Kỳ 1: Một ngày ăn, hai ngày đói

Colombia hiện có 2 khu ổ chuột lớn nhất là La Pista nằm ở ngoại ô TP.Maicao với khoảng 14.000 người và khu ở chuột Altos de Cazuca, gần TP.Soacha, nơi cư ngụ của 450.000 người. Theo Chương trình lương thực thế giới LHQ (World Food Programme, viết tắt là WFP), 84,6% dân số ở hai nơi này luôn trong tình trạng đói.

Khu ổ chuột La Pista dọc theo sân bay bỏ hoang.

Khu ổ chuột La Pista dọc theo sân bay bỏ hoang.

1. Dưới ánh nắng chói chang của một ngày cuối tháng 3/2023, German Balera đẩy chiếc xe nhỏ đóng bằng những thanh gỗ, bánh xe lấy từ một chiếc xe nôi trẻ em, đi qua đường băng sân bay đã bị bỏ hoang từ lâu để vào một mê cung gồm những túp lều xiêu vẹo vách tôn kẽm, nylon, bìa các-tông…, với hy vọng sẽ có người mua các mặt hàng bánh bột ngô nướng, cà phê pha loãng cùng thuốc lá rẻ tiền. Ông nói: “Những thứ tôi bán chẳng thứ nào quá 3.000 peso (tương đương gần 15.000 đồng tiền Việt) nhưng ở La Pista, nó vẫn là số tiền lớn”.

Trước những túp lều này, phụ nữ, trẻ em ngồi túm tụm thành từng nhóm, đưa mắt thèm thuồng nhìn chồng bánh màu vàng nâu. Trả lời trang tin Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today - một phụ nữ 54 tuổi là Yuraima nói: “Đã 2 hôm nhà tôi không có gì ăn. Chồng tôi đi làm mướn chưa về nên chẳng có tiền dù 3 đứa con tôi đang đói. Tôi chỉ còn biết trông đợi vào ông ấy”.

Khác với Yuraima, bà Otaria lúc nhác thấy bóng người bán hàng rong German Balera thì nhanh như sóc, bà lẩn vào sau tấm màn che ở cửa lều vì 3 ngày trước, bà đã mua thiếu của ông ta 4 cái bánh với lời hứa hôm nay sẽ trả. Nói chuyện với Latin America Today, bà cho biết con trai bà 15 tuổi, làm nghề nhặt phế liệu ở TP.Maicao lẽ ra đã phải mang tiền về từ chiều hôm qua nhưng chẳng hiểu sao giờ này vẫn chưa thấy mặt. Bà nói: “Tôi phải trốn vì nếu không, ông ấy sẽ làm ầm lên. Lần sau khó mà nợ được nữa”.

Theo khảo sát của Chương trình lương thực thế giới LHQ, thu nhập bình quân tính theo đầu người mỗi ngày ở khu ở chuột La Piata chỉ là 4,25 USD (khoảng 12.000 đồng). Với số tiền ít ỏi như thế thì ăn 1 bữa, đói 2 bữa là chuyện hiển nhiên. Rosa, người Colombia sống trong La Pista giải thích: “Khi tiền hết, nếu đi làm mướn thì chúng tôi phải đợi đến lần lĩnh lương tiếp theo. Việc đó có thể mất vài ngày hoặc đôi khi hơn 1 tuần”.

Yuraima Garcia và Otaria chỉ là 2 trong 14.000 người sống ở khu ổ chuột La Pista, ngoại ô TP. Maicao, Colombia, phần lớn là người Venezuela. Nguyên nhân mà họ rời khỏi đất nước là vì nhóm du kích Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (ELN) trong nhiều thập kỷ đã sử dụng đất Venezuela làm căn cứ chống lại chính phủ Colombia.

Chưa hết, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cũng thiết lập nhiều cơ sở ở biên giới, cả trên đất Colombia lẫn Venezuela, dẫn đến những cuộc đụng độ giữa ELN, FARC với quân đội Venezuela, Colombia vì cả 2 nhóm này đều bị chính phủ 2 nước đưa vào danh sách khủng bố.

Khi chạy sang La Pista, người tị nạn chọn sân bay bỏ hoang làm nơi nương náu, sống chen chúc trong những căn lều tạm bợ, dựng lên bởi vô số vật liệu phế thải mà dân Maicao vứt đi. Những căn lều ấy chạy dọc theo đường băng sân bay dài 1.2km, nền bê tông nhiều chỗ đã bong tróc. Cả khu ổ chuột không hề có giếng nước, không điện và dĩ nhiên là cũng không có trạm y tế lẫn trường học.

Họ tồn tại bằng việc làm thuê vác mướn, bằng sự cứu trợ ít ỏi của chính phủ và của các tổ chức nhân đạo quốc tế nhưng chẳng phải lúc nào cũng có. Bà Yuraima nói: “Cả nam lẫn nữ từ 13 tuổi trở lên đều đổ về TP.Maicao để tìm việc, việc gì cũng được miễn là có vài ngàn peso mỗi ngày. Ở đây chỉ còn người già và con nít”.

Bà Otaria bắt mấy đứa con phải ngủ trưa để quên đi cái đói.

2. Về mặt địa lý, khu ổ chuột La Pista chỉ là 1 trong 52 điểm định cư không chính thức ở tỉnh La Guajira, cách biên giới Venezuela chưa tới 6km. Theo khảo sát của Chương trình lương thực thế giới LHQ, trong số 4.000 gia đình ở La Pista thì có đến 3.600 gia đình chỉ ăn 1 bữa mỗi ngày và tỉ lệ suy dinh dưỡng của cả người lớn lẫn trẻ em là 84,6%. Bên cạnh đó, nước uống cũng là vấn đề nan giải.

Để có nước, cư dân La Pista phải đi bộ 6km đến sông Rio Arauca, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Venezuela. German Balera, người bán hàng rong ở La Pista cho biết mỗi tuần một lần, cư dân La Pista lại lũ lượt rủ nhau đi lấy nước đồng thời cũng để tắm rửa, giặt quần áo. “Bằng các vật liệu thu nhặt, chúng tôi làm ra những chiếc xe đẩy, mỗi chiếc có thể chở được 20 can nước, loại can 20 lít dùng cho cả tuần” nên cũng dễ hiểu vì sao can, thùng đựng nước ở La Pista là thứ đồ đạc quý giá nhất.

Cũng do thiếu nước trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày, khá nhiều cư dân La Pista mắc các bệnh ngoài da như ghẻ lở, zona, nấm… Bác sĩ Ricardo, làm việc cho tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) nói: “Cứ 10 trẻ thì có đến 6 trẻ nổi đầy những mụn mủ trên đầu, gọi là bệnh “đầu đinh” do nhiễm tụ cầu khuẩn mà nguyên nhân là thiếu nước để tắm rửa…”.

Marianna, tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Hijos de La Guajira cho biết mỗi ngày một lần, Hijos de La Guajira cung cấp bữa ăn trưa cho 350 trẻ em suy dinh dưỡng ở La Pista nhưng chỉ là cơm độn bắp vì thiếu kinh phí. Cô nói: “Hầu như chính quyền địa phương chẳng ngó ngàng gì đến nơi này. Thỉnh thoảng mới có một phái đoàn ghé qua, nhìn ngó rồi đi. Mọi lời hứa chỉ là “viện trợ ảo”.

Bỏ trốn khỏi căn nhà ở Cali khi giao tranh giữa FARC và quân chính phủ nổ ra, Rosa được phân loại là “người di cư nội địa Colombia (IDP)”. Ở La Pista, cô sống cùng 4 phụ nữ khác cũng chung cảnh ngộ trong một túp lều lợp bằng tôn, diện tích chỉ 4m2. Văn phòng Cao ủy LHQ về di dân ước tính Colombia có gần 7 triệu IDP, cao hơn cả Syria và Iraq.

Một nửa trong số đó sống ven rìa các đô thị lớn như Bogota, Medellin, nửa còn lại ở trong 52 khu ổ chuột được gọi là “trại tạm cư”. Maria Garzon, người ở cùng lều với Rosa than thở: “Chúng tôi là những nạn nhân bị lãng quên của cuộc chiến này. Chẳng có gì dành cho chúng tôi ngoài đói khát và tuyệt vọng”.

(Còn nữa)

VŨ CAO

(Theo Latin America Today)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202304/cuoc-song-trong-nhung-khu-o-chuot-o-colombia-ky-1-mot-ngay-an-hai-ngay-doi-976585/