Kỳ 1: Bao giờ mới chấm dứt?

Giao thông đường sắt vốn là loại hình giao thông thân thiện với mọi tầng lớp, mọi độ tuổi. Ở Việt Nam đường sắt đã trở thành một phần của lịch sử, trở thành một nét văn hóa không dễ gì mai một. Thế nhưng, cho đến nay, mặc kệ những cảnh báo vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, người dân vẫn vô tư kinh doanh, kiếm sống ngay trên đường tàu.

Ở Việt Nam, đã từ lâu đường ray không chỉ dành riêng cho tàu hỏa. Mà trong thời buổi “đất chật người đông”, đường ray bỗng “hóa” thành địa điểm kinh doanh, buôn bán, thậm chí là nơi check-in sang chảnh của nhiều người, bất chấp những nguy hiểm rình rập.

Chợ đường tàu thách thức tử thần

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô khi khảo sát về an toàn giao thông, tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn Hà Nội cho thấy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Kinh doanh, buôn bán, thậm chí là “họp chợ” ngay trên đường ray tàu hỏa là hiện tượng dễ gặp ở nhiều tuyến đường sắt chạy qua địa bàn Hà Nội. Hàng ngày, nguy hiểm đều có thể ập đến với cả người bán hàng lẫn người mua hàng. Thế nhưng bao năm nay, tình trạng này vẫn xảy ra...

Có mặt tại khu vực đường tàu chạy qua phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người mua, kẻ bán “hỗn loạn” ngay trên đường tàu. Thời điểm đoàn tàu chạy qua với tiếng còi thét lên inh ỏi, bánh xe tàu hỏa lăn vội vàng, kêu ầm ầm. Không ai bảo ai, những gánh hàng rong vội vàng thu dọn chiếc ghế nhựa, quắp gánh hàng hô nhau chạy tàu. Tất cả những hoạt động ấy chỉ diễn ra trong cái chớp mắt thì đoàn tàu đã ập đến. Họ đứng canh hàng, trông xe, mắt trân trân nhìn tàu chạy qua.

Chợ đường tàu tại Cổ Nhuế vẫn ngang nhiên hoạt động.

Chợ đường tàu tại Cổ Nhuế vẫn ngang nhiên hoạt động.

Khoảnh khắc ầm ĩ, nguy hiểm ấy rồi cũng qua nhanh. Cuộc sống, công việc của những con người ấy trở về bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chị Phương, một người buôn bán bên đường tàu chia sẻ: “Bán hàng ở trong khu vực này cũng biết là rất nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chẳng còn cách nào khác. Chúng tôi đã nắm rõ được giờ của tàu chạy, hơn nữa khi tàu đến thì sẽ có tiếng còi tàu từ xa nên nghe thấy chúng tôi chỉ cần nhanh chóng tránh chạy ra ngoài là an toàn”. Không chỉ chị Phương, mà rất nhiều người đều cho rằng việc kinh doanh, buôn bán ngay trên đường ray tàu hỏa là không hề nguy hiểm.

Được biết, chợ “cóc” này tồn tại ngay bên cạnh đường ray tàu hỏa đã từ rất lâu đời. Ngày nào chợ “cóc” này thu hút rất đông kẻ mua, người bán bất chấp nguy hiểm rình rập ngay bên cạnh. Chợ họp đông nhất trong khoảng khung giờ từ 5h - 12h30 và 16h - 18h30 trong ngày. Các loại rau củ quả, quần áo, thịt cá… được bày la liệt hai bên đường tàu, thậm chí có nhiều người còn mang hẳn lên trên đường ray để ngồi bán hàng. Khi tàu chạy gần đến, các tiểu thương vội vàng dọn hàng vào sát đường ray, chờ tàu đi qua lại mang ra bán tiếp.

Có thể thấy, sau mỗi phiên họp chợ, rác thải, túi ni lông chất đống ngay cạnh đường tàu. Theo ghi nhận của phóng viên, trước tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt diễn ra tại đây, các cơ quan chức năng phường Cổ Nhuế 2 cũng đã có nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ “điểm đen” về đường sắt này. Tuy nhiên, có một thực trạng là khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi, “chợ” đường tàu lại “nhộn nhịp” như thường.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Không chỉ riêng tại Cổ Nhuế mà tình trạng lấn chiếm đường ray tàu hỏa cũng xảy ra tại dọc đường Lê Duẩn, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Tiêu biểu là ngay cổng Bệnh viện Bạch Mai tình trạng kinh doanh trên đường ray tàu hỏa vẫn còn xảy ra... Tại đây, người dân vô tư sinh hoạt, để vật dụng, đồ đạc vào đường ray, để xe máy sát vào mép đường tàu rất nguy hiểm. Thậm chí, một số hộ dân ở đường Lê Duẩn còn phá thanh chắn tàu để thuận tiện cho việc để đồ đạc...Đáng nói là việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã diễn ra từ rất lâu và hiện đang có dấu hiệu vi phạm ngày càng phức tạp hơn. Có thể kể đến việc biến đường sắt thành một “hệ thống” quán cà phê, thành điểm du lịch, check-in cho giới trẻ tại một số địa điểm tại Hà Nội trong những năm gần đây.

Cảnh báo về những hiểm họa trong việc kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, một người gác tàu ngay cạnh khu vực xóm cà phê đường tàu cho biết: “Từ khi các cửa hàng cà phê mở ra thu hút đông khách nên các gia đình khác cũng mở theo để phát triển kinh tế. Vì thuộc giờ tàu chạy qua nên các hộ dân rất bình thản sinh hoạt, buôn bán tại đường ray. Du khách đến đây chủ yếu là vào chiều và tối để ngắm tàu. Từ khi các quán cà phê mở ra ở đây, mặc dù chưa có tai nạn nào xảy ra nhưng tôi cho rằng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm”.

Từ cuối năm 2018, khách du lịch nước ngoài, giới trẻ Hà Nội truyền tai nhau đến uống cà phê, nước giải khát, ngắm tàu hỏa chạy tại đường ray đoạn Trần Phú - Điện Biên Phủ. Tại đây, dù khoảng khách từ tâm đường sắt đến nhà dân chỉ chưa đầy 1m (quy định tiêu chuẩn là 5,5m) nhưng các cửa hàng của các hộ dân ở đây đã tận dụng đường ray tàu để bày ghế mây, tre phục vụ khách hàng vào buổi trưa và chiều.

Tình trạng này cũng tiếp tục diễn ra tại khu vực“xóm đường tàu” phường Khâm Thiên. Từ đầu năm 2019, lượng du khách nước ngoài tò mò, muốn tìm hiểu cuộc sống của người dân phố đường tàu tăng đột biến khiến những hộ gia đình sinh sống tại khu vực đây bắt đầu sửa chữa, cải tạo nhà cửa vốn trước đây sập xệ trở thành các quán cà phê, quán ăn phục vụ du khách.Với số vốn đầu tư không quá lớn, những quán café thách thức tử thần bắt đầu mọc ra như nấm trên xóm đường tàu. Một người dân sống tại xóm đường tàu cho biết: “Mấy tháng trở về đây khu vực xóm đường tàu này trở nên nhộn nhịp vì khách nước ngoài thường xuyên lui tới. Ngày bình thường có khoảng từ 50 đến 100 lượt khách nước ngoài đến khu phố chụp ảnh, còn những ngày cuối tuần thì cả khách trong nước và nước ngoài cũng kéo tới, nhiều khi các quán cà phê còn không đủ chỗ cho khách ngồi”.

Theo ghi nhận của PV, trên một đoạn đường ray khoảng 500m có đến hàng chục quán cà phê với diện tích nhỏ hẹp. Thậm chí, rất nhiều quán cà phê vỏn vẹn chỉ khoảng 4 - 5m2, đủ chỗ để bày hàng bán. Còn lại, bàn ghế cho khách ngồi bày tràn lan ngay sát đường ray tàu hỏa mà không hề có biển báo, vách ngăn nguy hiểm nào. Đáng nói, một số hộ gia đình sinh sống bên cạnh đường tàu còn chăn nuôi gia cầm, để bàn ghế, kinh doanh đồng nát ngay trên đường ray tàu hỏa mà không có bất cứ sự đảm bảo an toàn nào. Không biết từ bao giờ, họ sử dụng khoảng đất trống được gọi là hành lang an toàn; thậm chí sử dụng cả mặt đường ray tàu hỏa để làm nơi phân loại phế liệu.

Nói về việc kinh doanh, buôn bán hoặc sinh hoạt ngay trên đường tàu, rất nhiều người dân nơi đây vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Phần lớn người dân đều cho rằng việc họ nắm rõ giờ tàu chạy nên việc nguy hiểm là không có. Những người lao động đang cố gắng mưu sinh để duy trì cuộc sống, thế nhưng việc bất chấp nguy hiểm để kiếm sống chẳng khác nào họ đang đưa bản thân ra đùa giỡn, thách thức tử thần. Hơn thế đó còn là hành vi vi phạm luật giao thông, gây nguy hại đến an toàn đường sắt.

Cảnh báo về những hiểm họa trong việc kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, một người gác tàu ngay cạnh khu vực xóm cà phê đường tàu cho biết: “Từ khi các cửa hàng cà phê mở ra thu hút đông khách nên các gia đình khác cũng mở theo để phát triển kinh tế. Vì thuộc giờ tàu chạy qua nên các hộ dân rất bình thản sinh hoạt, buôn bán tại đường ray. Du khách đến đây chủ yếu là vào chiều và tối để ngắm tàu. Từ khi các quán cà phê mở ra ở đây, mặc dù chưa có tai nạn nào xảy ra nhưng tôi cho rằng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm”.

K.Tiến – L. Hằng

Kỳ cuối: Cần có lộ trình xử lý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-bao-gio-moi-cham-dut-90142.html