Kosovo-'cái dằm nhọn sắc' hành hạ cơ thể phương Tây

Khi cho NATO ném bom Nam Tư, Washington và đồng minh không thể nghĩ sẽ có lúc phải mệt mỏi với sản phẩm do chính mình tạo ra như thế này...

Bài Nga cực đoan, Pristina quyết làm hỏng kịch bản của Mỹ-phương Tây

Có thể thấy, cho đến nay Kosovo rất cần sự ủng hộ của Nga để hy vọng có được quy chế thành viên của LHQ, vậy nhưng chính quyền Pristina lại không cho thấy họ muốn cải thiện quan hệ với Moscow, thậm chí ngược lại.

Điều đó thể hiện qua việc Pristina, hồi giữa tháng 11, đã cảnh báo Hội đồng châu Âu là từ chối Đặc phái viên của định chế này là Thượng nghị sĩ Nga Alexei Kondratiev làm trung gian, nhằm đẩy nhanh tiến độ cuộc đàm phán giữa Belgrade và Pristina.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Kosovo Behgjet Pacolli, lý do Pristina từ chối hợp tác với Đặc phái viên Alexei Kondratiev bởi ông Kondratiev là đồng minh chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Balkan Insight dẫn thuật.

Thưỡng nghị sĩ Nga Alexei Kondratiev

Thưỡng nghị sĩ Nga Alexei Kondratiev

"Tôi bày tỏ mối quan tâm sâu sắc với Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu về ứng cử viên Alexei Kondratiev cho vai trò là Đặc phái viên về vấn đề Kosovo", ông Behgjet Pacolli viết trên Twitter cá nhân.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Kosovo khẳng định: "Ông ta là một mối đe dọa với an ninh quốc gia của Kosovo, vì vậy chúng tôi sẽ không hợp tác với ông ta. Hội đồng Châu Âu nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định".

Đây là động thái khá đặc biệt của Pristina. Thứ nhất, nó cho thấy Pristina coi thường Hội đồng Châu Âu- nơi mà dù Kosovo mới chỉ là quan sát viên, song lại rất quan trọng với tiến trình bước vào sân chơi toàn cầu của Kosovo, sau khi Nga trở lại định chế này.

Thứ hai, nó cho thấy dường như Pristina đang ấp ủ một kế hoạch khác, trái với kịch bản của Washington và các đồng minh, mà vấn đề tranh thủ sự ủng hộ của Moscow là tối quan trọng. Điều mà mới đây Pristina còn rất mặn mà.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 12/11/2018, Tổng thống Kosovo Hashim Thaci từng vui mừng cho biết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được giữa Kosovo và Serbia cũng sẽ được Nga ủng hộ, vì đó là khẳng định của Tổng thống Nga Putin.

Đây là kết quả sau cuộc gặp của ông Thaci với ông Putin tại Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I tổ chức ở Pháp, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Kosovo với một nhà lãnh đạo Nga - quốc gia phản đối Kosovo độc lập.

Theo người đứng đầu chính quyền Pristina, trong những sự tiếp tiếp xúc với lãnh đạo các cường quốc thì cuộc tiếp xúc với Tổng thống Putin mang ý nghĩa nhiều nhất, làm cho ông vui mừng nhất.

Không vui sao được khi Nga là 1 trong 2 thành viên của "Bộ Ngũ quyền lực" vẫn từ chối công nhận nền độc lập của Kosovo và phản đối sự ra đời trái nguyên lý của nhà nước Cộng hòa Kosovo.

Cuộc gặp của bộ đôi Putin - Thaci

Không ý nghĩa sao được khi sau 19 năm người Nga dường như đã xóa nhòa "Ký ức buồn Kosovo" và có vẻ như đã sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng của chính quyền Pristina sau 10 năm ròng rã chờ đợi.

Vì vậy mà giới truyền thông phương Tây và Tổng thống Thaci cho rằng nhà lãnh đạo Kosovo là người hạnh phúc nhất trong số lãnh đạo các quốc gia Balkan trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I.

Cho dù niềm vui của Tổng thống Thaci là không trọn vẹn, vì Tổng thống Putin ủng hộ Thỏa thuận hòa bình nhưng không công nhận nền độc lập của Kosovo, không công nhận nhà nước Kosovo, nhưng có sự ủng hộ là của Moscow đã là tín hiệu lạc quan.

Và Hội đồng Châu Âu bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Alexei Kondratiev cho vai trò Đặc phái viên về vấn đề Kosovo dường như cũng dựa trên tính toán xuất phát từ tín hiệu lạc quan sau cuộc gặp ngắn ngủi của bộ đôi Putin-Thaci.

Vậy mà tại sao Pristina lại từ chối hợp tác với Đặc phái viên của Hội đồng Châu Âu? Theo giới phân tích, có lẽ Pristina đang hướng tới thực hiện kế hoạch B là hòa nhập với Albania trong một thực thể thống nhất, kết thúc luôn kịch bản của phương Tây.

Chưa biết diễn tiến tình hình ra sao, nhưng rõ ràng, trong mọi trường hợp, Pristina bài Nga cực đoan thì sẽ làm hỏng các kịch bản của Mỹ và đồng minh trong ván cờ Nam Tư cũ, trong nước cờ Kosovo và hậu quả là khôn lường với các tác giả kịch bản.

Kosovo là "cái dằm nhọn sắc" hành hạ cơ thể phương Tây

Trong dịp Kosovo chuẩn bị kỷ niệm 10 năm tuyên bố độc lập, LHQ đã có báo cáo về tình hình chính trị, tình hình nội trị tại Kosovo từ 2008 đến 2017, qua đó cho thấy thực trạng nền dân chủ mà phương Tây tạo dựng cho thực thể chính trị đặc biệt này. Xin phép được trích dẫn.

1. Sau cuộc chiến Kosovo, Quân đội Kosovo đã tấn công các dân tộc thiểu số, đối thủ chính trị, gây ra những tội ác nghiêm trọng. Tháng 1/2016, Kosovo và Hà Lan đã ký thỏa thuận tổ chức phiên tòa đặc biệt xét xử những can phạm phạm tội ác này.

NATO ném bom Nam Tư là kịch bản đã được soạn sẵn

2. Hiến pháp Kosovo có quy định bảo vệ chống phân biệt đối xử dựa trên định hướng giới tính, bảo vệ cả xu hướng tình dục lẫn bản sắc giới tính, tuy nhiên trong thực tế lại không thể hiện được giá trị của đạo luật cơ bản.

3. Báo cáo về Nhân quyền của Mỹ tháng 6/2016 về Kosovo quan ngại vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử với người thiểu số, người khuyết tật, ngược đãi người bị giam giữ, đe dọa truyền thông và bạo lực với những người di tản trở về sau chiến tranh.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong chuyến công du Balkan vào tháng 7/2016, đã kêu gọi chính quyền Kosovo tăng cường luật pháp, kiểm soát hệ thống tư pháp, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

4. Báo cáo của Ủy ban Châu Âu tháng 11/2016 về Kosovo cho biết, luật pháp chịu ảnh hưởng quá nhiều từ chính trị, mối đe dọa và tấn công các nhà báo vẫn xảy ra, kêu gọi cơ quan có thẩm quyền điều tra và truy tố các vụ án một cách có hiệu quả.

5. Báo cáo của LHQ cho biết bạo lực gia đình phổ biến ở Kosovo. Theo một cuộc điều tra vào tháng 11/2015 bởi Mạng lưới Phụ nữ của Kosovo, có 68 % phụ nữ Kosovo đã từng bị bạo lực gia đình trong đời.

Sau bản Báo cáo của LHQ về Kosovo thì đến nay "tội ác chiến tranh và phân biệt sắc tộc tại Kosovo vẫn chưa thể giải quyết được, khiến những thực thể bảo trợ cho Kosovo đành phải bất lực", theo The Guardian.

Như vậy, sau một thập kỷ được xác lập và tồn tại, nền dân chủ tại Kosovo vẫn có máu và nước mắt của người Kosovo, còn nền chính trị tại Kosovo thì vận hành theo những nguyên tắc phản dân chủ và màu bạo lực vẫn thấm đẫm mọi cấu trúc xã hội.

Giới phân tích cho rằng, thực tế nguy hại đó là hậu quả từ nước cờ không hoàn hảo của Mỹ-phương Tây khi đã cố gắng nặn ra một thực thể chính trị tại Kosovo, trái với nguyên lý ra đời của nhà nước.

Điều đó đã khiến cho kịch bản ngày càng bị lộ tẩy, mà gần đây nhất là việc một cựu thành viên chính phủ Kosovo, Nghị sĩ Ivan Todosijevic, đã tố cáo Washington và các đồng minh tạo dựng chứng cứ để cho NATO ném bom Nam Tư cũ.

Kosovo đã trở thành ung nhọt trên cơ thể phương Tây

Trong lễ kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát Recak, mà lực lượng người Serbia bị cáo buộc giết chết 45 người Kosovo gốc Albania, khiến NATO có cớ ném bom Nam Tư, ông Todosijevic đã chỉ ra sự thật nhơ nhuốc phía sau vụ thảm sát này.

"NATO xâm lược nước ta dựa trên cái cớ là thảm họa nhân đạo ở Kosovo và vụ thảm sát bịa đặt ở Recak năm 1999. Thực ra những kẻ khủng bố người Albania đã gây ra tội ác. Chính NATO giúp chúng châm ngòi xung đột để lấy cớ xâm lược".

Ngày 5/12, Tòa án Pristina đã kết án Ivan Todosijevic 2 năm tù giam với cáo trạng là kích động hận thù dân tộc. Bản án bị nhìn nhận chỉ là chiêu trò luật pháp hóa chính trị của phương Tây, mượn tay Pristina bịt miệng những ai làm lộ kịch bản của họ.

Rõ ràng, Kosovo đã trở thành ung nhọt và cái nhọt này đang vào thời kỳ mưng mủ, ngày đêm hoành hành cơ thể phương Tây. Có lẽ khi cho NATO ném bom Nam Tư, Washington và các đồng minh không thể nghĩ sẽ có lúc phải mệt mỏi với sản phẩm do chính mình tạo ra như thế này.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kosovo-cai-dam-nhon-sac-hanh-ha-co-the-phuong-tay-3392978/