Kính trọng, thương mến thầy cô giáo

Tôi làm công việc liên quan đến nhân sự nên thường được anh em, bà con nhờ tư vấn chọn ngành nghề cho con em họ khi chuẩn bị thi đại học. Tôi biết nhiều người thích chọn con đường vào quân đội hay công an là vì những điều kiện thuận lợi khi tham gia những ngành này, như gia đình không phải nuôi trong quá trình học; khi ra trường không phải lo đi xin việc mà lương và các chế độ cũng tốt so với mặt bằng chung, có cơ hội hưởng bổng lộc, thu nhập ngoài lương, thậm chí có người còn được cấp đất đai...

Trong khi đó, hãy nhìn vào việc tuyển sinh của ngành sư phạm. Kết thúc kỳ thi đại học năm 2017, xã hội giật mình vì điểm đầu vào một số trường sư phạm thấp đột biến. Điểm đầu vào thấp nghĩa là chất lượng thầy cô giáo trong tương lai thấp. Mà thầy không giỏi thì khó có trò giỏi. Điều này khiến không lâu sau đó, một vị quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải pháp: các năm tới sẽ quy định điểm đầu vào của ngành sư phạm cao hơn.

Tôi lại nhớ câu chuyện tuyển dụng của một công ty nọ. Họ cần người giỏi nên đưa ra tiêu chuẩn cao cùng quy trình tuyển dụng khắt khe, chặt chẽ. Nhưng mãi mà họ không nhận được những hồ sơ ứng viên như ý. Họ đã quên rằng muốn tuyển dụng người giỏi thì sức hấp dẫn của công ty cũng là một “tiêu chuẩn”! Do vậy, nếu không nhìn ra hoặc phớt lờ cái gốc vấn đề này thì phải chấp nhận ứng viên đầu vào chỉ ở mức làng nhàng mà thôi.

Trở lại với ngành sư phạm, rất nhiều sinh viên ra trường muốn có việc làm phải chi một khoản tiền lớn, nhất là để vào được các trường công lập, nếu không thì cũng theo con đường “nhất quan hệ, nhì hậu duệ”. Tôi từng gặp nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng nộp hồ sơ xin làm công nhân, bảo vệ trong các công ty, bởi nếu không có những điều kiện như trên, họ không nhìn thấy bất cứ cơ hội nào về một công việc phù hợp lĩnh vực chuyên môn đã theo học, mà họ cũng không thể ăn bám gia đình thêm nữa.

Còn với những người đã là thầy cô giáo thì sao? Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn nghe tin tỉnh này, địa phương nọ cắt giảm hàng trăm “giáo viên hợp đồng” với nhiều lý do khác nhau. Đáng thương là để được “cái chân hợp đồng” ấy, họ đã phải vất vả trăm bề lẫn hao tổn tiền bạc và mức lương giáo viên chính thức thì cũng chẳng được là bao. Nhiều người đang là giáo viên chính thức cũng chưa phải yên bề. Lâu lâu có ai đó bóng gió chuyện “chuyển trường” thì phải biết đường mà lo liệu. Hay đơn giản hơn là chuyện cấp trên về kiểm tra cũng trở thành nỗi ám ảnh. Cô em gái tôi dạy ở một trường mầm non miền núi chỉ có ba bốn chục học sinh mà mỗi lần chuẩn bị có “phòng về” là hết sức tất bật, lo lắng, sợ phật lòng...

Đặng Quỳnh Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281633/kinh-trong-thuong-men-thay-co-giao-.html