Kỳ 1: Đi xuyên vùng rốn lũ

Những năm trước, thời điểm này mực nước dâng cao khiến đồng ruộng ngập sâu, nhiều xóm nhà phải chạy lũ, kèm theo đó cư dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hối hả ra đồng đánh bắt cá, tôm và các loài đặc sản vui như Tết!

Nhưng lúc này, thời điểm mà người dân gọi là nước “nhảy khỏi bờ” lại chẳng khác gì mùa khô. Không được ra đồng giăng lưới, thả câu, đặt lọp… khiến cho cuộc sống cư dân vốn đã khó nay còn khổ hơn. Đối với họ, mùa nước lũ sao giờ xa lắc quá!

Đến thời điểm này hoạt động đánh bắt ở miền Tây chưa diễn ra do lũ không về

Đến thời điểm này hoạt động đánh bắt ở miền Tây chưa diễn ra do lũ không về

Những ngày này đi dọc các tỉnh đầu nguồn biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An… sẽ thấy nhiều tuyến kênh cạn khô, đồng ruộng nứt nẻ, xuồng ghe nằm bờ hoặc nhiều loại ngư cụ treo lơ lửng dưới sàn nhà. Không còn được cơ hội ra đồng đánh bắt, mất đi nguồn thu nhập đáng kể, hàng ngàn hộ gia đình đã đóng cửa bỏ xứ đi tìm kế mưu sinh.

Những căn nhà cất cao để tránh lũ nay đã trở nên... lỗi thời.

Những xóm nhà... lỗi thời

Thượng tuần tháng 7-2019, chúng tôi đi sâu vào vùng rốn lũ giáp với Campuchia thấy cảnh khắc nghiệt, khác thường, bởi nước dưới các con rạch, sông thấp lè tè không “nhảy” khỏi bờ. Xa xa là đàn bò đang dặm cỏ trên ruộng lúa thay vì những chiếc xuồng câu, lưới quen thuộc như ngày nào.

Tìm về xóm nhà ở tổ 21 (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, H.An Phú, An Giang) để tìm hiểu về đời sống người dân. Nơi đây cách trung tâm xã hơn 3km. Mọi năm, để đến nơi đây không cách nào khác là phải thuê xuồng của người dân, còn nay chỉ cần chạy xe gắn máy là tới nơi.

Cánh đồng này mọi năm giờ đã ngập lũ, nay chẳng khác gì mùa hạn.

Đường vào xóm này chỉ là con đường đất nhỏ, xung quanh là những dãy ruộng đã thu hoạch xong vụ mùa. Càng vào sâu, chúng tôi thấy rõ hơn những chiếc ghe nằm chỏng trơ trên bãi bồi hoặc những chiếc dớn cao cách mặt nước cả mét.

Gặp chúng tôi, anh chủ dớn cho biết: “Đồng ruộng cạn khô nên đặt dưới sông kiếm cá ăn nhưng do thủy triều lên xuống khiến dớn khô nhiều hơn ướt”. Trò chuyện với anh này xong, chúng tôi chạy thêm 300m thì tới xóm nhà hơn chục căn nằm cạnh sông Vĩnh Hội Đông.

Theo quan sát, những căn này cất cách mặt đất khoảng 3m, có cầu thang đi lên và nhiều dụng cụ đánh bắt như lưới, dớn, lọp cột dưới sàn nhà. Nhiều người ở xứ xa đến đây cũng thấy làm lạ.

Dụng cụ đánh bắt nằm sàn nhà vì "đói" lũ.

Ngồi uống trà cùng với nhiều hộ dân trong xóm, ông Hồ Văn Mến - Tổ trưởng tổ 21 (ấp Phú Nhơn) cho biết, nhà cất cao để tránh ngập những năm lũ lớn.

Ông Mến kể, vào năm 2000, gia đình bỏ ra hơn 70 triệu đồng để cất căn nhà ngang 4m2 và dài chỉ hơn 10m2. Sàn của căn nhà cách mặt đất hơn 2m. Thường chi phí những căn nhà sàn kiểu này cao hơn 30% so với những căn nhà bình thường. Nhà ông cất được vài năm đã trở nên lỗi thời. “Nếu nhà tôi có hư sẽ cất lại nhà bình thường vì không còn chạy lũ nữa” – ông Mến khẳng định.

Ông Mến dứt lời, ông Lê Văn Kháng liền tiến đến cột nhà gần đó rồi chỉ tay và nói: “Những năm lũ lớn, nước ngập hơn nửa cột nhà còn giờ chưa bò lên nổi mé kênh. Việc chúng tôi cất nhà cao vậy vừa lỗi thời vừa bất tiện”. Theo ghi nhận, hiện tại các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Long An… còn hàng ngàn căn nhà như thế.

Đồng lũ ở An Giang năm 2018, giờ mọi người đang muốn được lũ về như thế này

Không còn cảnh chạy lũ

Thời điểm này của những năm trước, đi dọc theo kênh Vĩnh Hội Đông (đoạn chùa Cô, xã Phú Hội) và các tuyến kênh lớn thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, Long An sẽ gặp nhiều xóm lều, xóm ghe mọc san sát nhau để chạy lũ. Mỗi xóm thường khoảng chục gia đình và tất cả đều không đất vườn. Trở lại nơi đây, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng trên không còn xuất hiện bởi mực nước còn quá thấp.

Xuồng ghe nằm bờ, người dân không còn phải chạy lũ.

Sau khi dò hỏi, chúng tôi phải đi dọc theo con đường đất đối diện với Trạm kiểm soát biên phòng của Đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông để tìm xóm nhà nhiều năm chạy lũ. Tại đây rất nhiều trẻ con đang vui đùa, còn những người lớn nằm buồn bã trên những chiếc võng mắc dưới sàn nhà.

Gặp chúng tôi, ông Phan Văn Hạnh kể, gia đình sang Phú Hội định cư ngót ngét đã 16 năm. Mọi năm tháng này, cha con ông qua Campuchia đóng thuế giăng câu, còn vợ có nhiệm vụ canh giữ lều vì nhà bị cô lập phải đi ở đậu trên các con đê. Năm nay, gia đình không còn phải chạy lũ nhưng kèm theo đó là nỗi buồn thất nghiệp.

Người dân vì vào vị trí nước lũ ngập năm 2018.

Có nhà cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mạnh nói: “Dân xóm câu toàn là hộ nghèo, không cục đất chọi chim nên chỉ dựa vào nghề giăng câu là chính. Năm nay cánh đồng nước bạn cũng khô hạn, nên người dân sống bằng nghề con cá xóm này cũng chẳng biết làm gì khác”.

Tiếp lời ông Mạnh, chị Nguyễn Thị Út (44 tuổi) nói: “Cả gia đình tôi mùa lũ dựa vào cái vó đặt ở ngã 3 sông mỗi ngày kiếm được nguồn thu nhập 200 ngàn đồng, còn lúc này thất thu vì nước chưa về”.

Người dân vùng lũ buồn bã vì ngóng được "ra khơi".

Chạy dọc theo các xã biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An, chúng tôi còn bắt gặp nhiều chiếc xuồng ghe nằm chỏng trơ bên hong nhà, một số đã mục nát vì mấy năm không được “ra khơi”.

Ngồi nhìn đóng câu lưới sắp “hết đát”, anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ xã Thới Hậu B, H.Hồng Ngự) buồn bã nói: “Trước đây, xóm này toàn làm nghề giăng câu, thả lưới nhưng giờ chỉ còn lại mình tôi mà thôi. Giờ mà không vướng bận việc học hành của 2 đứa nhỏ là gia đình sẽ kéo nhau lên thành phố làm chứ trông cậy vào nghề đánh bắt không sống được”. Qua đó cho thấy kế sinh nhai của cư dân vùng rốn lũ càng bấp bênh hơn và ngày một xa vời!

Lũ chưa về mùa len trâu cũng trở thành ký ức.

Mùa len trâu, hẹ nước đâu rồi?

Nhiều nơi ở miền Tây mấy chuyện nặng nhọc như kéo cày, kéo lúa mà sức người không kham nổi, đều phải cậy trâu làm. Tới mùa nước ngập, người nông dân không nỡ nhìn con vật trung thành chết đói vì thiếu cỏ ăn, nên phải len qua nhiều cánh đồng nước lêu bêu, đi tìm vùng những thảm cỏ xanh còn xót lại cho trâu trú ngụ suốt 3 tháng nước đợi nước giựt. Đó được gọi là mùa len trâu - một cuộc di cư lớn của con người và hàng nghìn con trâu, đi tìm sự sống trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Mọi năm cứ vào thời điểm này, đi học theo các cánh đồng biên giới thuộc huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) hay Tân Hưng (Long An) sẽ thấy những đàn trâu lên đến mấy trăm con đang ào ào vượt cánh đồng nước nổi để tiến sâu vào nội đồng - nơi có vạt đất cao chưa bị ngập. Khi đó những thảm cỏ xanh rì trở thành cứu cánh cho đàn trâu di cư tứ xứ tìm về. Tuy nhiên, thời điểm này những cánh đồng quen thuộc chẳng thấy đàn trâu hay bóng người xuất hiện.

Là người sở hữu đàn trâu hơn 30 con, ông Hai Lực (ngụ H.Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết, hơn 40 năm ông làm nghề nuôi trâu và cứ đến đầu tháng 6 âm lịch là đưa trâu len qua các cánh đồng ngập nước.

Không chỉ len trâu nhà, ông Lực còn nhận len thuê cho những chủ trâu khác trong vùng. Hàng năm, đến lúc này ông đã len đàn trâu vượt mấy cánh đồng ngập nước từ xã Long Sơn (TX.Tân Châu, An Giang) rồi vượt sông Tiền qua huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp). “Năm nay nước chưa có, đồng ruộng chưa bị ngập nên đàn trâu vẫn còn nằm nhà” – ông Hai Lực nói.

Ông Hai Lực và nhiều người nuôi trâu cho rằng, mùa len trâu năm nay khó xảy ra bởi lũ không về. Trong khi đó mùa len trâu là một bức tranh đồng quê miền Tây Nam bộ mùa nước nổi vô cùng đặc biệt khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Cảnh đặt xà di bắt cá của người dân vùng Đồng Tháp Mười những năm trước, đến nay vẫn chưa xuất hiện.

Song hành với mùa len trâu, vùng đất chiêm trũng Đồng Tháp Mười ngập lênh láng và đó cũng là lúc người dân thu hoạch hẹ nước. Đây là loại rong mọc dưới nước, lá mỏng, có gân trắng chính giữa, màu xanh nhạt, gòn và vị ngọt thanh mát. Người dân gọi đây là “của trời cho” bởi không chỉ là loại rau ngon mà còn có giá trị kinh tế.

Khi vào mùa thu hoạch, mỗi người có thể kiếm vài trăm ngàn đồng sau một buổi ngâm mình trong nước. Năm nay dù đi dọc theo nhiều con đường ở vùng đất này chúng tôi cũng không tìm thấy cảnh tượng trên. Lũ không về, người miền Tây không chỉ tiếc nuối mùa len trâu, ngắm cảnh người dân thu hoạch hẹ nước, xem đánh bắt cá linh, hái bông điên điển mà còn thất thu nguồn lợi từ nhiều loài sản vật khác.

Ông Dương Văn Hải – Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội: “Mọi năm mùa này địa phương vừa hỗ trợ người dân thu hoạch lúa chạy lũ, di dời đồ đạc một số hộ dân đến nơi an toàn, còn giờ không làm công tác này vì đồng ruộng nước chưa về. Tại địa phương có nhiều hộ dân sản xuất lọp cua, lọp tôm nhưng cũng đang trong cảnh đìu hiu vì sợ làm nhiều sẽ ế hàng. Toàn xã có khoảng 70% trong độ tuổi lao động đã đi thành phố tìm sinh kế”.

(Còn tiếp...)

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/di-xuyen-vung-ron-lu_77592.html