Kon Tum: Gian nan canh cho vườn sâm ngủ đông

Theo đó, từ tháng 10 năm trước - tháng 3 năm sau, là thời điểm những vườn sâm Ngọc Linh ngủ đông. Thời gian này, bà con Xơ Đăng, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, liên tục thay nhau ngày đêm canh để bảo vệ những luống sâm của gia đình.

Bà con Xơ Đăng gia cố hàng rào bảo vệ sâm

Bà con Xơ Đăng gia cố hàng rào bảo vệ sâm

Công việc tưởng như đơn giản nhưng hết sức gian nan, cực khổ bởi mưa lũ, chim chuột và kẻ xấu luôn rình mò, phá hoại các vườn sâm.

Đặc biệt, từ tháng 8 - 10 hàng năm, là thời điểm những vườn sâm Ngọc Linh bắt đầu chín, bà con thu hoạch hạt sâm và đưa vào ươm ngay tại vườn, đồng thời, cành, lá sâm được cắt tỉa đem đi bán.

Sau đó, bà con lấy lá cây mục phủ một lớp dày lên các luống sâm để tạo mùn, giữ ẩm cho củ và chống xói mòn do mưa lũ trong thời gian sâm ngủ đông.

“Trồng sâm Ngọc Linh không khó, cái khó là bảo vệ sâm, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ đông” - anh A Nhâm, người trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Long Láy, xã Măng Ri đã nói như vậy khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm của gia đình.

Vườn sâm được trồng dưới tán rừng, độ cao trên 2.000m. Để lên được vườn, chúng tôi phải leo núi nhiều tiếng đồng hồ, vượt qua 4 lớp hàng rào lưới B40, kẽm gai, bẫy chông tre, cùng nhiều chốt bảo vệ của các gia đình trồng sâm Ngọc Linh nơi đây.

A Nhâm cho biết, vườn sâm có diện tích 3 sào/ 400 gốc, được 4 gia đình trong họ hàng cùng trồng từ năm 2016. Cứ 3 – 4 ngày, các thành viên trong 4 gia đình lại cử người thay nhau tuần tra, canh gác, nhất là ngăn chặn người xấu nhổ trộm sâm.

Hàng ngày, các thành viên trực chốt đều đi kiểm tra 1 vòng quanh hàng rào để xem có dấu hiệu xâm phạm không, sau đó, thay phiên nhau canh gác vườn sâm vào ban đêm. Hiện, A Nhâm đã đầu tư 5 triệu đồng để mua kẽm gai về bao bọc hàng rào.

Theo A Nhâm, lợi dụng trời mưa, đêm tối, người xấu thường đột nhập vườn sâm để nhổ sâm. Năm ngoái, thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã bị nhổ trộm nhiều gốc sâm trên 3 tuổi, thiệt hại vài chục triệu đồng.

Khi sâm ngủ đông, lá được cắt hết, chỉ còn củ vùi trong lớp mùn và lá khô. Bà con dùng que tre cắm ngay bên củ làm dấu, vô tình để lại dấu vết cho kẻ trộm. “Nhiều năm đổ mồ hôi, công sức, chỉ cần sơ ý, có thể mất cả gia tài” - A Nhâm nói.

Canh người đã khó, canh chuột khó gấp bội “Chuột thính và nhanh, thường vào vườn ban đêm, moi củ lên cắn. Vì vậy, phải đặt bẫy đá, cành cây, để dụ. Song, chuột rất khó bắt, không còn cách nào khác là phải đi tuần đêm” - A Nhâm kể.

Mùa đông, thời tiết Ngọc Linh rất khắc nghiệt, ban đêm dưới 100C, cắt da cắt thịt, nhữg vườn sâm bị sương mù bao phủ, việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Mưa liên tục nên việc ngủ lại qua đêm, túc trực, canh gác, của bà con hết sức gian khổ.

Chị Y Biêm, xã Măng Ri cho hay, hàng ngày chúng tôi đều phải dọn dẹp rãnh luống để mưa dễ tiêu thoát, không bị xói lở, tránh ngưng đọng nước, hoặc nước tràn qua, gây úng thối củ sâm.

“Nhiều hôm ban đêm, mưa lớn, sương lgiăng mù mịt, nhưng vẫn phải đi kiểm tra, kịp xử lý nước xói lở, cây gãy đè lên luống sâm. Đây là cây giá trị cao, muốn thoát nghèo, làm giàu phải ăn ngủ cùng sâm” - chị Y Biêm cho hay.

Ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Hầu hết các gia đình trong xã đều trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Do vậy, bà con cử người luân phiên bảo vệ vườn sâm 24/24h. Chính quyền cũng tuyên truyền các nhóm hộ phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc bảo vệ vườn sâm.

Tuyên truyền cho người dân không được tự ý vào vườn khi chưa được chủ hộ cho phép, đồng thời, chỉ đạo công an xã phổ biến pháp luật, theo dõi tạm trú, tạm vắng, nhất là người vãng lai”.

Gia Lai: Thu tiền tỷ từ vườn đồi “chó ăn đá gà ăn sỏi”

Từ 2.000 gốc chanh tứ quý, 500 cây bưởi da xanh thu nhập quanh năm, lão nông Nguyễn Văn Lăng, xã Hbông, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã bỏ túi 1 tỷ đồng/năm. Riêng bưởi da xanh, Tết vừa rồi hơn 5 tạ, giá 45.000 đồng/kg ông thu về 225 triệu đồng.

Ông Năm trồng xen bưởi trong vườn chanh

Hbông là vùng đất khô cằn, được mệnh danh "chó ăn đá gà ăn sỏi". Đa số người dân chỉ trồng mì, bắp, mía… Vậy mà ông Lăng mạo hiểm đưa chanh tứ quý, bưởi da xanh về thử nghiệm. Đây là những cây “uống” khá nhiều nước, nhưng vẫn tươi tốt trên đất cằn của lão nông

Năm 2009 hơn 1.000 trụ tiêu của ông Lăng bỗng vàng lá, héo úa chết đồng loạt. Một lần đi chơi Bình Phước, thích cây chanh tứ quý, nên đã đưa về trồng thử nghiệm. Thấy chanh phù hợp, ông mở rộng diện tích, trồng thêm bưởi da xanh.

Với 2.000 gốc chanh, 500 gốc bưởi da xanh đang thu bói mỗi năm ông Lăng rủng rỉnh đút túi 1 tỷ đồng. Riêng bưởi vụ Tết vừa rồI, ông Lăng bán hơn 5 tạ quả, giá 45.000 đồng/kg, thu 225 triệu đồng. Năm 2018, chỉ mới thu bói bưởi, ông đã thu 2 tấn quả.

Chanh tứ quý, bưởi da xanh dễ trồng, sống dai nhưng dễ mắc bệnh xì mủ ở gốc, nhện đỏ, sâu vẽ bùa làm xấu quả. Để phòng trị, cần tạo mương rãnh thoát nước. Đầu và cuối mùa mưa bón vôi bột để nâng độ PH và khủ trùng đất...", ông Lăng chia sẻ.

Hiện, hai loại cây này ông Lăng bán tại vườn cho thương lái Nha Trang, Phú Yên, Kon Tum… riêng chanh tứ quý ra quả quanh năm, muốn bán được giá, phải ép cho quả ra nhiều từ tháng 1 - tháng 3. Vì vậy, cần tăng cường bón lân, kaly và hãm nước tưới.

Ông Bùi Đức Miền – Chủ tịch Hội nông dân xã Hbông cho biết: “Vườn cây ăn quả của ông Lăng khá hiệu quả, thu nhập cao. Song, do Hbông là vùng đất khô cằn, thiếu nước, nên chưa được nhân rộng. Để nâng cao thu nhập, xã đã phân chia và khuyến khích bà con nên trồng cây phù hợp từng loại đất. Ví dụ, đầu xã trồng cây ăn quả, gần trung tâm xã hay thiếu nước, nên trồng mía, bắp, mì…”.

Gia Lai: Lên kế hoạch giải cứu 14.000 tấn khoai lang Nhật

Tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo tìm giải pháp, đưa doanh nghiệp xuống đồng, giải cứu 700ha khoai lang Nhật, tại huyện Phú Thiện, không có người thu mua.

Doanh nghiệp xuống đồng, giải cứu khoai lang giúp dân Ảnh L.K

Ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Gia Lai, cho biết, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp, phối hợp với Sở Công Thương, các ngành liên quan, kiểm tra hàng trăm héc ta khoai lang Nhật, không có người thu mua. Và có hướng xử lý ổn định đời sống, sản xuất cho người dân.

Ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: "Toàn huyện có hơn 700ha khoai lang Nhật, năng suất trung bình 20 tấn/ha, tương đương 14.000 tấn, đến vụ thu hoạch, song, không có đầu ra, bà còn vẫn để trên đồng.

Huyện đã kết nối doanh nghiệp thu mua, nhưng chưa có kết quả, có doanh nghiệp đã đặt cọc, hứa thu mua, nhưng đến mùa lại không thấy".

Ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch xã Ia Sol cho biết: “Không có người đến mua khoai, nên người dân rất lo lắng, có hộ tự xoay sở, thuê xe chở đi các thành phố lớn bán dần.

Năm ngoái, bà con trồng 80ha, năm nay nghĩ, giá sẽ lên khoảng 13.000 -14.000 đồng/kg, nên bà con trồng rất nhiều, bỏ qua khuyến cáo địa phương. Nếu trong 10 ngày nữa không thu hoạch, khoai sẽ sùng, hư hỏng.

Hiện khoai lang đẹp bán tại vườn chỉ 2.000 đồng/kg, lỗ nhưng bà con vẫn bán. Nếu có doanh nghiệp chịu đứng ra mua giá cao, may ra nông dân mới đỡ thiệt”.

Đắk Lắk: Giá hồ tiêu thấp, nhà vườn không dám thuê nhân công

Hiện, nông dân huyện Cư M’gar đang vào mùa thu hoạch tiêu niên vụ 2018 - 2019. Song, giá tiêu tuột dốc mạnh, khiến nhiều hộ lo âu, không dám thuê người hái

Giá tiêu thấp, nhà vườn không dám thuê nhân công

Vừa tưới cà phê, vừa tranh thủ thu hoạch tiêu, ông Trần Thanh Linh, thôn 2, xã Ea M’nang, rầu rĩ chia sẻ: Ông có 1,1 ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu, với hơn 1.200 trụ, trong đó, 700 trụ đang kinh doanh, còn lại mới trồng năm thứ hai.

Năm 2014-2016, khi giá hồ tiêu cao, gia đình rất vất vả trong việc trông nom vườn, đề phòng kẻ gian hái trộm; việc tìm người thu hoạch cũng không mấy khó khăn.

Song, hai năm trở lại đây, giá tiêu giảm sâu, chỉ còn 42 - 44 nghìn đồng/kg, nên không mặn mà với việc chăm sóc, canh vườn như trước.

Việc thu hoạch cũng không rầm rộ, chỉ 3 thành viên xoay xở, vì nếu thuê người hái, cộng chi phí đầu tư, sẽ không có lãi, thậm chí lỗ.

Cũng như ông Linh, vì không dám thuê công, bà H’Liăp Niê, xã Cuôr Đăng, phải đi đổi công, để kịp thu hoạch hơn 800 trụ tiêu.

Theo bà H’Liăp, hiện trong buôn ai cũng đi đổi công, để giảm chi phí. Mấy năm trước, thu nhập chính là cà phê, tiêu. Nhưng nay, cả tiêu và cà phê gần bằng giá nhau, cả năm vất vả, chỉ đủ tiền phân bón, dầu tưới…

Ông Lý Ngọc Đính, thị trấn Quảng Phú cũng chia sẻ: Năm ngoái thu hơn 5 tạ tiêu khô, năm nay sản lượng gấp đôi, nhưng không vui vì tiêu quá rẻ. Dù biết thuê công hái sẽ không có lời, nhưng do neo người, trong khi tiêu chín rộ, không hái sẽ rơi rụng, đành chấp nhận lỗ.

Ông Ngô Xuân Biện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp Cư M’gar cho hay, toàn huyện có 2.430 ha hồ tiêu, chủ yếu là trồng xen cà phê và cây trồng khác. Hiện, nông dân đã thu hoạch khoảng 30-40% sản lượng. Do giá quá thấp, đa số các hộ tự huy động công nhà, kịp thu hoạch trước khi tiêu rụng.

Canh gác cho sâm ngủ đông; thu bạc tỷ từ đất đồi sỏi đá; giá tiêu thấp, nhà vườn không dám thuê nhân công; giải cứu khoai lang Nhật, là tin tuần Tây Nguyên.

An Như (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/kon-tum-gian-nan-canh-cho-vuon-sam-ngu-dong-post26003.html