Kịp thời đôn đốc để tránh kéo dài các vụ tranh chấp dân sự

Mới đây, VKSND tỉnh có kiến nghị gửi TAND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra để xử lý một số tồn tại trong công tác giải quyết các vụ tranh chấp dân sự. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề tạm đình chỉ hoặc để án dân sự quá hạn.

Cơ quan chức năng giải quyết một vụ tranh chấp đất xảy ra tại xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh minh họa: T.Danh

Cơ quan chức năng giải quyết một vụ tranh chấp đất xảy ra tại xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh minh họa: T.Danh

* Án tranh chấp dân sự còn để kéo dài

Theo VKSND tỉnh, trong thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm sát cho thấy, trên lĩnh vực tranh chấp dân sự còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải có giải pháp để khắc phục. Trong đó tồn tại lớn nhất là công tác giải quyết án còn để kéo dài, nhiều vụ án bị tạm đình chỉ nhưng chưa thực sự thỏa đáng gây không ít khó khăn và bức xúc cho người dân.

Theo thống kê của VKSND tỉnh có những vụ tranh chấp dân sự đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có vụ phải tạm đình chỉ từ 4-6 lần bởi công tác thu thập tài liệu và các thông tin liên quan chưa đầy đủ. Đáng chú ý nhất là các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản…

Cụ thể như vụ bà H.T.H. khởi kiện tranh chấp tài sản chung với bà H.K.T. (đều ngụ tỉnh Đồng Nai) được TAND tỉnh thụ lý từ năm 2006 nhưng đến nay sau 14 năm vẫn chưa được giải quyết xong. Vụ việc này đã bị tạm đình chỉ 4 lần, đến nay các đương sự vẫn đang chờ các cơ quan chức năng cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp này.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, khi một vụ án tranh chấp dân sự nếu không đủ cơ sở để giải quyết thì tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết để chờ thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan. Tuy nhiên, sau khi phục hồi lại thì vụ án tiếp tục quay lại từ đầu và tòa án cũng có thể tiếp tục tạm đình chỉ nhiều lần nếu chưa đủ cơ sở để giải quyết. Chính những quy định này khiến một vụ án tranh chấp dân sự có thể phải kéo dài.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh cho biết, trong tranh chấp dân sự nói chung có rất nhiều vấn đề phát sinh trong các quan hệ xã hội. Trong khi đó, những vấn đề này lại liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành nên để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng đòi hỏi cơ quan thụ lý phải xác minh thông tin từ nhiều đầu mối khác nhau. Trên cơ sở những kết quả xác minh này, các cơ quan tư pháp mới có quyết định đầy đủ và chính xác nhất. Như vậy, có thể thấy việc giải quyết án tranh chấp mất rất nhiều thời gian, công sức của các cán bộ thụ lý khiến cho vụ việc phải kéo dài, thậm chí phải tạm đình chỉ nhiều lần.

Ngoài ra, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, việc để xảy ra tình trạng các vụ án dân sự còn kéo dài, nhiều vụ án bị tạm đình chỉ còn do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của một số địa phương hiệu quả chưa cao; một số cơ quan chức năng chưa phối hợp tốt trong công tác trả lời các yêu cầu của các cơ quan thụ lý giải quyết các vụ án nói trên. Bên cạnh đó, chính sự thiếu trách nhiệm, thiếu sự đôn đốc của các cán bộ thụ lý giải quyết khiến cho công tác điều tra, thu thập thông tin, xác minh vụ việc từ các cơ quan chức năng không được thực hiện theo đúng quy định. Từ đó đã làm cho vụ việc bị kéo dài nhiều hơn.

* Kịp thời đôn đốc để tránh tình trạng án kéo dài

Trước những tồn tại nêu trên, trong thời gian qua, VKSND tỉnh định kỳ hằng quý ban hành những kiến nghị gửi TAND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra để xử lý một số tồn tại trong công tác giải quyết các vụ tranh chấp dân sự. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề tạm đình chỉ hoặc để án quá hạn.

Thực hiện chức năng kiểm sát, từ đầu năm 2019 đến nay, VKSND tỉnh xác định có 304 quyết định tạm đình chỉ vụ án của TAND tỉnh, trong đó có 291 vụ dân sự sơ thẩm, 7 vụ dân sự phúc thẩm…

Trao đổi về vấn đề này ông La Minh Dũng, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9) VKSND tỉnh cho biết, kiến nghị của VKSND tỉnh là nhằm đôn đốc tòa án sau khi tạm đình chỉ các vụ án thì cần phải kịp thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chức năng kịp thời trả lời, phản hồi công văn yêu cầu của tòa án. Trên cơ sở đó góp phần giúp các vụ án tranh chấp được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng án bị tạm đình chỉ kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Để khắc phục những vướng mắc, tồn tại nêu trên, trong kế hoạch công tác năm 2020, Viện trưởng VKSND tỉnh Huỳnh Văn Lưu yêu cầu kiểm sát viên phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại… theo quy định của pháp luật. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong đó, VKSND hai cấp tăng cường công tác kiểm sát thi hành án dân sự; kiểm sát 100% hồ sơ các vụ án bị tạm đình chỉ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC tháng 12-2019 về công tác của ngành, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu toàn ngành kiểm sát phải nâng cao chất lượng công tác kiểm soát hoạt động tư pháp; kiểm sát viên phải nắm chắc, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, kinh doanh, thương mại…

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202004/kip-thoi-don-doc-de-tranh-keo-dai-cac-vu-tranh-chap-dan-su-3000752/