Kofi Annan - nhà lãnh đạo da màu làm nên sự 'thay da đổi thịt' của Liên Hợp Quốc

'Đau khổ ở bất cứ đâu cũng khiến mọi người ở mọi nơi quan tâm' – một trong những bài học đã truyền cảm hứng cho Kofi Annan trở thành người có đóng góp quan trọng trong những hoạt động thay đổi thế giới.

Là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) thứ 7, nhà ngoại giao nổi tiếng của Ghana, ông Kofi Annan qua đời ở tuổi 80 trong khi đang điều trị bệnh tại Thụy Sỹ. Tin buồn thông báo trên trang Twitter Kofi Annan với tuyên bố của gia đình ông.

"Kofi Annan, cựu Tổng thư ký LHQ và là người được trao giải Nobel Hòa bình, đã ra đi thanh thản thứ Bảy ngày 18 tháng 8, sau thời gian ngắn lâm bệnh", — thông cáo cho biết.

Ông Kofi Annan nhận trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thế giới vào tháng 1/1997. Năm 2001, ông Annan và LHQ đã được trao giải Nobel Hòa bình.

Liên Hợp Quốc thông báo Kofi Annan từ trần.

Trong thời gian giữ chức Tổng Thư ký LHQ, ông Kofi Annan được coi là ngôi sao sáng trong các mối quan hệ quốc tế. “Viên kim cương” của lục địa đen đã đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.

Ông sinh ngày 8/4/1938 cùng người chị sinh đôi tại Kumasi, Ghana trong một gia đình mà cả ông và cha đều là những người lãnh đạo. Ông Annan luôn có mộng ước sẽ phấn đấu để người dân tại quê nhà và trên thế giới có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 1962, ông Annan bắt đầu làm việc cho LHQ ở vị trí kế toán cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Năm 1993, một năm sau khi giữ chức trợ lý Tổng Thư ký LHQ, ông được Tổng thư ký LHQ lúc đó là Boutros Boutros-Ghali đề cử giữ vị trí đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình. Quãng thời gian sau đó là khi những cuộc diệt chủng lớn diễn ra trên thế giới như người Tutsis, người Hutus tại Rwanda, người Hồi giáo tại Serbia khiến tổ chức gìn giữ hòa bình LHQ trở thành tâm bão chỉ trích.

Vượt qua nhiều khó khăn, năm 1997, ở tuổi 59, ông trở thành Tổng thư ký LHQ sau ông Boutros Boutros-Ghali. Ông kế thừa một tổ chức đang đứng trên bờ vực phá sản với nhiều thử thách khắc nghiệt.

Kofi Annan

Ông thiết lập cách cải tổ tổ chức, cắt giảm 1000 công việc ra khỏi 6000 vị trí ở trụ sở chính New York. Đồng thời, ông cố gắng thuyết phục các nước thành viên chịu trách nhiệm về những thảm họa thế giới.

Ông cũng hướng đến tương lai khi thiết lập Mục tiêu Thiên niên kỷ - một loạt các ưu tiên cần hoàn thành năm 2015, từ việc giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo cực đoan để ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

Nhưng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Dù vậy, với những đóng góp của mình, ông đã giành giải Nobel Hòa Bình cùng Tổ chức LHQ năm 2001 – với tư cách là người “mang lại sự sống mới cho tổ chức”. Cũng trong năm đó ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp ở vị trí Tổng Thư ký.

Kofi Annan là người châu Phi đầu tiên làm Tổng Thư ký LHQ và cũng là người đầu tiên đi lên vị trí cao nhất từ một nhân viên cấp thấp của tổ chức này. Việc ông được tái cử nhiệm kỳ hai vào tháng 1/2002 cũng là một ngoại lệ vì những người tiền nhiệm chỉ được làm một nhiệm kỳ và theo thông lệ luân phiên, mỗi châu lục chỉ giữ được 2 nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ.

Kofi Annan giữ chức Tổng Thư ký LHQ đến năm 2006, sau 10 năm lãnh đạo.

Kofi Annan góp phần kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xóa nghèo và bất bình đẳng. Bên cạnh đó, ông còn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch kêu gọi hành động chống HIV/AIDS, tạo tiền đề cho việc thành lập quỹ Y tế và AIDS toàn cầu.

Ông được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng Thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ.

Video: Cô gái gốc Việt được đề cử giải Nobel Hòa Bình

(Tổng hợp)

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kofi-annan--nha-lanh-dao-da-mau-lam-nen-su-thay-da-doi-thit-cua-lien-hop-quoc-d420965.html