Kỳ 1: Động lực cho những ông lang, bà mế

Trăn trở tình trạng khai thác tràn lan tới mức cạn kiệt các cây thuốc quý, cùng với nỗi lo về các bài thuốc, cây thuốc của nhiều ông lang, bà mế bị thất truyền, 2 chàng trai trẻ sinh ra ở vùng rừng núi Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã bền bỉ xây dựng với quyết tâm khởi nghiệp bằng việc cho ra đời Công ty Thuốc Nam Việt (Vietherb).

Kết quả họ đang góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu, bảo tồn, ứng dụng và phát triển bền vững nhiều cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc đang bị thất truyền.

Từ thị trấn Mẹt (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), vượt gần 30km theo tỉnh lộ 243 ngoằn nghèo qua những dãy núi đá sừng sững, xen lẫn những thửa ruộng nương khô cằn, bạc phếch, chúng tôi tới thôn Lân Châu, xã Hữu Liên nằm sát với vườn quốc gia Hữu Liên (Lạng Sơn).

Từ cây cỏ trong rừng, sau nhà
Trong mảnh vườn nhỏ xanh mướt, nằm cạnh ngôi nhà nửa sàn nửa đất đặc trưng của người Dao, mế Bàn Thị Liều đang lúi húi làm đất để trồng thêm ít cây thuốc xen lẫn với rau xanh. Thấy có khách tới chơi, mế Liều dừng tay, mời tất cả chúng tôi ra sân trước nhà được làm bằng gỗ cao hơn nền đất tới gần 1m, trên đó phơi rất nhiều loại lá và rễ cây.

Vừa vơ từng nắm lá khô cho vào bao tải, mế Liều vừa trò chuyện và cho biết công dụng của nhiều loại cây thuốc gia truyền của người Dao: ngâm tắm, xoa bóp để phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy, hay phụ nữ sau sinh cho tới những cây thuốc, vị thuốc quan trọng như cây gió chuyên chữa trị đau xương khớp, cảm mạo, ngộ độc…

Hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn có khoảng 300 ông lang, bà mế và khoảng 80% tham gia Hội Đông Y Lạng Sơn. Ngoài ra còn nhiều lang y khác chưa được phát hiện ghi danh. Các ông lang, bà mế chủ yếu học nghề cha truyền con nối với kinh nghiệm chữa bệnh và dùng thuốc dân gian với cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên. Bằng kinh nghiệm tri thức của dân tộc, họ đã góp phần không nhỏ vào công tác chữa trị chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn và các vùng lân cận.

Hơn 30 năm bà làm nghề bốc thuốc, trị bệnh ở xóm núi Lân Châu, mế Liều chủ yếu phục vụ bà con trong bản mỗi khi đau ốm và nếu có xa hơn nữa cũng chỉ là người dân trong xã, hay vài người trên huyện biết tới. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, sau khi được sự hỗ trợ của Vietherb, đã có nhiều người bệnh ở các tỉnh thành khác, thậm chí cả trong tận phía Nam xa xôi cũng tìm tới mế Liều để chữa bệnh, nếu không cũng tìm mua vài gói thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, hay người mới ốm dậy để mau chóng hồi phục sức khỏe. Cũng chẳng cần quảng cáo, hay nhãn mác, thương hiệu gì to tát, bây giờ cứ vài tuần, mế Liều lại đi bộ vài chục cây số vào rừng, hay lên núi để lấy thuốc, đem về sơ chế, phơi khô, sau đó cung cấp lại cho Vietherb để sản xuất ra những sản phẩm thuốc nam với những tên gọi như “Lá tắm sau sinh”, “Ngâm tắm mẹ bé” có hiệu quả và giá trị kinh tế không hề nhỏ.

Chia sẻ với chúng tôi, mế Liều cho biết, từ bao đời nay, người Dao đã biết tận dụng các loại cây rừng làm thuốc tắm để giúp hồi phục sức khỏe, cũng như qua đó chữa trị một số bệnh về xương khớp. Nhưng chỉ vài năm nay, bài thuốc tắm của người Dao mới được cộng đồng biết đến nhiều hơn.

Nếu như trước đây, một vài tuần, có khi cả tháng, mới có dăm người tìm tới để lấy thuốc trị bệnh, thì bây giờ cứ đều đặn hàng tháng mế Liều bán cho Vietherb từ 100-150kg lá thuốc với thu nhập lên tới 5-6 triệu đồng/tháng. Đây thực sự là một khoản không hề nhỏ đối với một người dân ở một xã nghèo nhất và cũng là vùng sâu, vùng xa nhất của Lạng Sơn.

“Bà mế” Bàn Thị Liều đang phân loại và bốc các vị thuốc nam cho bài thuốc chữa đau lưng gia truyền.

“Bà mế” Bàn Thị Liều đang phân loại và bốc các vị thuốc nam cho bài thuốc chữa đau lưng gia truyền.

Chia tay với mế Liều, chúng tôi tới nhà ông Hoàng Văn Tài (83 tuổi, người Nùng, ở thôn Voi Xô, Hòa Thắng, Hữu Lũng). Ông Tài là một trong những lương y nổi tiếng ở huyện Hữu Lũng, với những bài thuốc gia truyền đặc hiệu trị đau mỏi, thoái hóa xương khớp, sỏi thận, rắn cắn, dạ dày, gan mật.

Mặc dù hơn 1 năm nay, cụ lang Tài bị tai biến, không còn đi rừng lấy thuốc, nhưng không vì thế mà người dân địa phương không còn nơi để được bắt mạch, kê đơn mỗi khi đau ốm vì nghề thuốc của cụ lang Tài vẫn được tiếp nối truyền dạy cho thế hệ sau. Qua sự hỗ trợ của Vietherb, 2 người con trai trong số 8 người con của cụ lang Tài đã được cha mình truyền lại những kinh nghiệm, kiến thức quý báu về nhiều bài thuốc, cây thuốc nam ở địa phương rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.

Tiềm năng cây thuốc trong rừng nguyên sinh
Đưa chúng tôi ra khu vườn rộng hơn 2ha trồng rất nhiều loại cây thuốc khác nhau như: kim xương, đơn buốt, gối hạt, trần bì, cúc tần... anh Hoàng Văn Hùng (con trai thứ 7 của cụ lang Tài) chia sẻ, cây thuốc chữa bệnh của người Nùng rất nhiều loại nhưng tựu chung là vào 2 loại chính là bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Với các cây thuốc trị bệnh chủ yếu là những loại cây cỏ được lấy trong rừng, hay trên núi, sau đó đem phơi khô, thái nhỏ sắc uống, hoặc ngâm rượu để xoa bóp theo liều lượng bí truyền. Hơn nữa, việc hái thuốc cũng không hề dễ dãi, tùy tiện mà phụ thuộc vào thời gian khác nhau, cũng như phải tuân thủ nhiều tập tục thì mới hiệu nghiệm.

“Ông lang” Hoàng Văn Hùng trao đổi với Nguyễn Công Huân trong vườn thuốc Nam nhà mình.

Chẳng hề giấu giếm, anh Hùng bộc bạch, vài năm gần đây sau khi hợp tác Vietherb, nhiều cây thuốc và bài thuốc gia truyền của gia đình anh đã được bảo tồn, phát triển và có giá trị hơn trước nhiều.

Đáng quý hơn, anh Hùng còn được Vietherb giúp đỡ đăng ký với Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, chứng nhận bản quyền bài thuốc gia truyền chữa đau dạ dày, còn người em trai của anh Hùng là anh Hoàng Văn Mạnh, được chứng nhận bài thuốc ngâm chân thảo dược và xoa bóp chữa đau nhức xương khớp. Đây được xem như cuốn “sổ đỏ” khẳng định bản quyền và giá trị vững bền của những bài thuốc nam quý báu.

Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn, với địa hình rừng núi chiếm phần lớn diện tích đất nên tiềm năng cây - con làm thuốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng nói riêng, đã được thiên nhiên ưu đãi khá phong phú và đa dạng. Qua khảo sát của Hội Đông y Lạng Sơn, tại các khu rừng ở huyện Bình Gia và Hữu Lũng, nhất là rừng nguyên sinh Hữu Liên còn tương đối nhiều loại cây, con làm thuốc như: cây hoàng đàn, huyết giác (mía vượn), thiên thanh quỳ, dây đau xương, cây lá khôi, mộc tặc, ma hoàng, trạch tả, thủy xương bồ, hoàng tinh ngọc trúc, long nha thảo, kim ngân, đỗ trọng nam, thổ phục linh, kê huyết đằng, ba kích, nhân trần, bồ bồ... Đây chính là nguồn nguyên liệu vô cùng quý giá cho việc bào chế ra những bài thuốc nam hiệu nghiệm của dân tộc.

Cùng với đó, tại nhiều huyện thị trên địa bàn Lạng Sơn, còn có nhiều dân tộc sinh sống (riêng huyện Hữu Lũng có 7 dân tộc cùng sinh sống là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Cao Lan, Hoa, H'Mông), mỗi dân tộc đều biết sử dụng những cây cỏ quanh mình để chữa bệnh và trải qua nhiều thời kỳ đã hình thành nên nền tri thức thuốc nam vô cùng độc đáo.

Q.KHÁNH - T.LƯU

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/ky-1-dong-luc-cho-nhung-ong-lang-ba-me-59520.html