Kushner tiếp tục nỗ lực ghi dấu ấn chính sách Trung Đông dưới thời Trump

Trong chuyến thăm Trung Đông tuần này, ông Kushner dự kiến sẽ thuyết phục lãnh đạo Saudi Arabia và Qatar hòa giải, tiến tới đạt thỏa thuận đối với nhiều vấn đề quan trọng.

Ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump trong tuần này sẽ có chuyến thăm tới Saudi Arabia và Qatar và chuyến thăm này được đánh giá có thể là chuyến thăm Trung Đông cuối cùng của ông Kushner trước khi rời Nhà Trắng.

Ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC.

Ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NBC.

Các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm Trung Đông của ông Kushner lần này có thể tập trung giải quyết căng thẳng giữa Qatar và nhóm 4 nước Arab bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, những nước từng tẩy chay và đóng cửa các tuyến hàng không và đường biển với Qatar từ tháng 6/2017 với cáo buộc nước này đã ủng hộ các phần tử cực đoan và có mối quan hệ mật thiết với Iran.

Việc hàn gắn rạn nứt giữa Saudi Arabia và Qatar có thể sẽ giúp mang lại ổn định ở khu vực vùng Vịnh và đây có thể được coi là một thành tựu ngoại giao mới của chính quyền Tổng thống Trump và cá nhân ông Kushner trước thời điểm 20/1/2021.

Ngoài ra, chuyến đi cũng nhằm thúc đẩy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các quốc gia Arab. Mỹ tới nay đã thành công trong việc làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Sudan. Trong khi đó, mặc dù chưa đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, Saudi Arabia đã lần đầu tiên đồng ý cho các hãng hàng không Israel sử dụng không phận nước này, do đó, chuyến thăm của ông Kusher có thể sẽ nhằm củng cố thỏa thuận này.

Các mối lo ngại chung về Iran đã dần khiến Israel và các quốc gia vùng Vịnh xích lại gần nhau với sự khích lệ của Mỹ và mới đây đã có thông tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có các cuộc đối thoại bí mật ở Saudi Arabia và điều này đã làm dấy lên khả năng Israel đang dần tiến tới bình thường hóa quan hệ với quốc gia hùng mạnh nhất ở khu vực vùng Vịnh. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ gặp khó trong nỗ lực hòa giải của mình khi Saudi Arabia dường như đang lưỡng lự trong việc cam kết tiếp tục đàm phán với Israel trước viễn cảnh chuyển giao quyền lực sắp tới ở Mỹ.

Nỗ lực của chính quyền Trump để tạo điểm nhấn nhiệm kỳ

Các quan chức Mỹ liên tiếp có các chuyến thăm tới Trung Đông trong thời gian qua và động thái này được xem là nỗ lực cuối cùng trong việc bảo vệ thành quả ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump suốt 4 năm qua tại khu vực "nóng" bậc nhất thế giới - nơi mà nước Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Động thái trên cũng được đánh giá như một "nước cờ cuối" thể hiện quyết tâm tạo ra những điểm nhấn đáng chú ý trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với khu vực này.

Chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump thực tế đã có nhiều thay đổi, thậm chí là đảo ngược so với các chính quyền tiền nhiệm. Bất chấp một số tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ cũng như những vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế; Mỹ đã để lại cho khu vực di sản lớn nhất trong nhiệm kỳ 4 năm qua chính là mối quan hệ giữa Israel và thế giới Arab đang được cải thiện và cuộc chiến Afghanistan đang dần tới hồi kết.

Các nỗ lực của chính quyền ông Trump trong chính sách đối ngoại nói chung và tại Trung Đông nói riêng nhằm ngăn chặn khả năng chính phủ kế nhiệm đảo ngược chính sách mà họ xây dựng suốt thời gian nắm quyền, đã được tiến hành trong nhiều tháng qua, ngay cả trước khi ông Joe Biden nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden là đối thủ nặng ký có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11, chính quyền ông Trump đã đẩy nhanh hành động và cụ thể là các hoạt động ngoại giao con thoi tại khu vực Trung Đông.

Việc tập trung cho khu vực Trung Đông trong thời gian qua thể hiện nỗ lực thực hiện cam kết tranh cử của ông Trump đó là rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc chiến không hồi kết ở nước ngoài như Iraq và Afghanistan, đồng thời giúp Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh với Israel và các đối tác Arab khác qua đó giúp Mỹ củng cố tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và việc khiến Israel xích lại gần thế giới Arab sẽ là một di sản lớn trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump.

Thách thức đối với chính quyền Biden

Việc Tổng thống Trump nỗ lực củng cố di sản đối ngoại của Mỹ, nhất là tại khu vực Trung Đông, chắc chắn sẽ khiến chính quyền sắp tới của ông Biden gặp khó trong việc tìm cách đảo ngược các chính sách của chính quyền tiền nhiệm, giống như ông Donald Trump hay các thời Tổng thống Mỹ từng làm với các chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Việc hình thành chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ phụ trách đối ngoại của chính quyền ông Biden, cụ thể, ông Biden đã chỉ định một số quan chức từng làm việc dưới thời Tổng thống Obama vào các vị trí này bao gồm Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng và Jake Sullivan cho vị trí Cố vấn an ninh quốc gia.

Đây là đội ngũ khá dầy dặn kinh nghiệm đối ngoại, tuy nhiên, điều này cho thấy chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ phần nào quay trở lại thời kỳ Tổng thống Obama, mặc dù sẽ có những khác biệt, nhất là đối với khu vực Trung Đông khi nơi đây đã có rất nhiều thay đổi so với 4 năm trước.

Việc chính quyền ông Biden tìm cách đảo ngược một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, với những gì mà chính quyền ông Trump đang thực hiện tại đây, chính quyền mới chắc chắn sẽ bị đặt vào sự đã rồi và khó có thể nhanh chóng thay đổi được tình thế tại đây.

Ví dụ, dù ông Biden từng nhiều lần tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ quay trở lại quan điểm từ lâu của Washington coi Bờ Tây và Cao nguyên Golan là lãnh thổ bị chiếm đóng, song sẽ rất khó khăn để chính quyền sắp tới của Mỹ "cân bằng, dung hòa" được chính sách Trung Đông mà không ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Israel, khi chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng thể hiện "sự thiên vị" đối với Israel. Mặc khác, bản thân đảng Dân chủ vốn có truyền thống ủng hộ Israel, nên khả năng ông Biden có thể đảo ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump về Trung Đông và xây dựng nó trên một nền tảng mới, cũng khá mờ mịt.

Chính vì vậy, các hoạt động liên tiếp của chính quyền ông Trump tại Trung Đông không chỉ là các chuyến thăm xã giao thông thường, mà là nước đi có tính toán nhằm tiếp tục khẳng định các cam kết của chính quyền Tổng thống Trump trong việc theo đuổi các chính sách Trung Đông, và nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ chính sách của Mỹ đối với khu vực quan trọng này thời gian tới./.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kushner-tiep-tuc-no-luc-ghi-dau-an-chinh-sach-trung-dong-duoi-thoi-trump-821407.vov