Kon Tum: Phát hiện nhiều di vật khảo cổ học trong vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông

Ngày 28-9, Phó GS-TS Nguyễn Khắc Sử, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, mới đây, trong đợt khai quật các di tích, di vật khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông (tỉnh Kon Tum), đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hơn 50 mộ táng, hàng trăm công cụ lao động bằng đá, đồng, sắt, hàng vạn mảnh gốm... có giá trị.

Các nhà khảo cổ đã mở một số mộ táng, bên trong có rìu đá, đồng, đồ trang sức (hạt chuỗi bằng đá ngọc, khuyên tai, vòng đeo tay). Ngoài đồ tùy táng, cư dân tại chỗ còn sử dụng chum để làm quan tài.

Đặc biệt, người tiền sử còn dùng đá đẽo thành xương người chôn trong quan tài. Qua đó, cho thấy tập tục mai táng của người tiền sử trước Công nguyên rất đặc biệt. Theo Phó GS-TS Nguyễn Khắc Sử, qua khai quật tại vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông, các nhà khảo cổ nhận định đây là một khu vực khảo cổ rất đặc sắc, cư dân sống hàng ngàn năm trước đây tại vùng này có cơ tầng văn hóa rất cao, có mối quan hệ gần gũi với cư dân tiền sử ở di chỉ Lung Leng (tỉnh Kon Tum) và văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn.

Qua đợt khai quật này, việc nhìn nhận Tây Nguyên hàng trăm, ngàn năm trước đây là vùng đất trì trệ, bảo thủ, khép kín là chưa chính xác; từ đây nên thay đổi cách nhìn về Tây Nguyên.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kon-tum-phat-hien-nhieu-di-vat-khao-co-hoc-trong-vung-long-ho-thuy-dien-plei-krong/