Kinzhal, Avangard gầm gào khi Washington rút khỏi INF

Cả Nga và Mỹ đang gấp rút trang bị các hệ thống vũ khí răn đe chuẩn bị cho xung đột sau khi Mỹ rút khỏi INF.

Trong thông báo của Nhà Trắng ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ ngưng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, vốn sẽ được hoàn tất trong 6 tháng, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy mọi tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan”.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới và nếu Moscow không tuân thủ, hiệp ước sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, ông Pompeo nói thêm Washington mong muốn đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga và hy vọng Moscow có thể tuân thủ hiệp ước INF.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ không có bất kỳ chứng nào khi cáo buộc Nga vi phạm INF hơn 30 lần.

“Một khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga có quyền đưa ra phản ứng phù hợp”, theo hãng thông tấn TASS. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mỹ rút khỏi INF sẽ kích ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tên lửa Kinzhal được gắn trên chiến đấu cơ MiG-31 của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik

Cũng trong ngày 1/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow chưa bao giờ là nước đầu tiên gây ra cuộc chạy đua vũ trang và cũng không có ý định đe dọa bất cứ nước nào liên quan đến kế hoạch của Mỹ rút khỏi INF.

"Nga sẽ không đe dọa bất cứ nước nào, Nga chỉ kiềm chế những đối thủ tiềm tàng và bảo đảm an ninh của mình", ông Ryabkov nói thêm, nhấn mạnh nước này đang gấp rút đưa các loại vũ khí răn đe hiện đại là tên lửa Kinzhal và thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard vào trực chiến để tăng cường năng lực phòng thủ.

"Đây là các tổ hợp đủ sức mạnh vô hiệu hóa mối đe dọa tiềm tàng từ phía Mỹ hoặc bất cứ hướng nào khác", Thứ trưởng Ngoại giao Nga thông báo thêm.

Ở một diễn biến có liên quan, Bộ Năng lượng Mỹ đã bắt đầu chế tạo một loại vũ khí hạt nhân mới nhằm đối phó với Nga.

Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia cho biết vũ khí này, tên gọi là W76-2, đã bắt đầu được sản xuất tại Nhà máy Pantex ở khu vực Texas Panhandle, ở phía Tây Bắc bang Texas.

Đến tháng 10 năm nay, hải quân Mỹ sẽ nhận được một số lượng nhỏ loại vũ khí này.

Đây là một biến thể của loại vũ khí hạt nhân nguyên thủy được phóng từ tàu ngầm của hải quân Mỹ - W76-1. Đầu đạn của nó được miêu tả là một "thứ vũ khí chiến lược", gây ra một tiếng nổ cực lớn.

W76-1 được cho là có sức công phá khoảng 100 kiloton, theo ông Hans Kristensen, Giám đốc dự án thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, tổ chức ủng hộ kiểm soát vũ khí.

Để so sánh, quả bom được thả xuống TP Hiroshima - Nhật Bản năm 1945 có sức công phá khoảng 15 kiloton.

Bộ Năng lượng Mỹ không tiết lộ chi tiết về loại bom hạt nhân mới W76-2 nhưng người ta cho rằng sức công phá của nó khoảng 5-7 kiloton.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giải thích lý do vì sao phát triển loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể phóng từ tàu ngầm.

Trong văn bản "Xem xét lại tình hình hạt nhân", chính quyền Mỹ khẳng định Nga tin tưởng rằng các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ của nước này có thể tạo ra ưu thế khi xảy ra xung đột.

Theo đó, qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, Nga có thể khiến NATO hoảng sợ tạm dừng hoạt động quân sự. Tài liệu trên viết: "(Moscow) đánh giá một cách sai lầm rằng đe dọa leo thang hạt nhân hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân trước sẽ giúp "xuống thang" một cuộc xung đột theo chiều hướng có lợi cho Nga".

Bản báo cáo trên xác định các đầu đạn mới, cỡ nhỏ sẽ giúp cân bằng sức mạnh của Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Kristensen lo ngại đầu đạn mới này có thể khiến cho chiến tranh hạt nhân nhiều khả năng xảy ra hơn.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/kinzhal-avangard-gam-gao-khi-washington-rut-khoi-inf-3373976/