KTS Lê Trọng Vũ: Đà Nẵng đang 'lỗi' tầm nhìn

Lê Trọng Vũ là một kiến trúc sư trẻ sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Thi thoảng 'gặp' anh ở những dự án lớn trên khắp cả nước và ở những diễn đàn chuyên môn, luôn giật mình bởi phát hiện mới mẻ và mạnh dạn của Vũ. Gần nhất là những góp ý của anh theo kiểu nói thẳng nói thật về Đà Nẵng, thành phố quê hương trên trang cá nhân của mình.

KTS Lê Trọng Vũ sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh năm 2004. Là người đầu tiên mở quán cà phê sách ở Đà Nẵng (năm 2005), phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên. Từ năm 2006 đến nay, anh hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc bằng công ty riêng của mình.

Bắt đầu bằng một nhận xét khá “sốc” với nhiều người xa gần lỡ yêu thương Đà Nẵng rằng: Là thành phố phát triển sau, lẽ ra lãnh đạo Đà Năng phải biết lắng nghe cảnh báo từ rất sớm của nhiều nhà chuyên môn hay rút được kinh nghiệm từ những thành phố đi trước mình. Nhưng giờ, Đà Nẵng lại mắc phải những lỗi y hệt như những đô thị lớn của Việt Nam là quy hoạch tồi và quản lý kém.

Vũ bảo không phải bây giờ, khi Đà Nẵng đang đau đầu đối phó với nạn kẹt xe hay thiếu trầm trọng chỗ đỗ ôtô người ta mới bắt đầu nhận ra những hạn chế trong công tác quy hoạch mà thật ra, các nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo điều này từ rất lâu rồi.

Mà sai lầm lớn nhất trong công tác quy hoạch của Đà Nẵng, theo tôi là tư duy chia lô bán nền. Đà Nẵng không còn quỹ đất dự trữ để làm các không gian công cộng phục vụ cộng đồng, nhất là các dải đất tuyệt đẹp ven sông Hàn hay tuyến đường Nguyễn Tất Thành dài 6km trước mặt biển cũng chỉ toàn nhà ống để ở chứ không thể khai thác được gì cả.

Tôi nhớ có lần anh còn nhận xét là Đà Nẵng còn thua các địa phương khác cả các tiêu chí căn bản để đánh giá chất lượng sống của một đô thị, đặc biệt là 2 tiêu chí có thể cảm nhận được bằng mắt thường, là mật độ cây xanh và các thiết chế văn hóa. Đầu tiên, anh có thể nói rõ hơn về tiêu chí cây xanh?

- Cây xanh giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, bảo vệ sức khỏe con người và là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong qui hoạch, nó không chỉ có vai trò như lá phổi mà còn là tâm hồn, gắn bó với cả đời sống của con người trong đô thị. Vai trò của hệ thống cây xanh đô thị quan trọng đến mức chỉ cần nhìn mật độ cây xanh công cộng của một thành phố là đã có thể đoán được phần nào mức độ văn minh của thành phố ấy.

Ví dụ ngay giữa khu vực Manhattan đắt đỏ nhất New York mà người ta vẫn bảo tồn, chăm sóc cẩn thận Công viên Trung tâm rộng 340 ha có từ hơn 150 năm trước, thu hút trên 40 triệu lượt du khách/ năm đến tham quan, giải trí. Hay như ở đảo quốc Singapore, chỗ nào cũng tràn ngập màu xanh từ “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”... nên Singapore luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng về mật độ phủ xanh và thường được ví là thành phố trong rừng.

Trong khi đó, Đà Nẵng muốn “bêtông hóa” cả “lá phổi xanh” quý giá của mình là Sơn Trà và đòi xẻ cả công viên duy nhất giữa lòng thành phố là công viên 29.3 ra để bán. Ứng xử với thiên nhiên như vậy nên mật độ cây xanh công cộng của Đà Nẵng chỉ vào khoảng 1m2/ người, thuộc hàng thấp nhất cả nước và bằng 1/20 tiêu chuẩn của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Anh cũng nhận xét là Đà Nẵng đang mắc “lỗi phần mềm” – các giá trị văn hóa. Điều này có vẻ không chính xác và công bằng lắm bởi thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng rất nhiều thiết chế văn hóa cũng như các chính sách để kích cầu sự phát triển của những thiết chế này?

- Đúng Đà Nẵng vẫn có các thiết chế văn hóa như anh nói nhưng có điều không đủ đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng so với nhu cầu của một thành phố là đầu tàu về kinh tế, chính trị và xã hội của cả miền Trung.

Mặc dù Đà Nẵng đã chọn năm 2015 và năm 2016 làm năm “Văn hóa, Văn minh đô thị” nhưng vì không có chiến lược phát triển tổng thể và kinh phí dành cho vấn đề này còn chiếm tỉ trọng thấp so với các lĩnh vực khác.

Cộng với cách làm nặng phần hình thức nên hầu hết các hệ thống bảo tàng, rạp hát, nhà văn hóa trên địa bàn đều không đủ hấp dẫn, thu hút được nhiều người đến và không thể tự nuôi sống mình mà phải dựa vào “bầu sữa” ngân sách của thành phố.

Nếu người dân ở TPHCM hay Hà Nội xem việc được dự các buổi ra mắt sách mới hay thưởng thức một buổi triển lãm tranh cá nhân là đơn giản thì đối với người Đà Nẵng, có vẻ như việc này là thứ gì đấy rất khó khăn và xa xỉ.

Mật độ cây xanh công cộng của Đà Nẵng chỉ vào khoảng 1m2/người, thuộc hàng thấp nhất cả nước và bằng 1/20 tiêu chuẩn của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Thế còn vấn đề bảo tồn di sản văn hóa thì sao?

- Các di tích lịch sử luôn là phần hồn, phần cốt lõi của một đô thị vì nếu không có nó đô thị chỉ còn là những khối bê tông vô hồn. Không còn các địa danh chợ Hàn, chợ Cồn, không còn các đình làng Hải Châu, Nại Hiên hay không lưu giữ được thành Điện Hải và các tòa nhà cổ hàng trăm năm, Đà Nẵng sẽ không khác các thành phố khác là bao.

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, Đà Nẵng cũng vậy nhưng trong công cuộc phát triển nhanh chóng ấy, thành phố đã không có sự quan tâm đúng mức dẫn đến sự xuống cấp, biến dạng nhiều công trình mang giá trị tâm linh, thậm chí một sô công trình cổ có giá trị còn bị phá bỏ để xây mới. Đây là vấn đề mà nếu không làm tốt Đà Nẵng sẽ dễ trở thành “đô thị không ký ức”.

Với kinh nghiệm của anh, một thành phố đáng sống, hay chính xác hơn là một thành phố có chất lượng sống tốt thì phải có những tiêu chí gì? Và đâu là những ví dụ?

- Trên thế giới, hàng năm đều có nhiều tổ chức công bố bảng xếp hạng các khu vực có chất lượng sống tốt nhất, người ta dựa vào nhiều yếu tố để phân tích, đánh giá, song, chung quy lại họ thường phân loại theo những nhóm tiêu chí như: Môi trường chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, giải trí, nhà ở, hạ tầng giao thông hay vấn đề an ninh...

Và tháng 3 vừa rồi, hãng tư vấn độc lập Mercer đã công bố bảng xếp hạng 231 thành phố có chất lượng sống tốt nhất qua khảo sát 450 thành phố trên thế giới. Theo đó, thủ đô Vienna của nước Áo vinh dự xếp thứ nhất năm thứ 9 liên tiếp. Còn TP. HCM và Hà Nội xếp lần lượt thứ 152 và 156. Xếp cuối cùng là thành phố Baghdad của Iraq.

Vậy giải pháp cho những vấn đề mà anh đặt ra với Đà Nẵng là gì? Cần làm gì với ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để Đà Nẵng trở thành một thành phố có chất lượng sống tốt như kỳ vọng?

- Chất lượng sống của một đô thị, như tôi nói ở trên là bao gồm rất nhiều nhóm tiêu chí chứ không phải chỉ là vài con đường khang trang, ẩm thực phong phú hay con người thân thiện mà người Đà Nẵng xưa nay thường tự nhận mình như vậy. Sau khi trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã lựa chọn mô hình đô thị thấp tầng để phát triển dẫn đến việc phân lô bán nền tràn lan. Sai lầm này dẫn đến sau 20 năm đô thị hóa, Đà Nẵng gần như cạn kiệt quỹ đất để phát triển và đối mặt nguy cơ tụt hậu rất gần.

Đừng nói đâu xa, ngay bây giờ, khi thành phố muốn tìm khu vực nào đủ rộng lớn, thuận lợi để làm khu trung tâm mới hay xây dựng các mảng xanh công cộng phục vụ cộng đồng cũng đã rất khó khăn. Cho nên, việc đầu tiên mà Đà Nẵng phải làm là nhận ra điểm yếu của mình thì mới mong có giải pháp khắc phục được.

Với tư cách một kiến trúc sư, tôi cho rằng thành phố cần làm một cuộc “đại phẫu” về quy hoạch và cần biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia và nhân dân. Muốn làm được việc này, trước hết Đà Nẵng cần rà soát, ngưng ngay các dự án phân lô bán nền và ngưng cấp phép các nhà cao tầng ở khu trung tâm.

Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vấn đề môi trường, phát động các ngày lễ trồng cây, khuyến khích người dân phủ xanh trên tường, mái nhà của mình. Bắt buộc các dự án mới phải đảm bảo đủ chỗ đỗ xe ôtô trong công trình mới cấp phép xây dựng.

Đặc biệt cần tăng kinh phí cho các lĩnh vực mà Đà Nẵng còn rất yếu là văn hóa để đầu tư có chọn lọc hơn cho các thiết chế văn hóa. Đầu tư chất lượng hơn vào thư viện, nhanh chóng chọn lựa địa điểm để triển khai các không gian sách nhằm nâng cao đời sống tinh thần và văn hóa đọc cho người dân.

Là thành phố phát triển sau, không có cách nào hiệu quả hơn là học tập từ các thành phố tiên tiến trên thế giới, nhất là Singapore với quy mô diện tích, khí hậu tương đồng và là kiểu mẫu trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị.

Xin cảm ơn anh!

hoàng văn minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/kts-le-trong-vu-da-nang-dang-loi-tam-nhin-604953.ldo