Kỳ 1: Ngày càng nhiều các vụ bạo hành nhân viên y tế

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong một năm qua có gần 100 vụ án liên quan đến việc truy sát, hành hung các bác sỹ, cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh…

Thống kê lại những vụ hành hung bác sĩ đã xảy ra trong một năm trở lại đây ở khắp các địa phương trên cả nước, con số thật đáng khiến bất cứ ai đều phải giật mình kinh ngạc khi nó đã lên tới hàng trăm vụ. Các vụ việc này xảy ra chủ yếu ở BV tuyến tỉnh, BV tuyến Trung ương. 70% người bị hành hung là bác sĩ. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV. Đây là những sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây hoang mang rất lớn về tâm lý đối với các cán bộ y tế trong cả nước cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến công tác khám, chữa bệnh trong các BV - nơi có nạn bạo hành nhân viên y tế xảy ra.

Hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, cho thấy mức độ đáng báo động của nạn bạo hành trong BV. Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi sang Bộ Công an đề nghị hỗ trợ an ninh BV và yêu cầu các BV thắt chặt an ninh nhưng các sự vụ này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn có xu hướng ngày một nhiều lên.

Hình ảnh hành hung bác sĩ tại BV Xanh-Pon ngày 13-4. ẢNH:T.L

Điển hình như sự việc bác sĩ Phạm Đình Vinh bị hành hung và bắt quỳ xin lỗi tại BV Y học thể thao vào ngày 17-6-2017. Nguyên nhân do người nhà bệnh nhân cho rằng bác sĩ chẩn đoán sai, đã chặn đánh bác sĩ Vinh ngay tại cổng BV. Những người này đã dùng tay, chân đấm, đá liên tục vào vùng mặt, đầu và người bác sĩ Vinh. Sự việc diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau đó, nhóm đối tượng còn kéo bác sĩ vào phòng khám và tiếp tục hành hung, đồng thời bắt bác sĩ phải quỳ xuống xin lỗi. Sau 2 ngày bị hành hung, sức khỏe của bác sỹ Phạm Đình Vinh đã dần phục hồi.

Tuy nhiên, theo chẩn đoán thì bác sĩ bị tổn thương tủy ở cột sống và xương đĩa đệm vùng cổ. Đồng thời tê bì toàn bộ tay, có cảm giác buồn nôn, choáng váng, do bị va đập mạnh vùng đầu nên não bị chấn động. Ngay sau đó, hai người đàn ông hành hung bác sĩ Vinh đã bị CQCA tạm giữ và điều tra vụ việc.

Hay như vụ việc hành hung bác sĩ vì không được quay cảnh vợ sinh ở Yên Bái xảy ra vào ngày 21-1-2018. Theo ông Nguyễn Văn Phong, GĐ BV Sản nhi Yên Bái, sáng ngày 21-1, người đàn ông tên Lê Hồng Nam (33 tuổi) đưa vợ là Quách Thị Phương Thảo (25 tuổi) vào BV Sản nhi Yên Bái sinh con.

Tại BV, người nhà sản phụ Thảo yêu cầu bác sĩ phẫu thuật lấy thai nhi. Sau khi thăm khám, khoảng 11g cùng ngày các bác sĩ chuyển Thảo vào phòng mổ. Lúc này, Lê Hồng Nam trèo lên lan can quay phim và chụp ảnh cảnh các bác sĩ làm việc. Bị một nữ hộ sinh nhắc nhở, Nam quay lại chửi bới, đe dọa gọi người đến đánh.

Khi hoàn thành xong ca phẫu thuật, hai bác sĩ là Phạm Hải Ninh (khoa Gây mê hồi sức) và Hoàng Đức Trung (khoa Sản) ra khỏi phòng mổ thì bị 15 người bạn của Nam xông vào hành hung dẫn đến thương tích. Trong số 2 bác sĩ bị đánh có một người phải khâu 20 mũi ở vùng mặt, đầu nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Còn Nam và nhóm bạn đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Sau khi sự việc xảy ra, CATP Yên Bái đã phối hợp với lực lượng chức năng truy bắt đối tượng Lê Hồng Nam để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất là sự việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến, 29 tuổi bị hành hung tại BV Xanh Pôn ngày 13-4. Vào tối ngày hôm đó, bác sĩ Chiến có ca trực tại BV và đã tiếp nhận một bé trai khoảng 5 tuổi với vết thương trên trán. Đi cùng bệnh nhi là người đàn ông cao to, tóc buộc dài, khuôn mặt dữ dằn.

Trong lúc trao đổi về hướng xử lý vết thương, người này nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ Chiến khiến anh không kịp phản ứng. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công. Chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị hành hung đã khiến tinh thần của đội ngũ y bác sĩ BV Xanh Pôn vô cùng hoảng loạn.

Riêng bác sĩ Chiến đã phải tạm nghỉ một thời gian. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhận được báo cáo của Sở Y tế, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu CATP Hà Nội làm rõ sự việc.

Đó chỉ là một vài trường hợp trong số hàng loạt các vụ tấn công nhân viên y tế trong thời gian qua. Các vụ hành hung vẫn đang tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của BV; ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Trong khi đó, chỉ có số ít những vụ hành hung mà đối tượng bạo hành được đưa ra xét xử.

Trước đây, vì lý do liên quan tới tình tiết tổn hại trên 11% sức khỏe mới được hình sự hóa. Vì vậy, những đối tượng này đa số chỉ bị xử phạt hành chính gây nên bất bình cho dư luận và đội ngũ y bác sĩ. Mới đây, Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã bổ sung tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình” sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các hình thức xử lý vẫn chưa đủ mạnh cho nên các vụ việc hành hung cán bộ y tế vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Sứ mệnh của thầy thuốc là chữa bệnh cứu người nhưng chính những người thầy thuốc cũng cần phải được bảo vệ trước. Thật bất công khi chính những thầy thuốc lại bị đổ máu khi đang làm nhiệm vụ nhân văn cao cả là chữa bệnh cứu người. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng phải thốt lên: "Ngành y tế quá đơn độc trong việc chống lại bạo hành BV". Thiết nghĩ, cần có giải pháp tổng thể cho vấn đề này, để máu bác sĩ không còn đổ trên bệnh án.

Khánh Phong – Nhật Minh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-1-ngay-cang-nhieu-cac-vu-bao-hanh-nhan-vien-y-te-115444.html