Kỳ 1: Khi từ thiện trở thành nét đẹp văn hóa

Từ mỗi nếp nhà, mỗi con phố, rộng hơn là các hội, tổ chức, đến các cơ quan sự nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội… phong trào từ thiện đang được xây dựng lớn mạnh, có chiều sâu. Và hơn cả những việc làm, những phong trào, một thói quen văn hóa được hình thành, đó là văn hóa thiện nguyện, thể hiện tinh thần 'nhường cơm sẻ áo', Thủ đô cùng cả nước và cả nước với Thủ đô của những người đang ngày ngày thắp ngọn lửa lòng thiện này.

Những ngày cuối tháng 4-2019, ở căn nhà nhỏ ngõ 81, Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội có những tiếng khóc nghẹn bởi sự ra đi của chị lao công Lê Thị Thu Hà (SN 1977, nạn nhân vụ tai nạn liên hoàn tại đường Láng) để lại rất nhiều thương cảm, đặc biệt là khi hai con của chị Hà còn nhỏ.

Nhưng con ngõ trong những ngày buồn bã ấy và sau nữa phần nào được sưởi ấm bởi sự quan tâm của rất đông láng giềng, đồng nghiệp, bạn bè, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân, đơn vị từ thiện đến chia buồn cùng gia đình. Sự chia sẻ, giúp đỡ của những tấm lòng từ thiện ở Hà Nội và cả nước đối với Đức Anh – Đức Hiếu (hai con trai của chị Hà) đã giúp san sẻ bớt nỗi buồn mất mát với gia đình và người thân của chị.

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện để thấy rằng, trong mỗi nếp nhà, mỗi con phố và ở các tổ chức đoàn thể xã hội khác tại Hà Nội tinh thần yêu thương, đùm bọc, tấm lòng san sẻ luôn sẵn có.

Thiện nguyện và những tấm lòng từ thiện thực sự đang trở thành việc làm hàng ngày của người dân Thủ đô. Ở Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Trái tim Hải Âu, tổ dân phố số 1-2, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội, ngày nào cũng có hơn 10 thành viên thường trực là các bà, các cô – những cán bộ, nhân viên đã nghỉ hưu sang phòng sinh hoạt cộng đồng để gấp quần áo cũ, phân loại từng nhóm quần áo, giặt sạch sẽ, gấp riêng, đóng thùng, để chỉ chờ dịp cần thiết, các thùng quần áo này được chuyển đến những nơi mọi người thực sự cần ở Hà Nội và khắp cả nước.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Trái tim Hải Âu kể: Tôi còn nhớ năm 2018, khi gió mùa bắt đầu ập đến, chúng tôi có chở hai xe quần áo cũ (đã được phân loại sạch sẽ, phù hợp) đến BV K, cơ sở Tân Triều và thông báo các phòng để ai cần thì đến nhận. Hơn 100 người đứng xung quanh chúng tôi và chỉ khoảng 15 phút, các thùng quần áo đã hết.

Lúc đó, có một người đàn ông đi đến, khuôn mặt rầu rĩ hỏi chúng tôi rằng: “Các chị còn cái áo nào không, tôi từ Hà Giang xuống chăm người nhà lúc trời vẫn ấm nên tôi không mang theo đồ, trời bất ngờ chuyển rét thế này, tôi lạnh quá, mấy đêm liền không ngủ được”.

Sau khi nghe câu chuyện ấy, các thành viên CLB quyết định ngay lập tức sẽ về gom thêm đồ, hứa với những người chưa có quần áo hôm nay rằng sáng mai chúng tôi sẽ quay lại. Thế là các thành viên lại thức cả đêm xếp loại, đóng gói quần áo, sáng hôm sau chở thẳng đến BV K, thông báo cho những ai cần thì tiếp tục xuống lấy, may mắn là người đàn ông hôm trước đã kịp đến lấy được áo ấm. Nhìn những người cần được giúp đỡ vây kín xe quần áo cũ và vui mừng chọn được món đồ ưng ý, không ít người trong chúng tôi đã khóc.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Trái tim Hải Âu chia sẻ: Ý tưởng làm thiện nguyện rất giản dị, chúng tôi thấy Hội phụ nữ nhiều nơi của TP Hà Nội, các CLB địa phương làm rất tốt. Các cá nhân làm từ thiện nhiều khi là những người còn có hoàn cảnh khó khăn, mà họ rất có lòng thiện nguyện, tôi nghĩ rằng không phải chờ mình có điều kiện mới giúp đỡ người khác, mà giúp đỡ bằng khả năng mình có, giúp được một người có nghĩa là cuộc sống này bớt một cá nhân khó khăn. Chúng tôi luôn nghĩ như vậy.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Công tác từ thiện, hoạt động thiện nguyện đã có nguồn gốc sâu xa trong truyền thống đạo lý của người Việt Nam, đó chính những thói quen, những hành động được đúc kết qua những câu nói của ông cha “lá lành đùm là rách”, “thương người như thể thương thân”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”... Sau này, trên dải đất hình chữ S, câu chuyện thiện nguyện đã thực sự trở thành một dòng chảy mạnh mẽ. Đến nay mà nói, phong trào thiện nguyện từ khắp nơi đã gần với các nỗ lực an sinh xã hội ở cấp độ Nhà nước, khi mà mục đích chung chính là hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các nhóm thiệt thòi trong xã hội, để không ai phải ở lại phía sau.

Cá nhân tôi cho rằng, ở Hà Nội và các TP lớn các phong trào thiện nguyện, các hoạt động từ thiện diễn ra đều đặn thường xuyên và rất rộng rãi. Bây giờ, làm từ thiện trong xã hội có nhiều hình thức, có người làm lặng lẽ âm thầm, có người có sự hỗ trợ của truyền thông… nhưng theo hình thức nào mà hiệu quả của hoạt động từ thiện đó đến được với những người thực sự cần giúp đỡ, thì cũng là đã đạt đến mục đích của từ thiện.

“Nhưng văn hóa từ thiện thì khác, đó phải là những hoạt động từ thiện không một chút vụ lợi, bằng tâm sáng và tấm lòng. Chẳng hạn, một nhóm bạn trẻ mùa đông đi khắp các con phố của Hà Nội, gửi tặng những người vô gia cư quần áo, chăn màn, và có khi chỉ là cái bánh mỳ cho ấm bụng. Họ không cần lăng xê hoạt động của mình, họ quyên góp từ chính tiền của bản thân và bạn bè để làm từ thiện. Hay các cô, các bác ngồi gấp, khâu, giặt, chọn từng loại quần áo gửi đến người nghèo. Của cho không bằng cách cho, đó là cái cách họ làm từ thiện một cách tỉ mỉ, trân quý, quan tâm đến người khó khăn thực sự” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Từ thiện, thực sự đã và đang là nét đẹp văn hóa nhiều trân quý, của những tấm lòng muốn cho đi mà không màng nhận lại, để gắn kết Thủ đô với cả nước bằng sự chia sẻ nhiều yêu thương.

(Còn nữa)

Nam Dương – Mộc Miên – An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-1-khi-tu-thien-tro-thanh-net-dep-van-hoa-154720.html