Kon Tum thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII)

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) 'về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập', Tỉnh ủy Kon Tum đã xây dựng và ban hành Chương trình số 53-CTr/TU ngày 21-2-2018. Sau một năm thực hiện Chương trình số 53 đã cho thấy đây là một chương trình đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Không khí chung của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Kon Tum là quyết liệt, khẩn trương, mạnh dạn sáp nhập các đơn vị trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Trường Tiểu học - THCS Trường Sa (phường Trường Chinh, TP. Kon Tum) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai trường. Trong ảnh: Giờ Tin học của thầy và trò nhà trường.

Chương trình số 53-CTr/TU xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến năm 2030. Đến nay, nhóm nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực đã cơ bản hoàn thành.

Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo - giáo dục nghề nghiệp: Đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, tỉnh đã lãnh đạo ổn định tổ chức bộ máy và đi vào hoạt động hiệu quả đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum trên cơ sở sáp nhập 4 trường: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kon Tum, Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Trung cấp Y tế Kon Tum, Trung cấp Nghề Kon Tum. Sau sáp nhập đã giảm 3 đơn vị cấp trường, giảm 17 khoa, phòng trực thuộc các trường; giảm 2 hiệu trưởng, 5 phó hiệu trưởng; 7 cấp trưởng, 23 cấp phó các khoa, phòng.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Đoàn công tác liên ngành (thành phần gồm đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, lãnh đạo và chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ), trực tiếp làm việc với thường trực huyện ủy, thành ủy và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố để bàn bạc, thống nhất kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của từng địa phương.

Về lĩnh vực y tế: Ngành Y tế tập trung ổn định tổ chức bộ máy và đi vào hoạt động hiệu quả đối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm: Y tế dự phòng, Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Kiểm dịch Y tế, Phòng chống HIV/AIDS, Truyền thông - Giáo dục sức khỏe - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Phòng chống bệnh xã hội. Sau sắp xếp đã giảm 6 trung tâm thuộc Sở Y tế, 27 đầu mối trực thuộc các trung tâm; giảm 6 cấp trưởng, 8 cấp phó các trung tâm; 5 cấp trưởng, 10 cấp phó các phòng trực thuộc trung tâm. Đã thành lập Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Y dược cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng và tổ chức đi vào hoạt động. Sau khi sáp nhập đã giảm 1 bệnh viện thuộc Sở Y tế; 6 đầu mối trực thuộc các bệnh viện; giảm 1 cấp trưởng, 3 cấp phó các bệnh viện; giảm 6 cấp trưởng, 1 cấp phó các đầu mối trực thuộc bệnh viện. Đã ban hành Quyết định và hoàn thành việc tổ chức lại trung tâm y tế các huyện, thành phố trên cơ sở sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế các huyện, thành phố. Sau khi thực hiện đã giảm 10 trung tâm thuộc Sở Y tế; tăng 10 đầu mối trực thuộc các trung tâm; giảm 10 cấp trưởng, 5 cấp phó các các trung tâm; giảm 1 cấp trưởng, 12 cấp phó các đầu mối trực thuộc trung tâm; giải thể 4 phòng khám đa khoa khu vực; giải thể một số trạm y tế và chuyển đổi chức năng 3 trạm y tế (chỉ thực hiện công tác y tế dự phòng) nơi có cơ sở y tế cấp huyện trên cùng địa bàn.

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hợp nhất Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh. Sau khi thực hiện đã giảm 2 trung tâm và giảm 1 cấp trưởng.

Về lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao: Đã hợp nhất Trung tâm Văn hóa, Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh để thành lập Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật. Sau khi thực hiện đã giảm 2 trung tâm thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; 7 đầu mối trực thuộc các trung tâm; 2 cấp trưởng các trung tâm; 5 cấp trưởng, 5 cấp phó đầu mối trực thuộc các trung tâm. Hợp nhất Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh và Ban Quản lý di tích để thành lập Bảo tàng - Thư viện tỉnh. Sau khi thực hiện đã giảm 2 đơn vị thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; 3 đầu mối trực thuộc các đơn vị; 2 cấp trưởng các đơn vị; 3 cấp trưởng, 3 cấp phó đầu mối trực thuộc các đơn vị. Thành lập mới Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: Đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Về lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác: Đã chuyển Trung tâm Đăng kiểm 82.01.S trực thuộc Sở Giao thông vận tải thành Công ty cổ phần. Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Kon Tum trên cơ sở Ban Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum theo quy định. Về bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công: Sáp nhập Trung tâm Công tác xã hội thành phố Kon Tum vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Sau khi thực hiện đã giảm 1 trung tâm (thuộc UBND thành phố); 3 đầu mối trực thuộc các trung tâm; 1 cấp trưởng, 1 cấp phó các trung tâm; 2 cấp trưởng đầu mối trực thuộc các trung tâm.

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei trên cơ sở hợp nhất 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ: Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long. Sau khi thực hiện đã giảm 2 ban quản lý thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 4 đầu mối trực thuộc các ban quản lý; 1 cấp trưởng ban quản lý; 3 cấp trưởng, 1 cấp phó đầu mối trực thuộc các ban quản lý. Tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản vào Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi thực hiện đã giảm 1 trung tâm; 6 đầu mối trực thuộc các trung tâm; 1 cấp trưởng, 1 cấp phó các trung tâm; hiện nay chưa bổ nhiệm cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc. Giải thể Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang. Sau khi thực hiện đã giảm 1 ban quản lý thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2 đầu mối trực thuộc ban quản lý; 1 cấp phó ban quản lý; 2 cấp trưởng đầu mối trực thuộc các ban quản lý. Chuyển giao nguyên trạng các trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật từ trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý.

Về việc sắp xếp lại các đơn vị quản lý bảo vệ rừng theo điều chỉnh tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ. Hiện nay UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan đến việc sắp xếp lại các đơn vị quản lý bảo vệ rừng, trên cơ sở đó báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Về tài nguyên và môi trường: Chuyển các chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường về UBND các huyện, thành phố quản lý. Rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý xây dựng chuyên ngành: Đã tiến hành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (tổ chức lại Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Kon Tum trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án khu vực Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y vào Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum. Đã giảm 2 đầu mối trực thuộc; 2 trưởng phòng, 7 phó trưởng phòng. Tổ chức lại hai đơn vị: Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại và Tư vấn công nghiệp và Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp theo hướng tinh gọn về bộ máy.

Sau sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đã cắt giảm đầu mối bên trong và giảm số lượng lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó như sau:

Cấp tỉnh: Đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Y tế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Qua thực hiện việc sắp xếp, đến nay đã giảm 91 đơn vị.

Cấp huyện: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến thực hiện thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp huyện có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện (ngoài lĩnh vực y tế), như:

(1) Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng huyện Kon Plông chuyển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen từ trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc UBND huyện Kon Plông.

(2) Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng, bổ sung nhiệm vụ về phát triển quỹ đất, phát triển cụm công nghiệp vào ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng các huyện. Riêng đối với thành phố Kon Tum thực hiện đổi tên “Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố” thành “Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố”, là đơn vị độc lập trực thuộc UBND thành phố.

(3) Trung tâm văn hóa - thể thao - du lịch và truyền thông trên cơ sở hợp nhất đài truyền thanh - truyền hình, đội thông tin lưu động, thư viện, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa.

(4) Trung tâm môi trường và dịch vụ đô thị, trên cơ sở hợp nhất ban quản lý chợ, bến xe, môi trường, đội dịch vụ công cộng, đội quản lý trật tự đô thị... Riêng đối với thành phố Kon Tum giữ nguyên Ban Quản lý Chợ là đơn vị độc lập, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo hướng chuyển sang mô hình hợp tác xã và giải thể Đội Quản lý Trật tự đô thị, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị cho UBND các phường đảm nhiệm. Hiện nay đã thực hiện việc sắp xếp và thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp, sau khi thực hiện, giảm được 19 đầu mối so với trước đây.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xác định, để làm tốt việc tinh gọn bộ máy thì phải có quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong thực hiện cần có sự sáng tạo, đổi mới, tạo sự đồng thuận từ tỉnh đến cơ sở nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập, chia tách, các đơn vị cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương vì liên quan đến phân bổ tài chính, biên chế, chế độ, chính sách cán bộ và nhiều vấn đề khác. Việc tạm dừng sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là cần thiết song Chính phủ cần sớm ban hành các quy định để việc tinh gọn bộ máy giữ được khí thế , quyết tâm cao và đạt kết quả tốt.

Ngọc Thảo

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/to-chuc/2019/12791/kon-tum-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-so-19nqtw-cua-bch.aspx