Kon Tum: Thủy điện tích nước, dân hạ nguồn khóc than

Giai đoạn mùa khô ở Tây Nguyên là giai đoạn cây trồng cần tưới nước nhiều, thế nhưng hiện nay đa phần các hộ dân sống dưới hạ nguồn sông Đăk Snghé phải khóc cho cây trồng vì không đủ nước tưới.

Thường trong mỗi mùa khô, cây trồng cần ít nhất ba lần tưới đậm để cây đủ lượng nước trong mùa khô. Tuy nhiên 2,5 ha cà phê của nhà bà Trần Thị Ngoan (trú tại thôn 3, xã Tân Lập huyện Kon Rẫy) ngày một héo úa, ủ rũ nói: "Vừa kéo ống tưới cà được khoảng 1 tiếng là hết nước. Nhiều hôm đang tưới mà hết nước con tôi bực quá đòi chặt cà phê đi nhưng tôi phải cản lại"

Nói xong, bà Ngoan lại đưa đôi mắt nhìn ra vườn cà phê đang chết từng ngày mà đứt từng khúc ruột nhưng không biết làm cách nào khác.

Hạ nguồn sông Đăk Snghe khô cạn

Tình trạng than khóc về nguồn nước tưới cho cây trồng ngày một nhiều ở thôn 3 xã Tân Lập này. Cứ mỗi ngày, người dân lại kể cho nhau nghe thêm trường hợp này mất cây này mất cây kia như những ví dụ về người đồng cam cộng khổ với mình vậy. Với nghề nông thì "nhất nước nhì phân tâm cần tứ giống", thế nhưng nghề nông ở xã Tân Lập lại đối mặt với hàng trăm ha hoa màu có nguy cơ chết hoặc mất mùa. Điền hình như gia đình bà Doãn Thị Nhâm (thôn 3, xã Tân Lập) nói nhà bà có 1,3 ha lúa thì từ cách đây 1 tháng sông Đắk Snghé bỗng khô cạn, không còn nước tưới khiến 1ha lúa đã chết sạch, diện tích còn lại lá cũng héo úa chờ chết.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Tân Lập đã có có 108,7 ha cây trồng gồm 92ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5ha cây hồ tiêu, 2ha lúa bị héo úa và một số diện tích bị chết cho thiếu nước tưới.

Dân gồng mình chống hạn cho cây trồng

Sự việc nóng đến nỗi ngày 23/3, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cùng các sở, ngành, công ty thủy điện đã đi khảo sát tình hình thiếu nước của người dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum do các thủy điện chặn dòng.

Tại đây, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến của người dân cũng như của lãnh đọa địa phương. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy nói từ khi thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh là chủ đầu tư) tích nước tạm để nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và thử nghiệm thiết bị thì hơn 116 ha cây trồng của người dân tại 2 xã Tân Lập và Đăk Tờ Lung trên địa bàn đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong buổi làm việc với Sở công Thương tỉnh Kon Tum, ông Lê Thanh - Phó Ban quản lý dự án Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh cho rằng thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, thời tiết khô hạn chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc người dân vùng hạ du thiếu nước tưới.

Nguyên nhân chính là do thủy điện Đắk Ne (Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh làm chủ đầu tư) chặn dòng, xả tập trung để phát điện mà không xả nước thường xuyên như phương án đã được Bộ TN-MT phê duyệt. "Nếu thủy điện Đắk Ne xả nước thường xuyên với lưu lượng 1.29m3/s đã phê duyệt thì chắc chắn người dân sẽ không bị thiếu nước tưới như thời gian vừa qua".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quân, Thành viên hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh nói trước khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước thì lượng nước đổ về hồ chứa từ 8-10m3/s. Tuy nhiên hiện nay lượng nước đổ về chỉ khoảng 0.75m3/s, chỉ bằng 1/10 so với trước đây là rất ít và chỉ đủ "bốc hơi nước" nên mới tích nước và xả 2 lần. Thời gian tới sẽ tiến hành tích nước ban đêm và xả nước vào ban ngày để đủ nước tưới cho bà con từ 8 giờ đến 17 giờ.

Các thủy điện vẫn đang "đá nhau trách nhiệm", trong khi đó ruộng, vườn của người dân ngày một héo khô khiến cuộc sống của người nông dân ngày một thêm vất vả, khổ sở. Box: Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum đã yêu cầu thủy điện Đăk Ne chỉ tích nước từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và xả nước liên tục vào ban ngày để đảm bảo nước tưới vùng hạ du. ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy phối hợp cùng thủy điện Thượng Kon Tum rà soát thiệt hại của người dân để có phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân trước ngày 31-3 để tránh tình trạng người dân bức xúc, khiếu kiện. Đồng thời, phải xả nước với lưu lượng từ 3.3m3/s đến 5.8m3/s như phương án đã được Bộ TN-MT phê duyệt.

VĂN MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/kon-tum-thuy-dien-tich-nuoc-dan-ha-nguon-khoc-than-2020032807132525.htm