Kịp thời gỡ khó những 'điểm nghẽn'.

Hiện nay, việc chưa kịp thời công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tiếp cận nguồn vốn khó khăn, tâm lý e ngại sợ dịch phát sinh khi tái đàn…đang là những điểm 'nghẽn' ảnh hưởng đến công tác tái đàn, tăng đàn lợn trong nước.

Tổng đàn lợn cả nước đạt 24,92 triệu con

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tính đến tháng 6/2020, tổng đàn lợn của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt 24,92 triệu con, đạt tỷ lệ 79,52% so với thời điểm đàn lợn vào 31/12/2018. Đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp tính đến tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra DTLCP) là 66,35%.

Đến hết tháng 6/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn nái của cả nước đạt 2,912 triệu con. Cùng với đàn nái thì đến hết tháng 5/2020, cả nước có 64.212 con lợn đực giống, đủ để phối giống cho tổng đàn nái.

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, mặc dù đàn nái đạt số lượng như vậy nhưng từ tháng 10/2019, các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất.

Trong điều kiện hiện tại khó khăn về giống, các cơ sở chăn nuôi đã tăng tỷ lệ chọn lợn giống. Như vậy, trên cơ sở 109 nghìn con nái cụ kỵ và ông bà, đã tăng được trên 18 nghìn con nái cụ kỵ và ông bà. Với số lượng trên 18 nghìn con đã bù đắp kịp thời số lượng lợn cụ kỵ và ông bà giảm đàn do DTLCP và đáp ứng cho tăng trưởng 0,5%/tháng.

Từ đầu năm 2020 đến nay nhập khẩu lợn giống bố mẹ 5.128 con. Theo số liệu đăng ký của các doanh nghiệp nhập khẩu tiếp trong năm 2020 là 10 nghìn con giống cụ kỵ, ông bà, gần 400 nghìn con giống bố mẹ. Các doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu trên 800 nghìn con lợn thương phẩm để về nuôi thịt và giết mổ.

Những “điểm nghẽn” trong tăng đàn

Công tác tăng đàn lợn là vấn đề được toàn ngành chăn nuôi và các địa phương quan tâm hiện nay, tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn” trong việc tăng đàn. Điều này do bệnh DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh DTLCP nhưng chậm công bố hết dịch. Mặt khác, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương.

Đồng thời, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân dẫn đến người chăn nuôi gặp khó khăn trong duy trì sản xuất. Cùng với đó là việc người chăn nuôi cũng gặp khó khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Các tháng 5 - 9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019, các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.

Vừa qua, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ đàn lợn của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao, từ 2,5 - 3 triệu đồng/con.

Hỗ trợ chính sách để người chăn nuôi tái đàn

Nhằm để đẩy nhanh công tác tái đàn, tăng đàn và duy trì sản xuất chăn nuôi lợn, Cục Chăn nuôi đề nghị, đối với các địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày) cần khẩn trương công bố hết dịch, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cụ thể để tái đàn và tăng đàn lợn giống; triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020.

Đặc biệt, cần có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

Đi đôi với các giải pháp trên, cần tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn lợn. Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng. Tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách về cơ chế, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP từ năm 2020 trở đi.

Về nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn hàng, bảo đảm nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

BT

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/kip-thoi-go-kho-nhung-diem-nghen--559665.html