Kỳ 1: Chíp chống... hàng giả xuất hiện trên túi nhái!

Với chi phí thấp, các sản phẩm nhái những thương hiệu nổi tiếng của thế giới giống y như thật rất được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng. Và chính từ nhu cầu cao về mặt hàng này đã dẫn đến nguồn cung vô tận được dịp tung hoành trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Điều đáng lo là hàng giả, hàng nhái ngày càng được sản xuất theo quy trình chuyên nghiệp một cách bài bản, tinh vi từ các nguồn lực lẫn kỹ thuật cao nhờ sự tương tác... nhiệt tình giữa nhu cầu của NTD và những nhà sản xuất sẵn sàng lách luật để đáp ứng, mặc cho nhà chức trách nỗ lực phòng, chống.

Chuyện "khó tin nhưng có thật" này đã xuất hiện tại "thủ phủ” hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc (TQ) khiến không ít khách hàng bối rối, nhất là khi theo tiết lộ của nhà sản xuất thì sản phẩm Louis Vuitton (LV) chính hãng cũng chưa hề có loại chíp này.

Túi nhái "bay" sang tận... Trung Đông!

Hàng hiệu nhái được sản xuất tại TQ đã trở thành chuyện dài nhiều tập, chỉ đến khi truyền thông nước này đưa tin về vụ buôn bán túi da giả hiệu LV thông qua nền tảng WeChat, với hơn 30 người có liên quan, bị khởi tố ở Thượng Hải (TQ), phát hiện cuối năm 2019, nhiều người mới giật mình khi đối tượng chủ mưu là các anh chị em trong cùng gia đình. Đường dây kinh doanh xuyên biên giới với những chiếc túi này thậm chí được bán đến tận Trung Đông! Tại TP.Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang có hàng chục cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nhái để các đầu nậu chuyển về Tân Cương và từ đó xuất sang Trung Đông, châu Phi, Đông Âu, đến Đông Nam Á và lấn sân sang cả thị trường Mỹ.

Tinh vi hơn, nhóm đối tượng đã mua chuộc được nhân viên bán hàng của Hãng LV, moi thông tin nội bộ về kiểu dáng và hình ảnh các sản phẩm chuẩn bị tung ra thị trường để đi trước một bước, vượt luôn hàng chính hãng, với mức giá của sản phẩm nhái chỉ khoảng vài chục đôla. 310 chiếc túi LV giả đã bị thu giữ tại chỗ, khi giá thị trường của những chiếc túi chính hãng lên tới cả triệu USD.

Nhưng điều khiến người tiêu dùng "bối rối" nhất chính là băng nhóm tội phạm trên đã sản xuất luôn cái gọi là thẻ chống hàng giả dựa trên công nghệ chíp NFC. Người sử dụng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét qua, đường dẫn sẽ đưa tới trang web chính thức của Hãng LV, khiến khách hàng tin chắc đây là sản phẩm thật. Trong khi đó, đại diện thương hiệu của Hãng LV, túi chính hãng không có chíp cảm biến NFC. Đẳng cấp hàng nhái theo đó ngày càng hoàn thiện về quy trình, đến mức vượt cả một số thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ.

Những chiếc túi xách nhái thương hiệu được bày trên kệ

Những chiếc túi xách nhái thương hiệu được bày trên kệ

Theo thống kê của Europol, từ năm 2015 TQ và Đặc khu hành chính Hồng Kông của nước này đã chiếm lĩnh hơn 2/3 ngành công nghiệp hàng giả, hàng nhái toàn cầu, trị giá hàng trăm tỷ đôla mỗi năm, từ kinh nghiệm "sao chép" công nghệ sau thời gian dài làm thuê cho các thương hiệu nước ngoài với tần suất ngày càng tăng sau khi thị trường xa xỉ bùng phát ở TQ. Tinh vi hơn, để tránh bị bắt vì vi phạm bản quyền theo công ước quốc tế mà TQ đã ký kết, các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái chỉ gắn nhãn hiệu khi nào người mua yêu cầu, để tránh phạm luật.

Giữa "mê trận" hàng fake

Là cảng biển quốc gia duy nhất trong việc giao thương quốc tế, Quảng Châu được mệnh danh là "thiên đường hàng giả, hàng nhái của thế giới". Trong số này, các "chợ đồ da" tràn ngập những loại hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng Hermes, LV, Prada, Gucci, Burberry, Chanel... y như chính hãng. Những chiếc túi xách màu nâu đất với lớp da thuộc mềm mại như thật, các mũi kim đều tăm tắp, với chiếc khóa kéo mạ vàng nổi bật, nhưng hầu hết phần thương hiệu đều bị bỏ trống... để tránh bị bắt vì vi phạm bản quyền theo công ước quốc tế.

Tại các làng ở "thủ phủ” hàng nhái giả hiệu - trung tâm thương mại Bạch Vân (Quảng Châu), mỗi "xưởng sản xuất" rộng chưa đến 200m2 chỉ với vài chục công nhân đã sản xuất hàng trăm chiếc túi Chanel, Prada, Gucci nhái mỗi ngày. Tất cả nằm xếp lớp, sắc nét đến ngỡ ngàng với mức giá chưa đến 2 triệu đồng tiền Việt, mà theo người bán, thỏa thuận xong, chỉ cần gắn mác vào là thành "hàng hiệu" khó thể phân biệt.

Hàng nhái được chia thành nhiều loại: từ giống y như thật nhất (khoảng 97 - 98%), tiếp theo là khoảng 90% và thấp hơn. Quy trình làm hàng nhái vô cùng tinh vi: từ chiếc túi thật được mua một cách "danh chính ngôn thuận" hoặc tuồn ra từ cửa hàng, chủ cơ sở làm hàng nhái sẽ mang về cẩn trọng tháo tung ra, quan sát kỹ loại da và từng đường kim mũi chỉ, nhất là ở các nếp gấp và những mối nối, đặc biệt chú ý đến ký hiệu đặc biệt in chìm để chống làm giả. Ngay cả loại da và chỉ khâu cũng được phân tích kỹ về chất liệu, độ mềm, màu sắc, hoa văn để làm cho thật giống. Riêng phần khóa kéo và dập nhãn mác lại thuộc về tài nghệ của chuyên gia cơ khí, xi mạ kim loại và công nhân tay nghề cao, bởi nó đòi hỏi sự chính xác đến mức tuyệt đối có thể.

Nằm giáp với đặc khu Thâm Quyến, Khu phức hợp giải trí - mua sắm La Hồ được mệnh danh là một trong những "thiên đường giả hàng hiệu cao cấp" ở Trung Quốc với cả ngàn cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này mà khách muốn gì cũng có. Ngay cả lực lượng chuyên chống hàng giả của Thâm Quyến cũng phải thừa nhận chẳng thể phân biệt nổi đâu là hàng thật và đâu là hàng giả giữa mê hồn trận, khi các chủ cửa hàng có thể cung cấp cả giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm và cả những phiếu khuyến mãi như hàng chính hãng.

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-chip-chong-hang-gia-xuat-hien-tren-tui-nhai_141976.html