Kon Tum: Cán bộ xã tự ý bán hàng chục lô đất cho người thân

UBND xã Kroong (TP.Kon Tum) đã tự ý quy hoạch phân lô, giao hàng chục lô đất vị trí 'đắc địa' cho hầu hết cán bộ xã và thị xã Kon Tum mà không thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền.

UBND xã tự ý giao đất sai quy định

Ngày 7/6, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Kon Tum ông Trần Thắng cho biết, đơn vị này vừa vào cuộc kiểm tra, xác minh tình trạng các lãnh đạo xã Kroong (Kon Tum) tự ý bán đất khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo đó, năm 2002 UBND xã Kroong đã tự ý quy hoạch phân lô, giao “đất dự phòng” của Nhà nước cho các hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở có thu tiền sử dụng đất mà không có chủ trương của cấp có thẩm quyền cho phép.

Đặc biệt, đối tượng được UBND xã giao đất cũng có nhiều “khuất tất” bởi có đến 18/22 lô đất thuộc về cán bộ xã và cán bộ thị xã Kon Tum (nay là TP.Kon Tum), chỉ có 4 lô còn lại thuộc các đối tượng công dân trên địa bàn xã. Giá trị mỗi lô dao động từ 6-7 triệu đồng. Việc làm này được xác định là có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cho gia đình và bản thân.

Ngoài ra, đến nay rất nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở, cũng có nhiều trường hợp chuyển nhượng qua nhiều người. Cơ quan chức năng cũng xác định, 16 lô chưa được cấp GCNQSDĐ; 4 lô đang xảy ra tranh chấp; 2 lô đã được cấp giấy tờ. Như vậy, câu hỏi đặt ra, liệu 2 lô được cấp GCNQSDĐ đã được các cơ quan chức năng xem xét kỹ về nguồn gốc đất hay chưa?

 UBND xã Kroong nơi xảy ra nhiều sai phạm trong việc giao đất.

UBND xã Kroong nơi xảy ra nhiều sai phạm trong việc giao đất.

Bên cạnh các sai phạm về giao đất, UBND xã này còn vi phạm sử dụng ngân sách tài chính không minh bạch. Cụ thể, thu ngân sách xã không lập phiếu thu để nộp tiền vào ngân sách. Ngoài ra, số tiền 78 triệu đồng (thời điểm đó) là một số tiền rất lớn nhưng lại để ngoài sổ sách và không chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền. Trách nhiệm này, thuộc về Chủ tịch UBND xã Kroong ông Nguyễn Thành Đức (nguyên Kế toán ngân sách xã); ông Trần Văn Mười, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã (nguyên Chủ tịch UBND). Ông Đức phải có trách nhiệm nộp lại số tiền sai phạm.

Việc thu tiền nhưng không nộp vào ngân sách là vi phạm Pháp lệnh kế toán thống kê ngày 20/5/1988 của Hội đồng Nhà nước “Nghiêm cấm để ngoài sổ sách kế toán tài sản, vật tư, tiền vốn và kinh phí”. UBND xã tự ý quy hoạch phân lô, giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân chủ yếu là cán bộ, đã vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998).

Phát hiện và xử lý vi phạm quá chậm

Việc sai phạm đất đai nghiêm trọng như vậy nhưng các cơ quan chức năng dường như "không hề hay biết", chỉ đến khi báo chí phản ánh, TP.Kon Tum mới vào cuộc kiểm tra, xác minh các sai phạm.

Theo người đứng đầu UBKT Thành ủy Kon Tum, việc giao đất có thu tiền ở xã Kroong có nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, quản lý sử dụng tài chính. Trách nhiệm này thuộc về cấp ủy Chi bộ của xã và các lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2000-2005.

Những sai phạm trên đến mức phải xử lý kỷ luật về mặt Đảng vậy nên tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy ngày 15/5/2019 đã xem xét, bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật đối với Chi ủy Chi bộ và các đảng viên có vi phạm.

Các lô đất đối diện UBND xã Kroong được giao trái thẩm quyền đã được xây nhà kiên cố.

Vậy nhưng, khi căn cứ vào các quy định hiện hành của Đảng, quy định thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên là 5 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Như vậy, các sai phạm đã diễn ra từ năm 2002, nhưng đến năm 2019 mới bị phát hiện nên đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Căn cứ vào đó, Ban Thường vụ Thành ủy Kon Tum không xử lý kỷ luật đối với Chi ủy Chi bộ và đảng viên sai phạm trong nhiệm kỳ 2000-2005.

Đến nay, ông Trần Văn Mười và ông Nguyễn Thành Đức đã làm đơn xin thôi giữ các chức vụ hiện đang đảm nhận và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm vụ công tác khác.

Dư luận hoài nghi rằng việc phát hiện và xử lý vi phạm quá chậm, trong khi các lô đất được giao chủ yếu cho người thân, cán bộ cấp xã và cấp thị xã (nay là thành phố) phải chăng đang có vấn đề?. Những cán bộ được cấp đất, biết hay không việc chính quyền cấp xã không đủ thẩm quyền để giao, cấp đất? Ngoài ra, 18/22 lô đất nằm ngay trước cổng UBND xã chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng đã xây dựng ồ ạt. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại trách nhiệm không chỉ đối với UBND xã Kroong mà còn đối với các cơ quan, ban ngành khác trong thẩm quyền, phạm vi mình quản lý.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/ban-doc/kon-tum-can-bo-xa-tu-y-ban-hang-chuc-lo-dat-cho-nguoi-than-302470.html