Kỳ 1: Hệ lụy sau những 'chầu nhậu'

Theo thống kê, khoảng 70% người dân Việt Nam chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia. Đáng ngại hơn cả, ngoài tác hại liên quan đến sức khỏe, gây mất trật tự an toàn xã hội thì việc lạm dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Thực trạng dễ thấy là, hễ bước chân ra đường có thể dễ dàng chứng kiến la liệt các hàng quán kinh doanh những mặt hàng này. Việc lạm dụng thức uống có cồn cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên các hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, xô xát, va chạm giao thông, thậm chí gây ra những vụ án đau lòng…

Những con số báo động

Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, tình trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động.

Theo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Bằng chứng từ các nghiên cứu thực tiễn cho thấy tình hình sử dụng rượu bia ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm, thể hiện qua 3 tiêu chí: Mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người ở nam giới; tỷ lệ người dân có uống rượu,bia; tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Tờ trình nêu rõ, về mức tiêu thụ, nếu quy đổi tiêu thụ rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân trên đầu người Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít năm 2014; 8,3 lít theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu. Về mức độ phổ biến của việc uống rượu bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và gia tăng ở cả hai giới.

Tình trạng lạm dụng rượu, bia đang hết sức báo động. Ảnh: Đ.L

Năm 2010 có khoảng 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia. Đến năm 2015 tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang là một vấn đề đáng lo ngại do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên khoảng 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, nghiêm trọng hơn là tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại ngày càng tiếp diễn. Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng hơn 74%. Tình trạng người dân một số địa phương dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu cũng là vấn đề hết sức nhức nhối.

Về vấn đề này, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, so với thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia nghiêm trọng hơn rất nhiều, bao gồm tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự và một số vấn đề về bất bình đẳng giới...

Những hệ lụy

Lạm dụng bia rượu đang dẫn tới những hệ lụy không đáng có, những vụ án đau lòng ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và nhìn rộng hơn, tương lại của thế hệ trẻ đất nước đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Có thể thấy, trên thực tế nhiều vụ việc gia đình ly tán cũng chỉ vì người chồng đam mê bia rượu mà bỏ bê vợ con, công việc gia đình...

Cũng từ đó, khi ly hôn, những đứa trẻ sống thiếu cha hay mẹ đều chịu thiệt thòi lớn và quá trình phát triển, trưởng thành cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Rồi những vụ án đau lòng xảy ra vì “ma men dẫn lối” cũng để lại những hậu quả khôn lường khi cả kẻ gây án lẫn người bị hại đều phải gánh chịu. Con, cháu họ sau này cũng sẽ ám ảnh bởi những hành vi phạm tội hoặc cả những hậu quả đã xảy ra...

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước vừa bắt giữ Lê Viết Nam Sang (17 tuổi, ngụ xã Eahu, huyện Cư Kiun, Đắk Lắk) để điều tra làm rõ về hành vi giết người. Theo kết quả điều tra: Khoảng 17h ngày 30/7, Nguyễn Bốn (24 tuổi, ngụ huyện Cư Kiun, Đắk Lắk; tạm trú phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, Bình Phước, làm thợ sửa xe cho gara Sơn) rủ Sang (làm thợ sửa xe cho gara Huy) uống rượu.

Trong lúc nhậu, Bốn mời Sang ly rượu nhưng bất thành nên cả hai xảy ra cãi vã. Sau đó, Sang bỏ về nơi ở tại gara Huy. Bực tức, Bốn cầm con dao bầu tìm đến chỗ Sang ở để đánh. Thấy Bốn, Sang cầm con dao bấm ra ngoài rồi hai bên lao vào ẩu đả. Sang đâm nhiều nhát trúng vào vùng ngực của Bốn khiến nạn nhân tử vong.

Còn tại Hà Nội, gần đây nhất, ngày 18/7/2018, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lưu Bá Tăng (SN 1987, ở Thanh Oai, Hà Nội) ra xét xử tội “Giết người”. Liên quan đến vụ án, bị cáo Bùi Văn Toàn (SN 1992, ở Thanh Oai) cũng bị đưa ra xét xử tội “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, vào ngày 4/5/2017, nhân dịp khai trương hiệu cầm đồ và dịch vụ tài chính của mình, Tăng mời bạn bè đến một nhà hàng liên hoan.

Trong số bạn bè được mời có nhóm của anh Đặng Văn Bình (SN 1974, ở Hà Đông) và Nguyễn Văn Định (SN 1985, ở Thanh Oai). Chiều hôm đó, nhóm anh Bình ra về trước, Tăng ở lại tiếp tục cuộc rượu với nhóm anh Định. Có hơi men, Tăng và anh Định xảy ra to tiếng quanh việc mở hiệu cầm đồ, kèm dịch vụ tài chính. Bực tức, chủ hiệu cầm đồ đứng dậy thanh toán tiền, rồi đi về quán, lấy dao bầu gài vào cạp quần và gọi cho bạn là Bùi Văn Toàn cùng mình đi tìm anh Định.

Tăng và Toàn quay trở lại nhà hàng nơi tổ chức tiệc liên hoan và xông vào chém anh Định trọng thương. Tăng tiếp tục dùng dao bầu đuổi theo anh Định. Thấy anh Nguyễn Trường Khơi (SN 1988, ở Hà Đông) đang đứng ở phía cửa quán dùng ghế đỡ đòn, Tăng dùng dao bầu đâm một nhát vào sườn trái. Anh Khơi được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Còn anh Định bị tổn hại 8% sức khỏe. HĐXX tuyên phạt Lưu Bá Tăng tù chung thân và Bùi Văn Toàn 24 tháng tù...

Trên góc độ an toàn giao thông, theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, có 40% các vụ giao thông nghiêm trọng xảy ra đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất có cồn khi tham gia lưu thông. Đáng chú ý, mặc dù quy định xử phạt nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông, tuy nhiên, cũng giống như quy định đội mũ bảo hiểm, một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự có ý thức cao trong việc đã uống rượu thì không lái xe.

Khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc do ý thức người dân chiếm khoảng 43%, do phương tiện là 15%. Các vụ việc cũng chỉ ra, uống rượu quá chén và lái xe khi có hơi men là hành vi hết sức nguy hiểm bởi khi có hơi men, thần kinh sẽ bị kích thích… hệ lụy là, người tham gia giao thông thường lái xe nhanh, ẩu không làm chủ tốc độ.

Và quanh các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Đôi khi, gánh nặng đó còn dai dẳng đè lên vai người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái và xã hội…

Võ Giang – Đinh Luyện

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-he-luy-sau-nhung-chau-nhau-79606.html