KTS Ngô Viết Nam Sơn: Làm thương hiệu là tạo sự lựa chọn, không phải so sánh cái nào hơn

Vị kiến trúc sư cho rằng, quan trọng của việc làm thương hiệu là cho người ta thấy nhiều sự lựa chọn, chứ không phải là thương hiệu nào hơn. Ông lấy ví dụ, mọi người đều công nhận Chanel 5 là sản phẩm tốt, rất thơm nhưng nếu tất cả đều dùng thì có hơi 'ngạt mũi'.

Nâng tầm thương hiệu Việt gắn liền với giữ gìn giá trị lịch sử

Chia sẻ tại sự kiện NDHTalk "Giấc mơ thương hiệu Việt", kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch công ty Ngô Viết cho rằng tầm ảnh hưởng của thương hiệu không chỉ đo bằng số lượng mà còn bằng chất lượng.

Ông Sơn lấy ví dụ, thành phố Hội An hiện nay không chỉ phục vụ cho người Việt Nam, mà đang trở thành thương hiệu quốc tế.

"Tôi cảm thấy rất may mắn khi sau chiến tranh làn sóng phát triển đô thị không lan đến Hội An. Dù quy mô Hội An nhỏ nhưng lại được cả thế giới biết đến, rất nhiều những người nổi tiếng đến Việt Nam đều mong muốn ghé qua Hội An. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng, thương hiệu của Hội An trên thế giới", ông Sơn đánh giá.

Nói về số lượng, theo vị kiến trúc sư nổi tiếng, chúng ta có nhiều triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi quốc gia nước ngoài đều có cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Nếu chúng ta tạo được ảnh hưởng từ chính những cộng đồng này thì sẽ lan truyền được sự ảnh hưởng của Việt Nam.

"Khi mà người ta muốn ăn một bát phở, được tham gia các hoạt động của người Việt như trung thu, tết, đó cũng chính là thương hiệu", ông Sơn nói thêm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch công ty Ngô Viết

Trong ngành xây dựng, ông Sơn cho rằng để tạo dựng được thương hiệu cần trăm năm, điều chúng ta cần là luôn phải giữ gìn nó.

"Tôi muốn Việt Nam có nhiều thành phố mang đậm giá trị lịch sử như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, lưu giữ được những giá trị trong đó. Việc phát triển đô thị là tất yếu cho tương lai nhưng giá như chúng ta có thể vẫn lưu giữ được giá trị lịch sử trong đó và chọn phát triển đô thị mới tại các vùng đất mới thì khi làm thương hiệu chúng ta có thể nối lịch sử với hiện tại và tương lai, đó là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, rất buồn là chúng ta đang đi theo hướng dịch chuyển và gỡ bỏ cái cũ để tìm đến xây dựng cái mới", ông Sơn bộc bạch.

Theo ông Sơn, một doanh nghiệp như Bibica có rất nhiều cơ hội phát triển thương hiệu. Bibica có thể là doanh nghiệp phục vụ cho người Việt Nam tạo dựng ảnh hưởng từ người Việt Nam, rồi đến cộng đồng người Việt Nam trên thế giới và tiến tới là cả thế giới.

"Chúng ta sẽ nâng tầm ảnh hưởng, thương hiệu khi gìn giữ được giá trị lịch sử, cũng như trong ngành của chúng tôi. Nếu chúng ta làm được thì thương hiệu là cái tự nhiên sẽ đến khi mà tầm ảnh hưởng của chính chúng ta được mở rộng", ông Sơn nói.

Vị KTS nhấn mạnh, thương hiệu Việt là cái chúng ta hướng đến chứ không phải là mục tiêu. Khi chúng ta làm được một sản phẩm cho người Việt và tiến tới tạo được ảnh hưởng tới cả thế giới thì đó mới chính là giá trị thương hiệu Việt.

Làm thương hiệu là tạo sự lựa chọn, không phải so sánh cái nào hơn

Theo ông Sơn, khi nói đến thương hiệu, chúng ta thường mắc một cái bẫy là so sánh xem thương hiệu nào hơn thương hiệu nào.

"Tôi không nghĩ vậy. Như khi Starbucks vào Việt Nam, người ta thường đặt sự so sánh với Trung Nguyên để xem Trung Nguyên hơn Starbucks ở mặt này, mặt kia. Trong lĩnh vực đô thị, nhiều người cũng bị rơi vào cái bẫy đó", KTS nêu quan điểm.

Chủ tịch công ty Ngô Viết cho biết, ông từng qua Mỹ tham gia nhiều dự án, như dự án Phú Mỹ Hưng - Nam Sài Gòn đã được công nhận là đô thị kiểu mẫu. Khi xem xét việc công nhận có thể, các ban ngành căn cứ vào những tiện ích được xây dựng, như đường xá, cơ sở vật chất, rồi việc ít ngập lụt hơn các nơi khác trong TP. Hồ Chí Minh.

Ông Sơn cho rằng "Làm thương hiệu là tạo sự lựa chọn, không phải so sánh cái nào hơn"

Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh và hy vọng là việc xác định kiểu mẫu nằm ở “cách làm” chứ không phải chỉ là những gì chúng ta thấy.

"Chúng ta xây dựng cho người giàu khác, xây cho người nghèo khác, xây dựng trên bình nguyên khác và đồng bằng khác, quan trọng nhất xây dựng ở nơi có giá trị lịch sử khác", ông Sơn nói.

Ví dụ như việc xây dựng khu đô thị cho người giàu thì sẽ được đánh giá bởi khu trung tâm có siêu thị, có trung tâm thương mại, dịch vụ… Nhưng nếu xây dựng cho người nghèo thì cái đánh giá lại là những gian hàng giá rẻ, khu tập trung.

Vị kiến trúc sư cho rằng, quan trọng của việc làm thương hiệu là cho người ta thấy nhiều sự lựa chọn, chứ không phải là thương hiệu nào hơn. Ông Sơn lấy ví dụ, mọi người đều công nhận Chanel 5 là sản phẩm tốt, rất thơm nhưng nếu tất cả đều dùng sản phẩm này thì có hơi "ngạt mũi".

Chủ tịch công ty Ngô Viết cũng chia sẻ, ông từng sang Nhật bản và chứng kiến một cửa hàng có hàng dài người xếp hàng 2 tiếng chỉ để mua đồ ăn sáng. Hay như một cửa hàng ăn ở nước ngoài, chỉ bán đúng một món ăn nhưng lại thu hút được rất nhiều khách hàng. Và để có thể dùng bữa ở đây cần đặt trước cả tuần.

"Cửa hàng đó chính là ví dụ về việc tạo nên một sự lựa chọn riêng trong ngành và khi người ta muốn chọn lựa chọn đó thì người ta sẽ tìm đến và nghĩ đến mình", ông Sơn nhấn mạnh.

Tiến sĩ, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn hiện là một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch với hơn 30 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài, ông hiện đang làm Chủ tịch công ty Ngô Viết. Ông là con của cố KTS tài danh Ngô Viết Thụ, người thiết kế những công trình nổi tiếng như Dinh Thống Nhất (TP.HCM) và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt…

KTS Ngô Viết Nam Sơn tham gia các dự án đã và đang được thi công như Phố Đông Thượng Hải (được giải thưởng danh dự của Viện kiến trúc Hoa Kỳ), Đô thị mới Filinvest và Nhà ga sân bay quốc tế Aquino tại Philippines... Ông cũng từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, và một số Dự án lớn khác.

Ông đã có trong tay bằng Tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quy hoạch & Kiến trúc ở Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley, Mỹ).

Thanh Tâm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kts-ngo-viet-nam-son-lam-thuong-hieu-la-tao-su-lua-chon-khong-phai-so-sanh-cai-nao-hon-2017092209327866p5c128.news