Kỳ 1: Cha mẹ mất không để lại di chúc!Kỳ 1: Cha mẹ mất không để lại di chúc!

Cho rằng nhà đất bố mẹ để lại không có di chúc, anh chị em ông Phạm Đỗ Nhật Tường đã yêu cầu tòa chia di sản thừa kế theo pháp luật…Cho rằng nhà đất bố mẹ để lại không có di chúc, anh chị em ông Phạm Đỗ Nhật Tường đã yêu cầu tòa chia di sản thừa kế theo pháp luật…

Khi anh em không thể “đóng cửa bảo nhau”

Liên quan đến tranh chấp di sản thừa kế, ông Phạm Đỗ Nhật Tường, SN 1957, cùng các bà: Phạm Thị Kim Oanh, SN 1944; Phạm Thị Kim Ngân, SN 1946; Phạm Thị Kim Hảo, SN 1956; Phạm Thị Kim Thái, SN 1955 (chị em ruột) đã khởi kiện em út (ông Phạm Đỗ Nhật Bằng, SN 1963, trú tại 12 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Như lời các nguyên đơn, cụ Phạm Đỗ Nghị (mất năm 2010) kết hôn với cụ Nguyễn Thị An (mất năm 1957) và sinh được hai người con (bà Phạm Thị Kim Oanh, Phạm Thị Kim Ngân). Năm 1949, hai cụ ly hôn; bà Ngân, Oanh sống với cụ Nghị. Năm 1950, cụ Nghị tái hôn với cụ Trần Thị Quý (mất năm 2014). Cụ Nghị, Quý sinh được 4 người con (ông Phạm Đỗ Nhật Tường, bà Phạm Thị Kim Hảo, Phạm Thị Kim Thái và ông Phạm Đỗ Nhật Bằng).

Sinh thời, cụ Nghị tạo dựng và là chủ sở hữu nhà đất tại số 12 phố Hàng Buồm, diện tích 82m2, đứng tên cụ Nghị, Quý. Hai người mất không để lại di chúc. Hiện, bằng khoán điền thổ nhà đất tại 12 phố Hàng Buồm do các nguyên đơn đang lưu giữ. Khi còn sống, cụ Quý được bố mẹ để cho một phần tài sản là vàng. Khi các con gái đi lấy chồng, cụ Quý đã cho mỗi người khoảng 10 cây vàng. Việc cho vàng không phải là tài sản của bố mẹ cho các con. Khi cụ Nghị, Quý còn sống đến lúc mất, các con đều chăm sóc, phụng dưỡng, không phân biệt gái trai, con chung, con riêng.

Năm 1983, ông Tường lấy vợ và sinh sống tại đây. Do nhà chật chội, năm 1994, cụ Nghị, Quý mua cho ông một căn hộ ở khu tập thể đường sắt tại phố Láng Hạ và ông nhiều lần đổi nhà, hiện ông ở tại quận Ba Đình, Hà Nội. Năm 1990, số nhà 12 Hàng Buồm được sửa chữa, cải tạo khu phụ phía sau và bà Ngân có đóng góp số tiền tương đương 2.000 USD, ông Tường góp 1.500USD. Việc đưa tiền cho bố mẹ để sửa chữa, các anh chị em trong nhà đều chứng kiến. Với bà Thái, năm 1979, lấy chồng và năm 1995 thì định cư ở Cộng hòa liên bang Đức. Hàng năm, bà Thái vẫn có trách nhiệm đóng góp tiền phụng dưỡng bố mẹ.

Trong khi đó, nhà số 12 Hàng Buồm, ông Bằng cùng vợ (bà Nguyễn Thị Hồng Hạt) và con trai (Phạm Đỗ Nhật Trí) sử dụng. Khoảng tháng 10-2013, ông Bằng tự ý phá bỏ phần diện tích phụ phía sau và xây dựng trái phép phần nhà này thành nhà bê tông 4 tầng, còn nhà chính mặt tiền cũng đã tự ý sửa chữa nhiều lần mà không hỏi ý kiến anh chị em. Vì thế, các anh chị em đã khiếu nại đến chính quyền. Năm 2005, lúc đó cụ Nghị bị tai biến, ông Bằng đã nói với cụ đưa sổ bằng khoán điền thổ để làm “sổ đỏ” mới. Ngày 16-6-2005, ông Bằng đưa cụ Nghị đến UBND phường lăn tay và điểm chỉ và ký vào tờ khai cho quyền sở hữu nhà, công trình và quyền sử dụng đất. Mặc dù đất có tranh chấp nhưng UBND phường xác nhận “không có tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình”.

Sau đó, thấy việc này không bình thường, cụ Nghị đã nói với các con và cụ có làm đơn gửi chính quyền để làm rõ hành vi của ông Bằng và yêu cầu hủy sổ đỏ mang tên ông Bằng, bà Hạt. Do đó, các nguyên đơn đề nghị TAND TP Hà Nội chia thừa kế nhà, đất trên và yêu cầu tòa hủy “sổ đỏ” số AD 611052 ngày 2-11-2005 cấp cho vợ chồng ông Bằng.

Nhà số 12 Hàng Buồm được nhắc đến trong vụ án.

Nhà số 12 Hàng Buồm được nhắc đến trong vụ án.

Yêu cầu của nguyên đơn có cơ sở!

Tại tòa, ông Bằng trình bày, năm 2005, được bố mẹ làm giấy cho tặng nhà, đất này và chính quyền xác nhận. Năm 2006, khi ông nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, UBND phường Hàng Buồm đã chuyển hồ sơ lên quận và UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định cấp “sổ đỏ” cho vợ chồng ông. Lúc bố mẹ còn sống đến khi mất, các cụ không có ý kiến gì khác về việc tặng cho tài sản vợ chồng ông. Sau khi được cho nhà, đất, năm 2013, gia đình ông đã cải tạo sửa chữa khu bếp và mở cửa hàng kinh doanh. Vì vậy, ông Bằng không đồng ý khi các anh chị em yêu cầu chia nhà, đất. Ngày 25-5-2016, ông Bằng có yêu cầu phản tố với khối tài sản tại số 7 ngõ 19 đường Liễu Giai. Nhà này ông Bằng cho rằng, ông và mẹ đã đứng ra mua. Hiện, nhà, đất bà Ngân đang sử dụng. Nếu phải chia thừa kế, ông yêu cầu chia cả ngôi nhà này. Về việc này, bà Ngân cho rằng, bà đã mua lại nhà ở Liễu Giai và đây là tài sản riêng của bà.

HĐXX nhận định, nhà đất tại số 12 Hàng Buồm thuộc quyền sở hữu và sử dụng của cụ Quý, Nghị. Các cụ mất không để lại di chúc nên khối tài sản này là di sản của hai người. Ông Bằng nói, việc tặng cho nhà, đất là hợp pháp, ông và vợ đứng tên trong sổ đỏ là tài sản chung vợ chồng ông là không có căn cứ.

Do đó, tòa nhận định, đề nghị của các nguyên đơn là tự nguyện, không trái quy định của pháp luật. HĐXX của TAND TP Hà Nội tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định thời điểm mở thừa kế là khi cụ Nghị mất, năm 2010. Cụ Quý mất 2014, thời điểm mở thừa kế là năm 2014. Tòa xác định, di sản trên có tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng. Ông Bằng được trích công sức là hơn 4 tỷ đồng, còn lại hơn 16 tỷ đồng. Tổng tài sản ông Bằng được chia là hơn 7,6 tỷ đồng; bà Oanh, Ngân – mỗi người được chia 1,2 tỷ đồng; ông Tường, Hảo, Thái – mỗi người 3,6 tỷ đồng. Tòa cũng tuyên hủy sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng ông Bằng; bác yêu cầu phản tố của bị đơn.

(Còn nữa)

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-1-cha-me-mat-khong-de-lai-di-chuc-144068.html