Kỳ 1: Ngày trở lại của vị tướng đặt dấu ấn chủ quyền ở Trường SaKỳ 3: Bạn của lính đảo

2 ngày 2 đêm với những trải nghiệm trên tàu KN 290, chúng tôi, những thành viên của Đoàn công tác số 10, cuối cùng cũng đặt chân lên Len Đao - điểm đảo đầu tiên trong chuyến hải trình 10 ngày đêm thăm Trường Sa và DK1. Bất chấp vẫn còn cảm giác tròng trành, nghiêng ngả vì sóng nhồi, phút giây bước lên Len Đao khiến ai cũng trào dâng xúc động. Nó giống như cái cảm giác được về với đất mẹ sau những ngày dài giữa mênh mông biển trời.

Sau Len Đao, chúng tôi lần lượt thăm 7 đảo, điểm đảo, gồm: Sinh Tồn Đông, Núi Le B, Tiên Nữ, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Lát, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/15. Mỗi một điểm đến, đều có những câu chuyện đáng nhớ.

Bồi hồi ngày trở lại sau 31 năm đặt chân lên đảo, vị tướng hải quân xúc động khi thấy sự đổi thay tích cực ở đảo Tiên Nữ. Ảnh: MINH THANH

Bồi hồi ngày trở lại sau 31 năm đặt chân lên đảo, vị tướng hải quân xúc động khi thấy sự đổi thay tích cực ở đảo Tiên Nữ. Ảnh: MINH THANH

Kỳ 1: Ngày trở lại của vị tướng đặt dấu ấn chủ quyền ở Trường Sa

Trong chuyến hải trình, chúng tôi may mắn được đi chung với Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Thiếu tướng Lương Việt Hùng nghẹn ngào khi đến thăm đảo Tiên Nữ, Núi Le - những hòn đảo nhỏ đã gắn với thời thanh niên trai trẻ của ông. “31 năm tôi mới trở lại, cảm xúc thật khó tả”, vị tướng rưng rưng nhớ lại ký ức 3 thập kỷ trước, ngày ông cùng đồng đội tham gia nhiệm vụ cắm mốc đánh dấu chủ quyền trên đảo Tiên Nữ và Núi Le.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng bắt tay động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

8 TRANG THƯ VIẾT VỘI TRƯỚC GIỜ LÊN ĐƯỜNG

Ngày đó, Thượng úy Lương Việt Hùng mới 26 tuổi. Anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tìm kiếm bãi cạn và cắm cờ Tổ quốc, đánh dấu mốc chủ quyền trên 2 điểm đảo Tiên Nữ và Núi Le. “Đó là tháng 2-1988. Tôi được lệnh lên đường. Lúc tôi đi, vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Nhiệm vụ cấp bách và cũng không hẹn ngày trở lại. Biết nói gì với người vợ trẻ và đứa con thơ sắp chào đời. Tôi nén lòng, viết vội lá thư dài 8 trang và gửi lại cho cha (ông Lương Mẫn- PV). Trong thư, tôi đặt tên cho con mình, tính cả chuyện tương lai cho người vợ yêu dấu trong trường hợp tôi không về. Cuối thư, tôi dặn cha tôi: Nếu con không về, cha hãy coi lá thư này là di chúc của con. Nếu con trở về, thì cha hãy đưa đốt nó đi”, Thiếu tướng Lương Việt Hùng kể.

Thượng úy Lương Việt Hùng lúc đó là Thuyền phó của tàu đổ bộ 555, kiêm Đội trưởng đội chống đổ bộ, chốt giữ đảo. Ông có mặt ở Trường Sa trọn vẹn 192 ngày và trực tiếp tham gia trận hải chiến 14-3-1988. Nhưng trong ngày trở lại, ông không muốn nói quá nhiều về thời khắc sinh tử trong trận hải chiến khốc liệt. “Thời đó đất nước khó khăn, cả nước đều vất vả, thiếu thốn. Chúng tôi đã cùng nhau giữ đảo, chia nhau từng ca nước ngọt, từng thanh lương khô. Và rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống”, giọng của vị tướng chùng xuống trong xót xa và tự hào.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giao lưu văn nghệ với chiến sĩ tại đảo Tiên Nữ.

VÀ NGÀY TRỞ LẠI

May mắn đã đưa Thượng úy Lương Việt Hùng trở về sau 192 ngày ở Trường Sa, khi đó đứa con đầu đời của anh cũng tròn 4 tháng tuổi. Thấy con trai mình trở về lành lặn, ông Lương Mẫn lẳng lặng đốt bức thư mà có khi ông đã nghĩ đó là những dòng cuối cùng của đứa con thương yêu.

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân sinh năm 1962. Cha ông - Lương Mẫn sinh thời là Tư lệnh Vùng 3 hải quân. Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Hải quân; từng giữ nhiều vị trí quan trọng như: Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171; Hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật Hải quân (Cát Lái, TP.HCM); Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Trong lần trở lại Trường Sa này, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng tham quan hết đảo, ân cần hỏi thăm đời sống cán bộ, chiến sĩ và tình hình tăng gia sản xuất tại các đơn vị. Đến Tiên Nữ và Núi Le A, ông chậm rãi ngắm nhìn từng chậu rau của các chiến sĩ. “Tôi vui mừng vì ngày nay, đời sống cán bộ chiến sĩ ở các đảo, nhà giàn đã tốt đẹp hơn rất nhiều so với khi chúng tôi ở đây. Ngày nay, trên các đảo có nhà xây kiên cố, phòng tập TDTT, chiến sĩ tự tăng gia sản xuất, có rau, có gà vịt cải thiện sinh hoạt. Cảm nhận sự đổi thay tích cực ở mảnh đất 31 năm trước mình từng đặt chân đến, thật khó nói hết thành lời. Từng viên đá ở đảo đều gợi nhớ cho tôi về thời tuổi trẻ sôi nổi, yêu nước và nơi ấy, có những đồng đội của tôi vẫn còn nằm lại”, vị tướng nói, đôi mắt ông hướng ra biển đảo mênh mông.

Bài, ảnh: MINH THANH

(Còn tiếp)

-----------

Kỳ 2: Tình “đồng hương” nơi đầu sóng ngọn gió

Kỳ 3: Bạn của lính đảo

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201905/truong-sa-noi-ay-que-nha-ky-1-ngay-tro-lai-cua-vi-tuong-dat-dau-an-chu-quyen-o-truong-sa-855955/