phục vụ cấp cứu lại không thể “chạy theo” phát hiện được các chất ma túy này.

Ngoài “cỏ Mỹ”, bệnh viện còn cấp cứu cho các trường hợp ngộ độc các ma túy nhóm amphetamin (ma túy đá, thuốc lắc, ecstasy), cần sa, “ke” (ketamin), “nước biển” (GHB), nấm (có mấy loại chất gây ảo giác), ma túy tem (LSD), thậm chí các thuốc tân dược cũng đang bị lạm dụng thành ma túy và gần đây tiếp nhận 1 ca dương tính với cocain.

Cocain là chất gây nghiện mới ở Việt Nam nhưng lại phổ biến ở Nam Mỹ, Châu Mỹ, đặc biệt gây ngộ độc cấp tính đến tim mạch và dễ tử vong. Thực trạng hiện nay là rất báo động, ngày càng phức tạp nếu chúng ta không nghiêm khắc kiểm soát. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tích cực đấu tranh, chủ động phòng ngừa và phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với loại độc chất vô cùng nguy hiểm này.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nguy-hai-khon-luong-91336.html