Kịp thời cứu sống người đàn ông đang chạy xe thì té xỉu vì lên cơn nhồi máu cơ tim cấp

Việc kiểm tra, tầm soát, điều trị bệnh lý nền theo các chuyên gia y tế là vô cùng quan trọng vì sẽ giúp người bệnh tránh được các nguy cơ có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19.

Như trường hợp ông V.A.T có bệnh lý nền mà không tái khám, đột ngột lên cơn nhồi máu cơ tim và ngã xe giữa đường, kịp thời cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm – Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-la, Q. Bình Tân, TP.HCM) và may mắn thoát khỏi “cửa tử”.

Cụ thể, chiều ngày 6.8, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Gia An 115 nhận được thông tin về một nam bệnh nhân ngã xe, đập đầu xuống đường. Ngay lập tức, xe cứu thương của Bệnh viện xuất phát đến đón bệnh nhân. Sau khi được đội ngũ y bác sĩ trên xe cứu thương sơ cứu, bệnh nhân đã tỉnh lại. Tại bệnh viện, bệnh nhân cho biết mình là V.A.T, sinh năm 1951, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM. Khi đang chạy xe trên đường, bệnh nhân đột ngột cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm rồi ngất xỉu. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, sỏi túi mật, thận ứ nước, mỡ máu cao.

BS-CKII Dương Duy Trang - Thực hiện đặt stent tại phòng Hybrid. Ảnh: A.N

BS-CKII Dương Duy Trang - Thực hiện đặt stent tại phòng Hybrid. Ảnh: A.N

Bằng kinh nghiệm của mình, chuyên gia tim mạch, BS-CK2 Dương Duy Trang – Trưởng khoa Tim mạch và tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115 – nhận định bệnh nhân có khả năng cao bị nhồi máu cơ tim cấp và nhanh chóng chỉ định các cận lâm sàng cần thiết.

Các kết quả cận lâm sàng đã khẳng định dự đoán của BS Trang: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do động mạch vành phải bị hẹp 70%, có huyết khối. Ngay lập tức, bác sĩ đã tiến hành can thiệp chụp, nong và đặt stent động mạch vành để tái thông động mạch cứu bệnh nhân.

Thủ thuật được thực hiện thành công với tổng thời gian chỉ khoảng 30 phút. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Gia An 115 để điều trị chấn thương đầu và các bệnh lý nền.

Cần sớm kiểm soát bệnh lý nền trong mùa dịch COVID-19

Theo BS-CK2 Dương Duy Trang, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. “Thời gian vàng” cấp cứu người nhồi máu cơ tim là trong 1-2 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng nên việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định tính mạng của người bệnh. "Chính vì vậy, nếu người bệnh có các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp như đau ngực trái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn… thì cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời. Việc thực hiện sớm các phương pháp can thiệp tim mạch giúp tái thông động mạch vành sẽ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân. Càng xử trí chậm trễ, nguy cơ tử vong của bệnh nhân càng cao" - BS Trang khuyên.

BS. Duy Trang cũng khuyến cáo, việc định kỳ khám sức khỏe tổng quát nói chung, khám tim mạch nói riêng có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp, đặc biệt là với các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao (rối loạn lipid máu)… như trường hợp của ông V.A.T.

Khi có nguy cơ cao mà bệnh nhân chủ quan, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng vì thực tế, không phải ai cũng may mắn được can thiệp y tế kịp thời. "Hơn nữa, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý nền càng có ý nghĩa quan trọng. Thực tế trên thế giới và những ca tử vong đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến bệnh COVID-19 cho thấy, những người đang có nhiều bệnh lý nền khi mắc thêm COVID-19 thì có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao hơn", Trưởng khoa Tim mạch và tim mạch can thiệp của Bệnh viện Gia An 115, nhận định.

Trọng Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/kip-thoi-cuu-song-nguoi-dan-ong-dang-di-xe-thi-te-xiu-vi-len-con-nhoi-mau-co-tim-cap-24859.html