Kỳ 1: Gần 30 nghệ sĩ ký đơn đề nghị giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa VFS

Mới đây, gần 30 nghệ sĩ của Cty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (trước là Hãng phim truyện Việt Nam - VFS) đã ký đơn kiến nghị các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam:

Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 19-9-2018, Hãng Phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; Góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh (cơ sở tại miền Nam của Hãng phim truyện Việt Nam) là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.

Ngày 2-4-2019, Văn phòng Chính phủ có công văn số 116/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận về việc xử lý thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và đưa ra những chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm việc này.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận, chỉ đạo 2 việc. Thứ nhất, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Cty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam căn cứ Kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tại văn bản số 447/KL-TTCP ngày 30-3-2018, Văn bản số 1412/KL-TTCP ngày 23-8-2018 của Thanh tra Chính phủ và biên bản về việc nhà đầu tư chiến lược tự nguyện rút vốn trước thời hạn để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hoàn trả lại tiền và nhận lại cổ phận của nhà đầu tư chiến lược.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất phương án tài chính để xử lý việc nêu trên đúng pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tưởng Chính phủ.

Thứ 2, giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam sau khi nhà đầu tư chiến lược đã rút vốn, đạt mục đích yêu cầu đề ra.

Hình ảnh các nghệ sĩ treo băng rôn đề nghị Vivaso thoái vốn khỏi VFS

Hình ảnh các nghệ sĩ treo băng rôn đề nghị Vivaso thoái vốn khỏi VFS

Tuy nhiên, theo nhiều nghệ sĩ, dù Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo trong công văn ngày 2-4-2019 nhưng việc cổ phẩn hóa Hãng phim vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc Hãng phim gần như không hoạt động, hậu quả các nghệ sĩ và người lao động của Hãng phải gánh chịu, những quyền lợi tối thiểu bị vi phạm nghiêm trọng nhưng không ai lên tiếng, bảo vệ.

“Từ tháng 10-2018 đến nay, toàn bộ nghệ sĩ và một phần cán bộ trong Cty bị cắt bảo hiểm xã hội, sau đó là bảo hiểm y tế cũng bị cắt nốt. Thực trạng đời sống của các nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên Hãng phim hiện nay rất bi đát và chúng tôi không biết tình hình này còn kéo dài cho đến bao giờ”, các nghệ sĩ cho biết.

Với bức xúc như vậy, gần 30 nghệ sĩ gồm các đạo diễn, quay phim, biên kịch, kỹ thuật viên,... đã ký đơn, nhiều lần gửi đến các cơ quan liên quan đề nghị giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Sau khi nhận được đơn của các nghệ sĩ, ngày 26-4-2021, Cục Điện ảnh đã có công văn gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị Bộ xem xét và giải quyết.

Ngày 4-5-2021, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời cho các nghệ sĩ những thắc mắc của họ.

Ngày 27-5-2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Thông báo nêu rõ ngày 21-5-2021, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì họp về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Sau khi nghe ý kiến báo cáo của Thanh tra Chính phủ và của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các bên liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện việc thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ; chỉ đạo UBND TP.HCM xử lý, thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Q.1 theo đúng kết luận thanh tra số 447 ngày 30-3-2018 và số 1412 ngày 23-8-2018 của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục và thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại văn bản số 277 ngày 2-8-2019, văn bản số 123 ngày 24-3-2020 của Văn phòng Chính phủ; chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đôn đốc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện dứt điểm kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Ngày 2-6-2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần khẩn trương xử lý dứt điểm một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.

Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng Cty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hiện, Hãng mang tên Cty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.

Từ tháng 10-2018, các nghệ sĩ bị cắt lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khiến đời sống của nhiều nghệ sĩ lâm vào cảnh khó khăn.

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-gan-30-nghe-si-ky-don-de-nghi-giai-quyet-dut-diem-viec-co-phan-hoa-vfs-242136.html