Kỳ 1: Khẳng định chủ quyền biển qua phổ biến pháp luật

Với chiều dài 3.260km, đường biển Việt Nam trải dọc theo chiều dài đất nước. Gắn với đường biên giới chủ quyền thiêng liêng này là những câu chuyện đầy xúc động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn sát cánh cùng ngư dân ra khơi an toàn, bám biển, đảo quê hương cũng như hỗ trợ người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ấn tượng với các hình thức tuyên truyền pháp luật

Trong số những đường biên giới nói chung cũng như đường biên giới biển nói riêng, có lẽ điểm cực Nam của Tổ quốc luôn có sức gợi với mỗi người dân đất Việt. Mũi Cà Mau-thiêng liêng tiếng gọi nhắc nhớ mỗi chúng ta về chủ quyền đất nước.

Chúng tôi đã trải qua hành trình dài từ đường bộ đến đường thủy để đến với Đồn biên phòng (BP) Đất Mũi. Đây là đồn BP đứng chân trên địa bàn ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Khi đặt chân đến “nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam”, lòng tôi dâng lên sự xúc động xen lẫn tự hào về chủ quyền của dân tộc với niềm tự hào trào dâng.

Chia sẻ với chúng tôi về một số kết quả mà cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đất Mũi đạt được, Đại úy Nguyễn Việt Bắc, Phó đồn trưởng cho biết: Đồn Đất Mũi phụ trách quản lý địa bàn 2 xã biên giới biển với đường bờ biển dài 45,9 km. Trong năm qua, Đồn đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thông qua quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Sau những buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con về quy định của pháp luật; bà con đã hiểu và nắm chắc quy định của pháp luật để thực hiện.

Việc tuyên truyền PBGDPL được tiến hành theo từng đợt. Đồn phối hợp mời dân đến trụ sở xã hoặc điểm nào đó tuyên truyền về chủ trương, đường lối, nghị định liên quan đến Luật Biên giới. Cơ bản người dân chấp hành, đặc biệt là vấn đề đảm bảo thủ tục giấy tờ-gắn thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn rất đồng thuận. Trên địa bàn các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt có 22 phương tiện cơ bản đã lắp đặt xong, hoàn thành 100%.

“Trước chúng tôi cũng nhiều lần vận động nhưng do nhận thức người dân ở đây đa số đánh bắt ven bờ mà chủ trương quản lý để tránh vi phạm vùng biển nước ngoài nên người dân thấy không cần thiết. Hơn nữa, chi phí lắp đặt cao nên dân không lắp đặt. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền vận động quần chúng đã hiểu vấn đề, vừa đảm bảo quản lý phương tiện, vừa đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển thuận tiện nên dân nhận thức được, đồng thuận và qua một thời gian đã nâng lên”, Phó đồn trưởng Đồn BP Đất Mũi chia sẻ.

Để có được những thành công đó, theo Đại úy Nguyễn Việt Bắc là do Đồn đã áp dụng hình thức tuyên truyền đa dạng, gần gũi, dễ hiểu. Với những trường hợp tuyên truyền lâu thì tập trung một số người dân chưa hiểu để tuyên truyền, vận động ngay tại gia đình. Lúc đầu người dân không nhận thức được nhưng sau khi tới, gia đình đã hiểu và đồng ý. Hay dựa trên việc quản lý các chủ phương tiện, cán bộ chiến sỹ BP đã nhắc nhở thường xuyên, trực tiếp hàng ngày trong khi làm thủ tục cho các tàu ra/vào trạm kiểm soát nên bà con đã hiểu và tuân thủ.

Tại Đồn BP Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Bạc Liêu, Thượng tá Chung Minh Dũng thông tin: Đồn đã thực hiện tuyên truyền PBGDPL thông qua cán bộ sinh hoạt với chi bộ của ấp nên rất hiệu quả. Hàng tháng khi sinh hoạt chi bộ cán bộ biên phòng đã trao đổi về các chủ trương pháp luật như đánh bắt xa bờ, vùng biển Việt Nam…

“Trong chi bộ có những người về tuyên truyền lại cho gia đình, dòng họ làm nghề đánh bắt nên đã truyền tải được nhiều nội dung và thuyết phục, được mọi người tin tưởng. So với thời điểm trước sinh hoạt này thiết thực, mình nói ra chỉ một phần nhưng có anh em công tác ở địa phương nói ra lại thuyết phục hơn; có người ở địa phương cùng cán bộ nói thì mọi người tin tưởng nên đã thay đổi hành vi.

Ví dụ như việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc cấm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài… Thời gian trước, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất khó khăn nhưng sau 1-2 tháng triển khai, đến nay người dân đã thực hiện lắp đặt xong. Hoặc việc đánh bắt ở ngoài vùng biển Việt Nam, nhờ được tuyên truyền nên người dân đã hiểu được cái lợi, hại. Thời gian qua vùng biển chúng tôi quản lý không phát hiện trường hợp nào bị vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài”, Thượng tá Chung Minh Dũng chia sẻ.

 Buổi tuyên truyền PBGDPL của bộ đội BP đồn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu về Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh:T.A

Buổi tuyên truyền PBGDPL của bộ đội BP đồn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu về Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh:T.A

Học tiếng Khơ Me để tuyên truyền cho đồng bào

Tại Đồn BP Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, việc tuyên truyền PBGDPL cũng được thực hiện đa dạng và linh hoạt. Đại úy Quách An Phúc, Chính trị viên Phó, Đồn BP Gành Hào cho biết: Địa bàn Đồn BP Gành Hào đóng quân chủ yếu có 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khơ-Me. Nhận thức của người Khơ-Mer hạn chế hơn, trong công tác tuyên truyền nhiều khi gặp khó khăn là nói tiếng Kinh họ khó nghe nên phải đưa người dân tộc xuống để nói chuyện cho họ hiểu và tiếp cận nhanh hơn.

Bên cạnh đó, bộ đội BP Gành Hào cũng học tiếng của đồng bào Khơ-Mer để trao đổi bằng tiếng dân tộc giúp họ tiếp cận, có nhận thức cao hơn. Việc sử dụng nhiều hình thức và ngôn ngữ đã giúp người dân thân thiết, gần gũi hơn với bộ đội BP.

Đối với những đồn BP có đường biển thì việc tuyên truyền PBGDPL có đặc thù là tuyên truyền về Chỉ thị 01 Bảo vệ an ninh biên giới vùng biển để bà con hiểu về bảo vệ chủ quyền ven biển-nhất là những người đi đánh bắt thủy sản. Qua tuyên truyền, bà con có nhận thức cao hơn lúc trước. Nhận thức của bà con về thẩm quyền của bộ đội BP cũng tăng; tình cảm quân dân siết chặt hơn, gần gũi hơn, đặc biệt là vùng đồng bào có dân tộc Khơ Me sinh sống.

Ngoài ra, BP Gành Hào cũng tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con, hạn chế tệ nạn xã hội. “Khi đã hiểu rõ nhiệm vụ của bộ đội BP, bà con đã chủ động cung cấp thông tin cho chúng tôi mỗi lúc phát hiện một số tin trái với pháp luật như trộm cắp, sử dụng ma túy…”, Đại úy Quách An Phúc thông tin.

Là một người dân ở ấp Tân Điền, xã Long Điền Tây-nơi Đồn BP Gành Hào đóng quân, ông Nguyễn Văn Đước bày tỏ: Nhờ có tuyên truyền của bộ đội BP mà chúng tôi biết được Luật Biển của Việt Nam, nắm rõ vấn đề biển Việt Nam tới bộ phận nào, cảnh sát biển ra sao. Cùng đó, người dân được tuyên truyền Luật Biển đảo thì đi đánh bắt an toàn hơn. Hoặc tuyên truyền dấu hiệu nhận biết tình trạng lừa đảo trên mạng để người dân tránh. Tôi thấy cách tuyên truyền gần gũi, có máy chiếu nên sinh động, dể hiểu, dễ nhận thức được…

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL của Đồn BP Gành Hào, bà Trình Thị Hồng Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền Tây cho rằng: Việc tuyên truyền được đồn Gành Hào thực hiện thường xuyên, không chỉ ở UBND xã mà còn đến tận các ấp-đặc biệt các ấp xa vi dân đi lại khó khăn.

Thời gian qua đồn đã trang bị tủ sách pháp luật đặt tại xã và cho các ấp ven biển để đảm bảo lưu trữ hồ sơ; hỗ trợ âm thanh cho tuyên truyền đảm bảo không những ở ấp ven biển mà ở cả những ấp khó khăn. Nhờ sự phối hợp đó, ý thức người dân được nâng lên, thấy được tầm quan trọng trong bảo vệ vùng biên giới quốc gia.

Ngoài ra, khi ý thức người dân nâng lên, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, vi phạm pháp luật được hạn chế, nâng cao xóa đói giảm nghèo. Năm 2019 xã chỉ còn hơn 40 hộ nghèo, giảm 195 hộ nhờ hiệu ứng tuyên truyền trong đó có tuyên truyền ý thức phát triển kinh tế trong hộ gia đình; đa số là tệ đánh bài, đá gà ăn tiền được đồn với CA chính quy phối hợp trong năm 2019 phá 5 điểm, giảm rõ rệt tình trạng này; triệt phá tụ điểm đá gà qua mạng; các điểm trộm cắp vặt cũng được phối hợp xử lý.

(Còn nữa)

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-1-khang-dinh-chu-quyen-bien-qua-pho-bien-phap-luat-174602.html