Kon Tum: Đưa công nghệ cao vào sản xuất, 'siêu' tiết kiệm…

Hiện, nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông dân Kon Tum đã giảm sức lao động, siêu tiết kiệm, và tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, nông dân xã Ia Chim T.p Kon Tum, đã cải tiến hệ thống tưới phun mưa tự động, và áp dụng bộ châm phân bón tự động Venturi của Israel, vào trồng cà phê, cây ăn trái. Qua đó, đã giảm sức lao động và tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Song, công nghệ này không còn mới, và có những bất cập.

Ông Trình giới thiệu hệ thống tưới phun mưa tự động cải tiến. Ảnh Đức Thành

Ông Trình giới thiệu hệ thống tưới phun mưa tự động cải tiến. Ảnh Đức Thành

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, tăng năng suất cây trồng, bà con Ia Chim đã tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến lại hệ thống tưới phun mưa tự động, tiết kiệm chi phí; lắp đặt hệ thống dẫn nước khoa học, và tăng tuổi đời của công nghệ này.

Thăm vườn cà phê 1,4 ha/5 tháng tuổi, ông Lê Thế Trình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim, và là nông dân sản xuất giỏi, chia sẻ, vườn cà phê lai đa dòng, (giống của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) đang phát triển rất tốt, nhờ cải tiến công nghệ tưới và bón phân tự động Venturi.

Vì vậy, việc trồng, chăm sóc cà phê của ông bây giờ “nhàn” hơn rất nhiều, so cách trồng cà phê chỉ áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cũ.

Thực tế, công nghệ tưới phun mưa tự động không còn mới, được nhiều nông dân Tây Nguyên và Kon Tum áp dụng từ lâu. Song, do hệ thống ống dẫn nước của công nghệ này đặt trên mặt đất, bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khiến tuổi đời trung bình chỉ được 5 năm, hệ thống dẫn nước lại phức tạp.

“Tôi đã chủ động nghiên cứu, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước lại cho hợp lý, tiết kiệm chi phí, nhưng hiệu quả không thay đổi. Đồng thời, chôn hệ thống ống dẫn nước này dưới lòng đất, để tăng tuổi thọ, và làm cỏ cũng thuận lợi hơn” - ông Trình chia sẻ về hệ thống tưới phun mưa tự động đã cải tiến.

Theo đó, với diện tích 1,4ha, chi phí khoảng 40 triệu đồng, mỗi lần tưới chỉ mất 4 tiếng đồng hồ, bình quân một tháng tốn 170.000 đồng tiền điện. Công nghệ cũ lúc chưa cải tiến, bình quân mỗi tháng 180.000 đồng tiền điện/ 1ha, mỗi lần tưới phải mất 2 ngày.

Đặc biệt, với bộ châm phân bón tự động Venturi, không phải vất vả đi bón phân cho từng gốc cây như trước kia. Chi phí lắp đặt chỉ khoảng 2 triệu đồng. Venturi hoạt động theo cơ chế hút chân không, do sự chênh lệch áp suất trong hệ thống tưới.

Khi hệ thống phun mưa tự động hoạt động, sẽ hút nước phân bón từ bộ phận Venturi, rồi bơm qua các hệ thống ống nước đến từng gốc cây, khiến việc bón phân trở nên dễ dàng, nhanh hơn rất nhiều so trước kia.

Việc cải tiến 2 công nghệ này, ngoài giảm sức lao động rõ rệt, còn tạo năng suất rất cao, ít mọc cỏ, cây sinh trưởng nhanh không chỉ đối với cà phê, mà còn với nhiều loại cây ăn trái.

Thực tế cho thấy, cây ăn trái: mít, chuối, sầu riêng; bí, mướp… trồng xen trên diện tích 1,4ha cà phê, ngoài việc phát triển nhanh, còn có chất lượng cao.

Cụ thể, vụ thu hoạch bí hồ lô Nhật vừa rồi, ông Trình thu gần 1 tấn, giá bán: 10 – 15.000 đồng/kg; nhiều cây mít mới trồng nửa năm đã ra trái.

Ông Trình cho hay, hiện, Hội Nông dân xã Ia Chim đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho nhiều nông dân cách cải tiến và lắp đặt 2 công nghệ này.

Từ diện tích 1ha cà phê của mình, ông Nguyễn Mừng chia sẻ, sắp tới, nhờ hướng dẫn của Hội Nông dân, ông sẽ cải tiến lại hệ thống tưới phun mưa tự động, đồng thời lắp đặt bộ châm phân bón tự động Venturi.

“Khi hoàn thành việc cải tiến và lắp đặt 2 hệ thống này, tôi có thể vừa chăm sóc cà phê, vừa chăn bò, chăm sóc cao su cùng một lúc” - ông Mừng phấn khởi nói.

Mặt khác, đã có nhiều lượt hội viên, nông dân các huyện trong tỉnh đến Ia Chim để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cải tiến, cũng như lắp đặt 2 công nghệ này.

Có thể thấy, việc tiên phong trong nghiên cứu, cải tiến cũng như áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của nông dân Ia Chim là bước đi đúng đắn, phù hợp xu thế sản xuất nông nghiệp thời hiện đại.

Đắk Lắk: Làm giàu từ mô hình VAC tổng hợp

Năm 2013, sau khi học xong THCS, do hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Đức Thành, thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, quyết định ở nhà phụ giúp gia đình chăm sóc 1,1 ha cà phê, hồ tiêu; chăn nuôi bò, kết hợp trồng hoa, nuôi cá.

Anh Thành (trái), giới thiệu mô hình với cán bộ Đoàn

Tuy nhiên, do đất của gia đình thấp trũng, không phù hợp nên cà phê, hồ tiêu kém năng suất, giá bò trên thị trường lại xuống thấp, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn…

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thành quyết tâm tìm một hướng đi khác để thay đổi cuộc sống. Qua tìm hiểu, nhận thấy cây ăn quả vừa tốn ít công chăm sóc, thu nhập lại cao, anh đã đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, tham quan, học hỏi kinh nghiệm, và tìm hiểu các loại cây phù hợp chất đất của gia đình.

Năm 2015, anh bàn với bố mẹ phá bỏ một số diện tích cây trồng và đưa vào 100 cây dừa xiêm dứa, dừa xiêm xanh lùn. Anh chịu khó đọc sách, báo, xem tivi, truy cập Internet, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc để cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

Sau 4 năm trồng, anh Thành đã có vườn dừa sai trĩu quả, mỗi cây dừa cho 18 – 24 buồng/năm, bình quân mỗi buồng được 8 trái. Với giá bán trung bình 10.000 đồng/trái.

Vì vậy, anh tiếp tục trồng thêm 200 gốc dừa xiêm dứa nữa, và mở rộng thêm diện tích các loại cây ăn trái khác, tạo sự đa dạng các loại cây trồng, giảm thiểu rủi ro.

Đến nay, anh đã xây dựng được một mô hình VAC tổng hợp, với quy mô 2,2 ha, trong đó có 2.000 m2 trồng hoa, 8.000 m2 ao cá, và hơn 1.200 cây ăn quả các loại, gồm: 300 cây dừa xiêm dứa, dừa xiêm lùn, 300 cây ổi lê – Đài Loan, 100 cây vú sữa, 60 cây hồng xiêm, 200 cây chanh tứ quý, còn lại là cây khác.

Trong canh tác, anh đã áp dụng biện pháp tưới nước tự động, giúp tiết kiệm nhân công; không sử dụng phân hóa học. Đặc biệt, nhờ áp dụng phương pháp bao túi, trái cây không bị rạm nắng, giảm tỷ lệ hư hỏng, do thời tiết, côn trùng gây ra…

Sau 5 năm xây dựng mô hình, anh Thành đã có nguồn thu đáng kể. Bình quân, mỗi năm xuất bán 6 - 7 tấn cá các loại; trên 10 tấn ổi, gần 1 tấn dừa; giá cả tùy thuộc thị trường, tổng thu nhập đạt 400 – 450 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Dự kiến, thu nhập của anh còn cao hơn nữa, khi những cây còn lại đang bước vào giai đoạn kinh doanh.

Gia Lai: Nông dân khóc ròng trên vườn tiêu đen, do mở rộng diện tích

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, khi giá tiêu đen tăng vọt lên mức 230.000 đồng/kg, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích.

Từ năm 2013 - 2018 diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, tăng gấp 3 lần sau 5 năm.

Ồ ạt mở diện tích: Nông dân khóc ròng trên vườn tiêu đen. Ảnh minh họa

Theo VPA, tình trạng cung vượt cầu hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu, nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá hạt tiêu trong nước.

Mặt khác, Braxin, Campuchia cũng tăng diện tích. Tồn kho năm này qua năm khác, dồn ứ, khiến nguồn cung dư thừa.

Năm 2013 - 2014 giá tiêu lên cơn sốt, 230.000 đồng/kg, nên nhiều hộ mở rộng diện tích.

Năm 2013, diện tích trồng tiêu Việt Nam chỉ trên 53.000 ha. Năm 2018, đã là 152.000 ha, gấp 3 lần.

Hậu quả ồ ạt mở rộng diện tích là cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Từ mức đỉnh 230.000 đồng/kg năm 2013, đến nay, chỉ còn trên dưới 45.000 đồng/kg. Mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành làm ra là 50.000 đồng/kg.

Mười ngày giữa tháng 3.2019, giá hạt tiêu tăng nhưng không đáng kể. Chốt phiên giao dịch ngày 19.3.2019, giá hạt tiêu đen trong nước tăng từ 3,4 - 4,6% so với ngày 9.3.2019.

So với ngày 19.02.2019, tăng từ 2,2 – 3,5%, lên mức thấp nhất là 45.500 đồng/kg tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai - mức cao nhất là 47.000 VNĐ/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dù giá tiêu nhích lên, và đang trong mùa thu hoạch, nhưng so với công chăm bón cũng không lời được bao nhiêu, thậm chí lỗ.

Ông Đỗ Viết Dương, xã Eatam, huyện Krông Năng, cho biết, từ năm 2013, nhìn thấy lợi ích tiêu đen mang lại. Nhân cơ hội vườn có 2 héc-ta cà phê chè đến độ già, năng suất kém, nên đã chặt bỏ hoàn toàn và trồng tiêu.

"Vì muốn tìm giống tiêu tốt, tôi lên huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua giống. Thời điểm này tiêu đắt, 25 - 30.000 đồng/cành tiêu giống, nhưng trồng tiêu không đơn giản như cà phê nên bị chết khá nhiều.

Việc chăm sóc cũng rất kỳ công, vì tiêu hay bị bệnh, phân bón cũng phải loại tốt. Thu hoạch, hái khó khăn vì phải bắc thang, chi phí thuê nhân công một ngày hơn triệu đồng, không hái nhanh tiêu sẽ rụng.

Hiện, giá tiêu thấp, không những tôi mà nhiều nông dân trong xã, không dám bán vì sợ lỗ, không đủ chi phí thuê nhân công, chăm sóc... Nếu để lâu quá, tiêu sẽ bị hao, chưa nói đến việc dễ bị mốc" - ông Dương bộc bạch.

Chư Pưh: Hơn 61 ha keo lai chết bất thường

Từ đầu năm đến nay, huyện Chư Pưh (Gia Lai) có khoảng 61,9 ha keo lai chết khô một cách bất thường; trong đó, xã Ia Hla có 9,2 ha/11 hộ, xã Chư Don có 12,7 ha/ 20 hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn có 40 ha.

Keo chết bất thường

Được biết, diện tích keo lai này trồng năm 2017. Riêng diện tích trồng năm 2018, vẫn phát triển bình thường. Hiện, cơ quan chuyên môn của huyện đang tiến hành kiểm tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

An Như (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/kon-tum-dua-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-sieu-tiet-kiem-post26621.html