Kỳ 1: Lời của trái tim

Không sinh ra ở Việt Nam, chẳng có một người thân thích ruột thịt trên mảnh đất hình chữ S. Chuẩn bị trở thành hiệu phó một trường đại học ở Hàn Quốc nhưng tiến sĩ Choi Young Suk cùng chồng là ông Kwon Jang Soo - giám đốc kinh doanh của một hãng ô tô đã từ bỏ tất cả để đến Việt Nam giúp đỡ những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng bằng chương trình giáo dục đặc biệt.

Câu chuyện của bà Choi và ông Kwon không chỉ vượt ra khỏi biên giới, lãnh thổ và sự tử tế bình thường mà còn thể hiện một ý chí, quyết tâm cãi lại mệnh trời cho trẻ khiếm thính, nó khiến người nghe cứ thế xốn xang cảm xúc và trĩu nặng những nhớ thương.

Tiến sĩ Choi cùng chồng - doanh nhân Kwon Jang Soo

Tiến sĩ Choi cùng chồng - doanh nhân Kwon Jang Soo

Quyết định "không bình thường"

Đà Lạt những ngày đầu tháng Ba, Xuân đã cạn ngày, Hạ bắt đầu đã trở giấc. Trên những tuyến đường chưa đi đã mỏi, phượng tím cứ lả lơi theo chiều gió. Trong căn nhà thuê ở đường Nguyễn Khuyến, Phường 5, TP.Đà Lạt, bà Choi và ông Kwon vẫn mải mê giúp đỡ những đứa trẻ khiếm thính bằng một tình cảm đong đầy khó lý giải. Bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhưng chưa được sành sõi, tiến sĩ Choi đã kể cho tôi nghe về câu chuyện đời mình. Như để ôn lại những sự kiện từ khi bà Choi đến Việt Nam, tôi mở lời.

"Tại sao ông bà chọn Việt Nam làm điểm đến để triển khai chương trình giáo dục đặc biệt?

Đó là hành động xuất phát từ trái tim. Chúng tôi làm để giúp những đứa trẻ kém may mắn ở đây. Bà Choi đáp.

Bỏ lại công việc đang rất tốt đẹp ở Hàn Quốc để đến Việt Nam, quyết định này sẽ rất khó khăn đối với ông, bà?

Khi từ bỏ tất cả những gì đang có ở Hàn Quốc để đến Việt Nam sinh sống và giúp đỡ trẻ khiếm thính, có người bảo vợ chồng tôi không bình thường. Nhưng không sao cả, chúng tôi biết mình đang làm gì. Ở Việt Nam có trẻ khiếm thính, có trường, có lớp nhưng chưa có chương trình giáo dục đặc biệt. Và chúng tôi đến đây để triển khai giúp trẻ khiếm thính, thiểu năng về chương trình này". Bà Choi nói về hành trình của mình bằng cảm xúc rất tự tin.

Cảm hứng từ một chuyến tu nghiệp

Không hiểu vì sao chỉ mới tiếp xúc lần đầu thôi nhưng câu chuyện về cuộc đời, về hành trình đến Việt Nam của tiến sĩ Choi, về chương trình giáo dục đặc biệt của bà cứ thế làm cho nỗi nhớ trong tôi cứ dày thêm. Phải chăng sự lôi cuốn đó nó xuất phát từ cách sống, cách nghĩ từ trái tim của đôi vợ chồng này. Hành động xuất phát từ trái tim hay nói cách khác khi trái tim lên tiếng, cất lời, vợ chồng ông Kwon và bà Choi đã làm được những việc mà hiếm người có thể làm được. Nói là thế, nhưng hành trình triển khai chương trình giáo dục đặc biệt của tiến sĩ Choi cũng lắm gian nan. Năm 2006, lúc đó bà Choi có chuyến tu nghiệp về giáo dục đặc biệt tại Nhật Bản. Khóa học này do một giảng viên người Anh phụ trách. Kết thúc khóa học, vị giảng viên quyết định ở lại nước Nhật để giúp trẻ khiếm thính. Điều này đã gợi cho bà Choi nhiều cảm xúc, suy nghĩ. Sau chuyến tu nghiệp này, bà Choi bàn với chồng, hãy đến quốc gia nào đó để giúp đỡ họ. Và, Việt Nam là điểm đến của bà Choi và ông Kwon.

Tiến sĩ Choi đến Việt Nam với nhiều dụng cụ dạy học cho trẻ khiếm thính

Khi được sự đồng tình của chồng mình, năm 2009, tiến sĩ Choi đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Trường Khiếm thính và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt đến làm việc với Trường Đại học Daegu và ngành giáo dục thành phố Busan – Hàn Quốc. Trong chuyến thăm và làm việc ấy, tiến sĩ Choi đã giới thiệu về chương trình giáo dục đặc biệt cho những vị khách mời đến từ Việt Nam.

Có thể nói rằng, cuộc đời là những chuyến đi và chuyến đi Việt Nam của tiến sĩ Choi và chồng là một hành trình dài đầy khó khăn đã được dự báo. Thế nhưng, khó khăn trong chuyến đi này lần lượt được vợ chồng tiến sĩ Choi vượt qua và đạt những kết quả bước đầu ngoài mong đợi.

Những điều đặc biệt

Vậy là đôi vợ chồng đến từ Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Những câu chuyện về họ vẫn cứ lôi cuốn và khiến người nghe cảm động. Trong câu chuyện của mình, thi thoảng bà Choi lại hướng ánh mắt về ông Kwon như muốn sự trợ giúp về ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đồng thời cũng là sự tri ân đối với người chồng tâm đầu ý hợp. Câu chuyện của vợ chồng tiến sĩ Choi cứ thế liền mạch bởi những thắc mắc của tôi:

“Những ngày đầu đến Việt Nam chắc sẽ có nhiều bỡ ngỡ, điều gì là khó khăn nhất đối với ông, bà? Tôi hỏi.

Ngoài những phong tục tập quán thì tôi dần thích nghi, còn lại ngôn ngữ là thứ rào cản cực khó đối với chúng tôi. Ông Kwon không ngần ngại.

Vậy ông đã khắc phục điều này ra sao?

Lúc đầu chúng tôi nhờ một sinh viên dạy tiếng Việt, nhưng sau đó thì tự học. Phải nói tiếng Việt của các bạn khó kinh khủng. Mỗi ngày, chúng tôi dành 8 tiếng đồng hồ để học. Bây giờ thì tôi đã nói tốt tiếng Việt và trở thành phiên dịch cho vợ mình khi gặp những từ khó.

Không chỉ hỗ trợ việc học tiếng Việt, ông là người đồng hành cùng vợ mình trong nhiều công việc quan trọng?

Trước khi qua Việt Nam, tôi cùng vợ đến nhiều nơi ở Hàn Quốc và mang theo cuốn sổ. Chúng tôi gặp gỡ bạn bè, doanh nhân ở Hàn Quốc bảo họ ký tên vào đó với một đề nghị đặc biệt: trong cuộc đời bạn hãy hứa rằng sẽ đến Việt Nam một lần và giúp đỡ trẻ khuyết tật ở đó”.

Ai đó đã từng nói, sống bao nhiêu tuổi không phải là điều quan trọng lắm mà quan trọng nhất là bạn đã sống như thế nào. Điều này có lẽ rất đúng đối với tiến sĩ Choi và ông Kwon. Hành trình đến Việt Nam để đồng hành với trẻ khuyết tật của ông, bà là một cuộc hành trình dài mà ở đó trái tim yêu thương đã cất lời. Đó không phải một quyết định, một cảm xúc nhất thời mà là một trái tim đầy trắc ẩn đối với những đứa trẻ kém may mắn trong xã hội. Sự hiện diện của tiến sĩ Choi và ông Kwon đã tạo sự chuyển biến tích cực, đem lại sự mới mẻ cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt với một chương trình mang tên giáo dục đặc biệt…

Bài, ảnh: Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-1-loi-cua-trai-tim-n24378.html