Kurdistan Iraq suy sụp sau 'cuộc chiến vàng đen' Kirkuk

Những hệ lụy xấu từ cuộc trưng cầu dân ý ở Kurdistan hôm 25/9 đã khiến Khu tự trị người Kurd Iraq gặp phải vô vàn khó khăn về kinh tế.

Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của người Kurd ở Kurdistan Iraq vào cuối tháng 9 đã dẫn tới sự leo thang của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực tự trị người Kurd.

Sau khi ngừng trả lương cho các công chức trong Kurdistan, chính quyền trung ương Baghdad đã tung quân chiếm giữ các mỏ dầu tại Kirkuk- tỉnh nhiều dầu mỏ nhất của Iraq, nơi cung cấp cho Erbil một nửa lợi nhuận từ các hoạt động xuất khẩu "vàng đen".

Chính quyền người Kurd cũng phải đối phó với hàng ngàn người tị nạn rời khỏi nhà trong các vùng đất tranh chấp (các địa điểm không thuộc Kurdistan, mới bị quân đội Iraq đánh chiếm lại) chạy về khu tự trị, sau khi quân đội Iraq và các Đơn vị Huy động Nhân dân (PMU) đến đó.

Việc để mất Kirkuk đã khiến chính quyền Khu tự trị người Kurd Iraq (Kurdistan Regional Government - KRG) gặp phải vô vàn khó khăn và có thể lâm vào khủng hoảng trong thời gian tới. Vậy Kirkuk có vai trò quan trọng như thế nào với Kurdistan?

KRG chiếm “rốn dầu” Kirkuk: Cơ hội lớn do IS trao cho

Trong hơn 20 năm qua, 90% kho bạc của người Kurd ở Iraq đã được lấp đầy bởi xuất khẩu dầu mỏ. Cho đến khi Baghdad tiếp quản mỏ dầu tại Kirkuk vào ngày 16 tháng 10 năm nay, Chính phủ khu vực Kurdistan đánh giá rằng, đã có 45 tỷ thùng dầu đã được xuất khẩu.

Bên cạnh "vàng đen", trong khu vực cũng có những mỏ khí tự nhiên lớn nhất Iraq, mặc dù chúng không được phát triển một cách quy mô như dầu mỏ.

Theo Govand Sherwani, một chuyên gia sản xuất năng lượng của Đại học Salahaddin ở Erbil, vùng lãnh thổ của khu tự trị này còn bao gồm các mỏ tài nguyên thiên nhiên khác, mặc dù cho đến gần đây phát triển chúng không phải là ưu tiên của chính quyền khu vực.

Cho đến năm 2014, Erbil và chính phủ liên bang đã có một thỏa thuận, theo đó Baghdad sẽ bao tiêu toàn bộ lượng dầu mà Iraq Kurdistan khai thác được (khoảng 300 nghìn thùng mỗi ngày). Để trao đổi, Kurdistan đã nhận được 17% tổng ngân sách của Iraq, tương đương với 1 tỷ USD một tháng.

Tuy nhiên, chi phí dầu đột ngột giảm trong năm 2014 theo đà lao dốc của giá dầu, số tiền gửi từ Baghdad về bị cắt giảm một nửa. Điều này dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng ở khu vực tự trị, bao gồm cắt giảm lương cho công chức và lực lượng vũ trang (Kurdish Peshmerga).

Chính quyền Iraq đã giành lại quyền kiểm soát rốn dầu Kirkuk

Chính sự bành trướng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tới địa bàn Kirkuk vào năm 2014 đã giúp Iraq Kurdistan vá các lỗ hổng trong ngân sách.

Khi khủng bố tấn công ồ ạt, Lực lượng Vũ trang Iraq đã phải rút lui khỏi các vị trí của họ tại Kirkuk. Chỉ có các đơn vị vũ trang của Peshmerga đã phản ứng nhanh chóng và có thể đánh lui được bọn khủng bố, để thiết lập quyền kiểm soát một tỉnh giàu dầu mỏ, vốn là một lãnh thổ tranh cãi lịch sử giữa người Kurd và chính phủ Iraq.

Bey Hasan và Avan, hai mỏ dầu lớn nhất của Kirkuk sau khi được Kurdistan Iraq kiểm soát đã có sản lượng khai thác lên tới 250 nghìn thùng mỗi ngày. Hơn 50 ngàn thùng khác được sản xuất và xuất khẩu trong thỏa thuận với chính phủ liên bang tại các mỏ dầu dưới quyền kiểm soát của Công ty dầu mỏ Bắc Iraq (NOC). Tổng cộng, sản lượng dầu mỏ ở các vùng lãnh thổ do KRG kiểm soát đạt 600 nghìn thùng mỗi ngày.

Kể từ đó, Kurdistan Iraq bắt đầu xuất khẩu không chỉ các sản phẩm dầu mỏ của riêng họ (trong khu tự trị người Kurd), mà bán các khối lượng dầu khổng lồ của Kirkuk sang khu vực Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ mà không có sự ủy nhiệm của chính quyền Iraq và tất nhiên là Baghdad đã phản đối rất quyết liệt đối với hành động “lạm quyền” này.

Do đó, giới phân tích nhận định không hề sai là: Cuộc chiến giành giật Kirkuk về bản chất là “cuộc chiến vàng đen” giữa chính quyền trung ương Baghdad và chính quyền khu tự trị người Kurd.

Mất Kirkuk vào tay chính quyền Baghdad

Cuộc trưng cầu độc lập của người Iraq ở Kurdistan hôm 25/9 đã thay đổi mọi thứ. Quân đội liên bang đã tiếp nhận tất cả các mỏ dầu trong tỉnh và vào thành phố Kirkuk mà không có bất kỳ tổn thất nào, nhờ những xung đột nội bộ trong chính quyền Kurdistan Iraq.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kurdistan-iraq-suy-sup-sau-cuoc-chien-vang-den-kirkuk-3347269/