Kíp trực cấp cứu đặc biệt đêm Giao thừa ở Hải Dương

'Kíp thực đêm Giao thừa đăc biệt hơn bình thường gồm bác sĩ trực lãnh đạo khoa, có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm nhiều năm làm cấp cứu. Đặc biệt kíp trực phải mạnh, vững về chuyên môn vì đây là những đêm rất quan trọng của ngày đầu năm', Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết.

Tối 30 Tết Canh Tý, hàng nghìn người dân TP. Hải Dương tạm gác mọi công việc để xuống phố đón xuân thì tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ, nhân viên y tế cùng kíp trực đang căng mình làm việc khẩn trương để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Bà N.T.H chia sẻ, sau khi ăn cơm tối tất niên ở nhà xong, con trai bà cùng với bạn bè rủ nhau lên thành phố xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa. Do trước khi cả nhóm có sử dụng rượu bia nên dẫn đến tai nạn giao thông. Khi gặp nạn, nhóm bạn điện về báo cho gia đình và bà cùng người thân tức tốc đi xe lên bệnh viện.

"Trên đường từ nhà đến bệnh viện, vợ chồng tôi lo lắng không biết tính mạng con trai gặp nạn thế nào, nhưng lên đến nơi, tôi thấy con trai được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch…", bà H. cho biết.

 Người bệnh nhập viện cấp cứu trong đêm 30 Tết tại Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đ.Tùy

Người bệnh nhập viện cấp cứu trong đêm 30 Tết tại Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đ.Tùy

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết: "Với đặc thù là nơi tiếp nhận các bệnh nhân vào cấp cứu, cho nên công việc bình thường đã vất vả, riêng các ngày Tết và đêm Giao thừa khối lượng công việc tăng gấp bội, nên chúng tôi phải căng mình để làm. Thậm chí, nhiều năm khi thời khắc Giao thừa đến chúng tôi đang tập trung giành giật sự sống cho bệnh nhân…".

Theo đại diên Khoa cấp cứu, thời điểm bệnh nhân nhập viện đông nhất khoảng từ 21h đến gần lúc Giao thừa. Đây là lúc mọi người sau khi ăn cơm ở nhà xong thì đi chơi. Tuy nhiên, trong bữa cơm đó hầu hết ai cũng uống rượu, bia. Vì vậy, quá trình tham gia giao thông đã xảy ra tai nạn. Hay nhiều thanh niên đi đường vui xuân, xem bắn pháo hoa, nhưng khi điều khiển phương tiện giao thông lại lạng lách đánh võng và dẫn đến tai nạn.

Sự lo lắng của người nhà bệnh nhân. Ảnh: Đ.Tùy

"Những năm trước đây, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện đêm Giao thừa do tai nạn giao thông cao. Trong đó, có khoảng từ 2 – 3 ca nguy hiểm đến tính mạng. Riêng tai nạn giao thông để lại thương tích như: gãy chân, gãy tay, phần mềm thì nhiều và so với ngày thường, khoa chúng tôi tiếp nhập số bệnh nhân do tai nạn giao thông tăng 2-3 lần.

Còn năm nay liên quan đến Nghị định 100 của Chính phủ cấm người điều khiển phương tiện uống bia rượu khi tham gia giao thông, cho nên, từ đầu tháng đến hiện tại, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông giảm hẳn và số bệnh nhân uống rượu bia say xỉn vào nhập viện giảm đáng kể.

Trước đây, mỗi dịp vào kỳ nghỉ lễ tết dài, tình trạng uống rượu bia dẫn đến va chạm vào nhập viện gây nhũng nhiễu. Còn sau khi có Nghị định 100, số người nhập viện do tai nạn giao thông giảm rõ rệt, không còn tình trạng bệnh nhân uống rượu đập phá quấy nhiễu", bác sĩ Thắng cho biết.

Kíp cứu cứu căng mình cứu bệnh nhân khi thời khắc Giao thừa đang đến gần. Ảnh: Đ.Tùy

Nói về kíp trực trong đêm Giao thừa, Trưởng khoa Cấp cứu cho hay, ngoài kế hoạch trực được phân theo hàng tháng thì đến ngày lễ, tết đơn vị tăng cường bác sĩ, tăng cường điều dưỡng, kỹ thuật viên từ 1,5 đến 2 lần và có phân bố lịch thường trú. Trường hợp bệnh nhân vào nhập viện quá đông sẽ có kíp hỗ trợ và bệnh viện có 2 đội cấp cứu ngoại viện, 2 đội nội viện ứng trực khi được điều động.

Riêng lịch phân cho kíp trực của Khoa được lên cách đó từ 15-20 ngày để mọi người chuẩn bị tâm lý, thu xếp công việc, chuẩn bị mọi thứ cho gia đình đến khi trực đêm Giao thừa sẽ thoải mái, yên tâm.

Cũng theo đại diện Khoa Cấp cứu, từ trước đến nay kíp trực của khoa chưa năm nào có được những phút giây ngồi quây quần bên nhau vào thời khắc quan trọng chuyển giao lúc Giao thừa. Bởi thời điểm đó các bác sĩ, nhân viên đang căng mình cấp cứu cho bệnh nhân. Thậm chí, có năm khoa bày sẵn mâm lễ cúng Giao thừa nhưng cũng không kịp thắp hương và mọi người chỉ kip nói với nhau "Giao thừa rồi đó", sau đó lai tiếp tục với công việc cấp cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Thắng cho biết: "Kíp trực vào ngày 30 Tết đến hết đêm Giao thừa là những anh em có kinh nghiệm nhiều năm và được trải qua nhiều kỳ trực. Anh em đều bằng lòng và nhận thấy đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên trong thâm tâm, mọi người đều hướng về người thân, gia đình…

Tiêu chuẩn của kíp thực đêm Giao thừa đăc biệt hơn các kíp trực bình thường gồm: bác sĩ trực là lãnh đạo khoa, có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm nhiều năm làm cấp cứu và xử lý nhanh vấn đề xảy ra. Đặc biệt kíp trực này phải mạnh, vững chuyên môn vì đây là những đêm rất quan trọng của ngày đầu năm".

Suốt 7 năm trực đêm Giao thừa, Trưởng khoa Cấp cứu Bênh viên Đa khoa tỉnh Hải Dương vẫn không thể nào quên những vụ tai nạn khi bệnh nhân chuyển đến khoa gần như được tiên lượng xấu, nguy kịch. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân chưa đến kịp. Những bệnh nhân này sau khi hội chẩn và đươc chỉ định phuật ngay, nếu không phẫu thuật hay chậm trễ bệnh nhân sẽ tử vong, còn nếu phẫu thuật khi xảy ra sự cố ai sẽ chiu trách nhiệm...

Do đó, những trường hợp như vậy, kíp cấp cứu xin ý kiến bác sĩ trực lãnh đạo, bác sĩ hội chẩn, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp và niềm vui lớn nhất của đối với các bác sĩ trực đêm Giao thừa nơi đây chính là cứu sống được nhiều bệnh nhân…

Theo Đức Tuy (Gia Đình và Xã Hội)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/kip-truc-cap-cuu-dac-biet-dem-giao-thua-o-hai-duong-1334675.html